Y tế

Đà Nẵng: Nội soi ổ bụng, lấy ra chiếc tăm tre nhọn đâm thủng dạ dày xuyên qua gan

DNVN - Ngày 19/2, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa (Bệnh viện Đà Nẵng) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi ổ bụng bệnh nhân N.Đ.L (56 tuổi, quê Điện Bàn, Quảng Nam), lấy ra chiếc tăm tre nhọn đâm thủng dạ dày xuyên qua gan.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý kiến nghị của Đà Nẵng về sân bay quốc tế, cảng Liên Chiểu / Đà Nẵng: Xử lý cơ sở lưu trú du lịch không đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận ông L. trong tình trạng sốt, đau bụng vùng thượng vị. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ phát hiện dị vật cản quang có một đầu nằm tại thành dạ dày, một đầu chạy về phía gan trái, có chiều dài khoảng 3cm. Chẩn đoán ban đầu là dị vật ống tiêu hóa biến chứng thủng.

Nội soi dạ dày

Nội soi ổ bụng bệnh nhân L. phát hiện chiếc tăm tre (dài khoảng 5cm) nằm ở thành bờ cong bé dạ dày xuyên rất sâu qua nhu mô gan trái.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng thăm dò và xử lý nguyên nhân. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ kiểm tra thấy một chiếc tăm tre (dài khoảng 5cm) ở thành bờ cong bé dạ dày xuyên rất sâu qua nhu mô gan trái, gây ổ áp xe khu trú ở mặt dưới gan trái. Các bác sĩ tiến hành lấy chiếc tăm tre ra khỏi thành dạ dày và nhu mô gan, khâu lại lỗ thủng thành bờ cong bé dạ dày, cầm máu nhu mô gan, súc rửa và dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân.

BS.CKII Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là một trường hợp tương đối hiếm gặp. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì ổ áp xe sẽ hình thành lớn hơn tại vị trí hoại tử thủng dạ dày và dẫn đến vỡ gây viêm phúc mạc toàn bộ - nhiễm trùng ổ bụng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Chiếc tăm tre sau khi lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân L.

Chiếc tăm tre sau khi lấy ra khỏi ổ bụng bệnh nhân L.

Hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, giảm đau bụng nhiều so với trước mổ, hết sốt, đã có thể ăn nhẹ. Theo BS.CKII Nguyễn Hoàng, nhờ những ưu điểm của phẫu thuật nội soi như vết mổ nhỏ, ít đau – vận động trở lại sớm sau mổ mà bệnh nhân được hồi phục nhanh và có thể xuất viện sớm trong vài ngày tới.

Khi được các bác sĩ hỏi về sự xuất hiện chiếc tăm xỉa răng trong lòng dạ dày, bệnh nhân L. cho biết “có thỉnh thoảng vừa nằm võng vừa xỉa răng sau khi ăn xong, nhưng không biết nuốt tăm xỉa răng khi nào”.

BSCKII Nguyễn Hoàng thăm khám cho bệnh nhân L. sau ca phẫu thuật

BS.CKII Nguyễn Hoàng thăm khám cho bệnh nhân L. sau ca phẫu thuật.

BS.CKII Nguyễn Hoàng khuyến cáo không nên dùng tăm xỉa hoặc ngậm các vật nhỏ ở tư thế nằm ngửa, dễ tạo điều kiện cho các dị vật rơi vào đường tiêu hóa hoặc hô hấp. Đặc biệt các thói quen xấu như vừa xỉa răng vừa xem tivi hoặc đọc báo… vì khi quá tập trung hoặc bị ảnh hưởng bởi hoạt động khác thì sẽ rất dễ nuốt tăm hay dị vật đang ngậm theo phản xạ.

Trước đó vài ngày, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa – Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tương tự cho một bệnh nhân nữ 64 tuổi, do nuốt nhầm xương cá, sau đó xương cá đâm thủng dạ dày ra ngoài ổ bụng.

Hải Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm