“Chạy đua” vào lớp 10
Luyện thi cấp tập vào trường chuyên
Để đáp ứng nhu cầu của học sinh (HS), hầu hết các trường THCS của Hà Nội đều tổ chức ôn thi vào lớp 10. Các trung tâm luyện thi như: Học Mãi, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam... cũng bắt đầu chiêu sinh các lớp “ôn thi vào lớp 10 cấp tốc” với khoảng gần 20 buổi cho mỗi môn thi.
Lịch học của M.L, một HS lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình), dày đặc với 3 buổi/ngày và 7 ngày/tuần. Ngoài học ôn thi toán, tiếng Việt do nhà trường tổ chức, em còn “chạy sô” ôn thi ở trung tâm luyện thi của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, buổi tối có gia sư đến tận nhà để kèm cặp thêm những bài khó chưa hiểu ở trung tâm luyện thi... “Mục tiêu mà bố mẹ em hướng đến là em phải đỗ vào chuyên Anh của trường Ams nên vất vả mấy cũng phải cố học”, M.L tâm sự.
Có phụ huynh còn bất chấp xa xôi, ngày nào cũng đưa đón con vài chục km để được học ở chỗ những thầy cô tiếng tăm. Con thì căng thẳng học thêm, bố mẹ phờ phạc vì đưa đón và kinh phí cho việc ôn thi cũng đội lên rất lớn. Tính trung bình, mỗi một ca học khoảng 200.000 đồng/môn, cộng với tiền học thêm đại trà các môn ở trường, số tiền học thêm hằng tháng trong giai đoạn này là rất lớn.
Đề thi không đánh đố
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Nếu không thi vào các trường chuyên thì áp lực thi vào lớp 10 không hề căng thẳng. Đề thi vào lớp 10 sẽ vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng. Tất cả HS ôn tập đầy đủ và nắm chắc chuẩn kiến thức kỹ năng sẽ làm được bài. Đề thi có sự phân hóa, HS ở mức trung bình có thể làm được từ 5-7 điểm, khá làm được 7 - 9 điểm, ngoài ra đề thi sẽ có một câu phân loại dành cho HS giỏi. Tôi khẳng định chỉ cần học thật tốt kiến thức trong chương trình THCS hiện hành, các em sẽ đạt 9 điểm”.
Ông Nguyễn Quang Phương, giáo viên toán Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Q.Ba Đình, cũng cho rằng: “HS không nên quá căng thẳng dẫn tới việc tập trung ôn luyện những kiến thức “cao siêu”, chú trọng ôn tập những dạng bài khó mà lơ là kiến thức cơ bản. Điều này rất nguy hiểm vì đề thi thường chỉ có một câu hỏi nâng cao, còn lại đều nằm ở kiến thức cơ bản”. Nhà giáo Đặng Đình Đại, người vốn có nhiều năm kinh nghiệm trong việc ra đề và chấm thi môn văn ở Hà Nội, cũng nhắn nhủ: “Đề thi môn văn gồm ba mảng kiến thức cơ bản: văn bản, tiếng Việt, tập làm văn. Mỗi đề thi có nhiều câu hỏi nhỏ, sẽ ít có những câu hỏi kiểm tra kiến thức của một bài cụ thể mà đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức bao quát toàn bộ chương trình nên HS không nên trông chờ vào việc học vẹt, học tủ”.
Minh Tâm ( Theo Thanhnien )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!
Einstein là thiên tài nhưng tại sao con trai ông lại mắc bệnh tâm thần?
Người đàn ông thông minh nhất thế giới với chỉ số IQ 210 tuyên bố không ngờ về những gì xảy ra sau khi con người chết