Quá ưu ái với nhà đầu tư ngoại, bỏ lơ DN nội. Trong khi thực tế, sau vài năm đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm "đội nón" ra đi theo nhà đầu tư ngoại.
Theo TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm nay cho thấy “bộ mặt” chính quyền tại nhiều địa phương đã cải thiện, song vẫn còn những điểm gợn. Điều ông cảm thấy tiếc nuối, và xót xa nhất, đó là lãnh đạo nhiều địa phương quá ưu ái với nhà đầu tư ngoại, bỏ lơ DN nội. Trong khi thực tế, sau vài năm đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm "đội nón" ra đi theo nhà đầu tư ngoại.
PV: PCI 2013 bổ sung thêm chỉ số mới “cạnh tranh bình đẳng” nhằm phản ánh yêu cầu của công đồng doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh bình đẳng. Phải chăng xuất phát từ yếu tố “đặc quyền đặc lợi” của các DN quốc doanh nên cần bổ sung chỉ số này vào bảng chỉ số chung để đưa ra cái nhìn khách quan hơn với khối DN tư nhân, thưa ông?
Ưu đãi này với DN tư nhân không quy định trong luật pháp nhưng là thực tế, thường liên quan đến lợi ích nhóm.
Còn ưu đãi với FDI thì hiện tại một số địa phương làm quá tay. Chúng ta vẫn thường đề cập tới khái niệm “đục tường”, nghĩa là luật chỉ quy định có giới hạn, nhưng để thu hút và chèo kéo nhà đầu tư ngoại về địa phương mình, lãnh đạo địa phương sẵn sang chấp nhận cả những ưu đãi “vượt” luật. Tình trạng “đục tường” ở các địa phương đã được nhắc tới nhiều và cũng được báo chí phản ánh, nhưng xử lý triệt để hay chưa thì chưa rõ.
Nếu lãnh đạo địa phương nào cũng giữ cách hành xử như vậy thì rõ ràng là tạo nên sự bất bình đẳng, không có lợi cho DN trong nước. Chúng ta nên nhớ, DN Việt Nam là DN của quốc gia, dân tộc khi đầu tư sẽ giữ vốn lại cho đất nước. Còn các DN FDI sau một thời gian đầu tư, có lời họ lại chuyển số vốn đó sang thị trường khác sinh lời tốt hơn hoặc chuyển về nước họ.
Đơn cử, những con số về chuyển vốn ra nước ngoài những năm gần đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Như năm 2012 số vốn được chuyển ra nước ngoài 7,6 tỷ USD, năm 2013 khoảng 8,5 tỷ USD. Năm 2014 dự báo số vốn này còn cao hơn nữa.
Chúng ta hoan nghênh đầu tư nước ngoài nhưng không nên tuyệt đối hóa, mà càng không nên vì DN FDI mà ghẻ lạnh với DN nội.
PV: Kết quả khảo sát đối với số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang phản ánh điều đáng buồn, là năm 2013 rất ít DN muốn mở rộng đầu tư thêm. Điều này đang phản ánh thực tế đáng buồn về tính cạnh tranh trong tạo điều kiện và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, thưa ông?
Việc Việt Nam giảm sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài cần xem xét nghiêm túc và nên coi đây là tín hiệu cần xem xét cẩn trọng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Đối thủ cạnh tranh trong khu vực nhiều, đặc biệt là một số thị trường mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar….
Do đó, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc và đưa ra những mục tiêu cụ thể hơn trong cải cách hành chính, giảm tham nhũng, phiền hà hay thủ tục hay thay đổi của ngành thuế … để giảm thiểu tình trạng “rời bỏ” của nhà đầu tư.
PV: Cụ thể theo ông Việt Nam cần làm gì để cải thiện cải cách thuế, thủ tục hành chính?
Hiện nay có hai luồng thông tin. Cơ quan thuế khẳng định mình nỗ lực nhiều. Họ đứng trước thách thức phải thu đúng thu đủ cho ngân sách, tận thu… Và để thu thêm cho ngân sách trong hoàn cảnh khó khăn buộc họ phải rà soát, đốc thú DN nộp thuế.
Nhưng mặt khác, dù cơ quan thuế đã nỗ lực cải cách nhưng các DN vẫn kêu ca rất nhiều về ngành thuế, nhất là dịp cuối năm.
Về lâu dài, tôi cho rằng cần tiến tới áp dụng tòa án hành chính để DN có “kênh” kiện các quyết định của cơ quan công quyền nếu thấy chưa thỏa đáng, chưa đúng luật. Còn tình trạng hiện nay, DN không có cửa nào để kiện cả.
Về nguyên tắc thì tòa án hành chính đã có rồi, nhưng chưa DN nào dám sử dụng cả, họ còn lo ngại những “hậu quả” sau khi khởi kiện. Nhưng tôi mong rằng trong quá trình thực hiện Hiến pháp mới sẽ có một “cửa” nào đó cho DN kêu, giúp hoàn thiện hơn bộ máy ở chính quyền địa phương.
PV: Chỉ số PCI nhiều năm đề cập tới tình trạng tham nhũng vặt và tham nhũng quy mô lớn? Ông đánh giá như thế nào về chống tham nhũng trong việc thu hút đầu tư?
Tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt đang khiến chi phí của DN tăng cao. Các DN phản ánh với chúng tôi nhiều trường hợp rất cụ thể. Ở Trung Quốc họ lập hẳn một địa chỉ email, số đường dây nóng, khi có cuộc gọi phản ánh địa phương này, cơ quan công quyền nọ đang có dấu hiệu tham nhũng…. Ngay lập tức sau đó sẽ có lực lượng đến “hỏi thăm sức khỏe” địa chỉ đó ngay.
Nói vậy để chúng ta nhìn nhận và xác định rõ, rằng phải công khai, minh bạch rất cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy Nhà nước. Làm gì, chi tiêu bao nhiêu, ở đâu… đều phải có địa chỉ rõ ràng, không thể tù mù được.
Infonet