“Doanh nghiệp trẻ cần bỏ kiểu kinh doanh chộp giật”
Đó là chia sẻ của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam tham gia chương trình Leader Talk 3 với chủ đề “Cạnh tranh toàn cầu và Hướng đi cho người khởi nghiệp” được tổ chức ngày 11/1 tại Hà Nội.
Có ý tưởng nhưng thiếu thực tế
Các chuyên gia nhận định thế mạnh lớn nhất của các công ty khởi nghiệp Việt Nam là ý tưởng, tinh thần muốn tự lập, muốn tự mình làm chủ. Nền tảng kiến thức của các khởi nghiệp Việt trong thời gian gần đây cũng được nâng cao đáng kể bởi nhiều người đã có thời gian học và trải nghiệm ở nước ngoài trước khi về Việt Nam khởi nghiệp.
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc có tới gần 61.000 doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa năm 2013, bà Phạm Chi Lan cho rằng đây là con số rất đáng báo động. Điều mà bà Chi Lan lưu ý, đó là nguyên nhân của việc doanh nghiệp bị "chết yểu" không phải chỉ do tình hình kinh tế khó khăn mà chủ yếu là do yếu tố con người.
"Chính tâm lý muốn tự mình làm chủ đã khiến các khởi nghiệp chưa thực sự nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc và toàn diện. Ngoài ra, các khởi nghiệp còn nóng vội, muốn giàu nhanh, tư duy 'người khác làm được mình cũng làm được' và xu hướng gia đình hóa các công ty đã vô hình làm hạn chế tầm nhìn phát triển sản phẩm của mình," bà Phạm Chi Lan phân tích.
Cũng đồng tình với ý kiến này, song ông Lê Xuân Nghĩa còn chỉ ra, các nhà khởi nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ chú trọng việc phát triển sản phẩm của mình, thiếu nghiên cứu thị trường hoặc nghiên cứu theo cảm tính, chủ quan. Do đó, mặc dù có nhiều sản phẩm tốt nhưng không nhận được sự đầu tư đúng mức. Điều này cũng đã dẫn đến những "cái chết được báo trước" kể trên...
Vận dụng "chiến lược Võ Nguyên Giáp"
Theo bà Phạm Chi Lan, để khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững, các chủ doanh nghiệp trẻ phải tránh xa cách kinh doanh “chộp giật”, chạy theo phong trào, thu được lợi ích trước mắt song nhanh chóng thất bại trước những thay đổi của thị trường.
Thay vào đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận trải qua thử thách, chủ động tiếp cận phương thức kinh doanh mới, sáng tạo và đổi mới công nghệ để tự mình tìm ra con đường phát triển.
Đây cũng là quan điểm của ông Lê Xuân Nghĩa khi cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp thất bại trong năm 2013 vừa qua là các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động và không chịu bỏ chi phí đổi mới do ảnh hưởng nặng nề của tâm lý kinh doanh chộp giật.
Ông Lê Đăng Doanh với câu chuyện về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thể hiện niềm tin đối với sức trẻ của các doanh nghiệp “tân binh” trong cuộc chiến mới trên thương trường.
Nhất trí với quan điểm không kinh doanh theo phong trào, ông đặc biệt nhấn mạnh sự mạnh dạn và khả năng tự chủ của mỗi doanh nghiệp, bởi theo ông, để thực hiện chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của cố Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, các doanh nghiệp phải tập trung điều tra kỹ lưỡng thị trường, công nghệ, nguồn lao động, tích lũy kinh nghiệm từ các bài học nhỏ để dần vững mạnh và quan trọng nhất là “không được e dè, sợ hãi trước khó khăn.”
Còn ông Trần Đình Thiên chia sẻ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ, phải tự mình chủ động và linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường thay vì trông mong sự giúp đỡ hay những thay đổi của công cuộc cải cách thể chế. Thiếu sự chủ động, doanh nghiệp sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và nhanh chóng thất bại.
Tư duy mới, tầm nhìn “sâu”
Cùng với những thời cơ mới khi nền kinh tế Việt Nam dần chuyển mình sang giai đoạn phục hồi và phát triển trở lại. Những khó khăn, thách thức, đặc biệt là khi tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu sẽ ngày càng gia tăng nếu mỗi doanh nghiệp thiếu đi sự tích cực và năng động của mình.
Các chuyên gia đều nhất trí với nhận định cho rằng các doanh nghiệp trẻ của nước ta phải có tư duy mới cùng với cách tiếp cận và góc nhìn mới về tình hình kinh tế thị trường. Không chỉ cần tránh tâm thế bị động, “chờ sung rụng” mà doanh nghiệp phải tích cực tự mình khởi động, tự cứu mình bằng sự sáng tạo tự thân về khoa học công nghệ, về phương thức và xu thế kinh doanh mới.
Trong bối cảnh đó, bà Phạm Chi Lan một lần nữa nhấn mạnh quan điểm về “vốn” của doanh nghiệp khi cho rằng “vốn quan trọng nhất chính là con người và tư duy của con người”.
"Không phải số tiền, cũng không phải máy móc đất đai mới là 'nguồn vốn' mà quan trọng hơn, khả năng và trí tuệ của con người mới là nhân tố sống còn quyết định sự thành bại của công ty. Chỉ có những sáng tạo, ý chí vượt khó và đoàn kết của đội ngũ nhân sự vững vàng mới tạo nên sức mạnh và thành công cho doanh nghiệp," bà Chi Lan khẳng định.
Mặt khác, các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức học hỏi và vươn lên vốn ít được các bạn trẻ hiện nay quan tâm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trẻ cần học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với đối tác, tích cực tiếp cận những thông tin tốt, cùng kết nối với các doanh nghiệp khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp và vươn xa ra khu vực và toàn thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT