Xuất khẩu thủy sản: Quên đi thời giá rẻ !
Thách thức mà ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đối mặt là “sự phân tán sức cạnh tranh” diễn ra khá nhanh và chủ yếu cạnh tranh bằng giá. Đã đến lúc cần sự thay đổi căn bản trong quan điểm và phương thức phát triển thị trường.
Lợi thế cạnh tranh…
So với nhiều ngành nghề khác, ngành thủy sản là ngành hội nhập rất sớm vào thị trường thế giới, trước thời điểm Hiệp định thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực (2001). Năm 2007, khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đứng thứ tám trong Top 10 nước xuất khẩu thủy sản về giá trị và thứ 12 về sản lượng xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt được sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian liên tục 15 năm và giảm hơn 3% thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2009. Nhưng sau đó đã phục hồi đà tăng trưởng và năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức khá ấn tượng 6,118 tỷ USD, tăng 21,5% và năm 2012 đạt mức 6,134 tỷ USD, tăng 0,3% so với năm 2011.
Với lợi thế tự nhiên nhiều mặt, Việt Nam có thể nâng cao nhanh chóng sản lượng và đa dạng sản phẩm ưu thế như: tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể chân đầu, nhuyễn thể hai mảnh vỏ… cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tuy không có ưu thế về thị trường quốc tế do tham gia muộn, nhưng Việt Nam lại có lợi thế hơn về việc tiếp thu những bài học kinh nghiệm định hình sản phẩm, lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp, và nhất là giảm được chi phí đổi mới công nghệ, hiện đại hóa sản xuất và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Tính đến năm 2012, ngoài ba thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản và EU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã vươn tới 164 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đang thâm nhập vào thị trường trên một tỷ dân của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch danh dự VASEP: “Xét về giá trị tuyệt đối, thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hằng năm sang các thị trường này tăng liên tục cả về khối lượng và giá trị; tuy nhiên, nếu xét theo tỷ trọng thị trường thì có sự biến động theo thời gian”.
Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành thì lợi thế so sánh cho thấy sức tăng trưởng của thủy sản Việt Nam chủ yếu do sự gia tăng về quy mô chứ không ổn định về mặt cấu trúc.
Như vậy khi nguồn cung được mở rộng, nếu sức cạnh tranh được duy trì thì sẽ gia tăng thị phần ngay trong chính sách các thị trường chính để duy trì lợi thế so sánh tại các thị trường chính và phần còn lại sẽ mở rộng sang các thị trường khác. Trong trường hợp ngược lại, thị phần tại các thị trường chính giảm, nghĩa là tăng trưởng tại các thị trường này là tăng trưởng chung chủ yếu do quy mô nguồn cung chứ không phải từ sự gia tăng tính cạnh tranh.
Giá rẻ: Mất ưu thế, thêm rủi ro
Từ trước năm 2010, ngành thủy sản có lợi thế về giá nguyên liệu thấp, chi phí nhân công rẻ có lợi thế cạnh tranh khá tốt về giá.
Nhưng thời gian qua, do khủng hoảng kinh tế, tác động của lãi suất và lạm phát đã đẩy chi phí sản xuất trong nước tăng cao, cộng với việc không được tổ chức tốt trên quy mô toàn ngành sản xuất đã làm cho giá nhiều loại nguyên liệu như tôm, mực… cao hơn giá cùng loại của nhiều quốc gia. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến đã chuyển sang nhập khẩu một phần nguyên liệu.
Mặt khác, việc DN chủ động “hạ giá bán” để cạnh tranh tạo lên mặt bằng giá thị trường ngày càng thấp đã làm giảm mạnh lợi nhuận, giảm động lực của khu vực sản xuất.
Theo VASEP, việc người nuôi cá tra bỏ nghề hiện nay là kết quả thực tế của quá trình giảm giá để cạnh tranh của DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xu hướng “hạ giá” của DN thủy sản đã và đang tạo ra nhiều “kẻ thù”, các vụ kiện chống bán phá giá và các chính sách hạn chế thủy sản Việt Nam ngày càng tỏ ra không có điểm dừng!
Trong khi đó, với sản lượng lớn cá tra và giá rẻ đã tạo lên phản ứng gay gắt từ các quốc gia nhập khẩu. Những thông tin “nhiễu loạn” về nguồn gốc, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của cá tra liên tục được tung ra tại các thị trường, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.
Nhìn nhận vấn đề này, bà Minh cho rằng những nỗ lực của từng nhóm riêng giữa DN và nông ngư dân không giải quyết được tác động của quy luật “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường, điều đó được thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực sản xuất thủy sản - ngành sản xuất hàng hóa lớn để xuất khẩu. Từ hàng chục năm nay chúng ta có một-quy-luật là tình trạng phát triển “nuôi ồ ạt” dẫn đến dư thừa nguyên liệu, hệ quả - người sản xuất bị ép giá, ép cầu, sau đó họ bỏ nuôi thì lại đến lượt DN chế biến thủy sản không mua được nguyên liệu, mặc dù đã có hợp đồng với người nuôi thủy sản…
Tình trạng các DN sử dụng công cụ “giảm giá bán” để cạnh tranh thể hiện sự phát triển không bền vững, làm “giá trị thị trường” giảm mạnh, không chỉ làm mất động lực sản xuất mà còn đặt ngành sản xuất vào nguy cơ đóng cửa do nhiều quốc gia nhập khẩu có những “nhóm lợi ích” sẵn sàng “gây sự” khởi kiện chống bán phá giá! - Bà Minh nhận định.
Thực tế xuất khẩu thủy sản Việt Nam hội tụ được nhiều yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững như các điều kiện tự nhiên về địa lý, khí hậu, các giống loài đáp ứng được yêu cầu của sản xuất quy mô lớn. Đồng thời các DN thủy sản Việt Nam đều năng động cùng với đội ngũ lao động nghề cá cần cù, sáng tạo… Nhưng thời gian qua cho thấy sự phát triển “tự phát” mạnh mẽ trong các khu vực sản xuất nguyên liệu, chế biến, dịch vụ phụ trợ trong khi tổ chức, cơ chế và cách thức quản lý không phù hợp với tính chất thị trường của nền kinh tế đã dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng giữa hai khu vực sản xuất nguyên liệu và chế biến tiêu thụ.
Sự mất cân đối này, theo bà Minh, không chỉ thể hiện trong việc luôn thiếu nguyên liệu cho chế biến mà còn thể hiện ở sự bất-cân-xứng về phương thức quản lý và trình độ, năng lực của lực lượng sản xuất tại hai khu vực của chuỗi sản xuất này.
Quyết Thắng
Theo NDO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo