Thị trường

Yêu cầu Bộ Công thương báo cáo về dự án Bô xít

12 nhà khoa học gửi kiến nghị về Chương trình Bô xít Tây Nguyên từ 23-10-2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương và TKV giải trình. Giờ Văn phòng Chính phủ nhắc lại.

Các bồn chưng cất khổng lồ tại tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) phục vụ ươm mầm hydrat điều chế alumin từ quặng bôxit

 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công thương và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN (TKV) nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu báo cáo về kiến nghị của 12 nhà khoa học liên quan các vấn đề Chương trình Bô xít Tây Nguyên. 

 

Do kiến nghị của 12 nhà khoa học đã được gửi từ 23-10-2014, thời điểm đó Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương và TKV nghiên cứu, giải trình, báo cáo gấp nên lần này, văn bản của Văn phòng Chính phủ nhắc lại văn bản chỉ đạo cũ và yêu cầu Bộ Công thương, TKV khẩn trương thực hiện chỉ đạo tại văn bản trước, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-4-2015.

 

Theo văn bản của các nhà khoa học gửi ngày 23-10-2014 mà văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu, các nhà khoa học đã đề cập các vấn đề:

 

Về thiết bị và công nghệ, nhà thầu Chalieco chưa có kinh nghiệm về công nghệ xử lý quặng bô-xít gibsit như của Tây Nguyên. Trong thiết kế kỹ thuật nhà máy alumin Tân Rai, nhà thầu Chalieco đã áp dụng trình độ công nghệ thấp. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của nhà máy cho thấy mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước cao hơn mức trung bình của thế giới.

 

Trong khi đó, tổng thực thu alumin ghi trong thiết kế chỉ ở mức trung bình. Thiết bị ở nhà máy Tân Rai không đồng bộ, hệ thống đo lường tự động hoạt động không ổn định, nên hiện nhà máy phải vận hành bằng tay. Sau gần 2 năm sản xuất, nhà máy Tân Rai mới chỉ đạt 60-65% công suất thiết kế. Do đó, hiệu quả kinh tế và tài chính của các dự án sẽ rất thấp.

 

Về hiệu quả tài chính dự án, đến nay, tổng chi phí thực tế cho 2 dự án đang cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu, trong khi sản lượng đầu ra không đạt thiết kế. Ngoài ra, đã phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (như đường vận chuyển bô-xít, đường tránh khu dân cư).

 

Về các sản phẩm từ bùn đỏ, việc sử dụng bùn đỏ sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng mới chỉ được thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm, trên thế giới chưa có sản xuất ở quy mô công nghiệp vì không có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, vấn đề sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng từ bùn đỏ quy mô công nghiệp ở Tây Nguyên cần được xem xét rất thận trọng.

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo