'Hồn tết' trên vùng đất lành
Vùng đất cực tây của tỉnh Phú Yên- giáp ranh với hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk- được mệnh danh đất lành khi thu hút gần 10.000 người đến định cư trong những năm gần đây. Nơi đây có những buôn làng trù phú nằm trên các dải đất cao, chen giữa những con đường uốn lượn, quanh những trang trại bạt ngàn, xanh mướt. Khung cảnh đẹp như tranh này là quê hương mới của hơn 900 hộ người Tày, Nùng, Dao đến từ các tỉnh phía Bắc. Như một quy luật tự nhiên, đồng bào ba dân tộc này cùng quần cư trên những ngọn đồi màu mỡ thuộc xã vùng cao Ea Ly, huyện miền núi Sông Hinh.
Dưới cơn mưa phùn, trong cái lành lạnh dễ chịu của vùng đất có khí hậu gần với ôn đới, hình như mùa xuân đến sớm ở nơi này, khi đời sống của nhiều gia đình đã khá giả sau những năm định cư trên quê hương mới.
Tết nhớ tổ tiên
Ông Hoàng Tân là một trong những triệu phú người Tày mới xuất hiện ở Ea Ly. Cách đây 20 năm, ông Tân dắt díu vợ con từ Cao Bằng vào Phú Yên lập nghiệp. Không có tiền đi xe, cả gia đình ông Tân đi bộ gần 70 cây số từ TP Tuy Hòa lên huyện Sông Hinh, rồi hàng ngày vật lộn với từng góc rừng để kiếm sống. “Nhờ đất tốt, trời thương, gia đình tôi trồng cây gì cũng trúng. Chính vì thế, mấy năm nay, gia đình tôi đều ăn tết lớn để tạ ơn trời đất. Từ khi cuộc sống ổn định, các gia đình người Tày ở Ea Ly bắt đầu khôi phục nhiều phong tục, tập quán đẹp vào ngày tết để con cháu nhớ về tổ tiên, không mất gốc”- ông Tân tự hào chia sẻ.
Mỗi năm, ông Tân đều lựa chọn, chuẩn bị kỹ lưỡng bốn cây mía đẹp nhất để buộc vào bốn góc chân bàn thờ trong ngày tết (người Tày quan niệm đó là những cái gậy để tổ tiên chống, dìu dắt con cháu). Từ 27, 28 Tết, các gia đình đã làm thịt heo, gói bánh chưng dài, làm bỏng, chè lam, bánh khảo… những đặc sản của người Tày trong ngày tết. Bà Đàm Thị Liêm, vợ ông Tân, kể: “Năm nào cũng vậy, những người con gái của tôi đã có chồng đều mang bánh chưng dài, xôi, hoa quả về nhà bố mẹ cúng lễ tổ tiên vào mùng hai Tết”.
Ba anh em ông Hứa Văn Thấy, Hứa Văn Chuyền, Hứa Văn Phong là những người Nùng đầu tiên đến lập nghiệp ở Ea Ly từ năm 1989 và giờ đây đã trở thành những gia đình giàu nhất ở Ea Ly. Ba anh em họ Hứa này cũng là những người trụ cột khôi phục các phong tục, lễ hội của người Nùng trên quê hương mới. Ông Thấy bày tỏ: “Thời gian đầu cuộc sống bà con đều khó khăn, quanh năm tất cả lo cái ăn cái mặc nên không có điều kiện lo cuộc sống tinh thần. Bây giờ đời sống ổn định, chúng tôi đang khôi phục lại một số phong tục, lễ nghi của người Nùng để con cháu nhớ về tổ tiên, quê nhà”. Theo ông Chuyền, gà thiến sống là món không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên đêm 30 cũng như trong bữa cơm ngày tết của người Nùng. Sáng mùng một những người đàn ông Nùng mang một đôi gà thiến sống đi lễ bố mẹ vợ để tạ ơn.
Khôi phục lễ hội trên đất mới
Vài tháng nay, nhiều gia đình người Nùng ở Ea Ly đã háo hức chuẩn bị các sản vật cho những phiên chợ tết. Sản vật là tất cả những gì người ta làm ra được, nông sản đến những vật dụng làm thủ công. Theo ông Biện Văn Thành, cán bộ văn hóa xã Ea Ly, mấy năm nay, các phiên chợ Tết được tổ chức vào những ngày đầu năm mới tại thôn Tân Lập, là hình thức để trưng bày, giới thiệu những sản vật, trao đổi với nhau mà không thách giá. “Đặc biệt, tại các phiên chợ này, người Nùng, người Tày cùng tổ chức những lễ hội, trò chơi lần đầu tiên xuất hiện ở Sông Hinh”- ông Thành cho hay.
Theo ông Hoàng Bân (80 tuổi, người Tày cao niên nhất ở Ea Ly), những lễ hội, trò chơi này bắt đầu được khôi phục sau đám cưới đầu tiên giữa người Tày và người Nùng trên quê hương mới cách đây sáu năm. “Đám cưới đúng vào dịp tết, bà con hai dân tộc gặp nhau đông lắm, ăn uống tưng bừng mấy ngày nhưng cứ thấy thiếu vắng cái gì đó. Sau đó, tôi bàn với bà con cùng nhau khôi phục một số lễ hội, sinh hoạt dân gian vào các dịp lễ tết để giữ bản sắc dân tộc mình, nhất là cho lớp trẻ”- ông Bân nói.
Sau hai năm chuẩn bị, lần đầu tiên, người Tày, Nùng ở Ea Ly tổ chức lễ hội Lồng tồng, còn gọi là lễ xuống đồng- lễ hội quan trọng nhất vào đầu năm mới của các dân tộc vùng Tây Bắc- để cúng cầu thần nông cho bản làng luôn no ấm, yên lành. Trong lễ hội này, lần đầu tiên, bà con người Tày, Nùng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như ném còn, múa sư tử, múa lượn, đánh quay, đánh đu… Trong đó, tung còn là trò chơi tìm bạn, tìm duyên hấp dẫn nhất đối với nam nữ thanh niên. “Những ngày ấy, cả vùng này đều vào hội, già trẻ, gái trai đều rộn ràng, hớn hở như được trở về trên chính đất tổ của mình”- ông Bân bồi hồi.
Điệu then vang khắp buôn làng
Trong những ngày lễ hội, điệu then vang lên khắp các buôn làng Tày, Nùng ở Ea Ly. Ông Nguyễn Đình Sao (59 tuổi, dân tộc Tày) là người khởi xướng việc truyền dạy hát then ở Ea Ly, trước khi các lễ hội được khôi phục. Theo ông Sao, then có nghĩa là trời, vì thế hát then không thể thiếu trong các nghi lễ tín ngưỡng, hội chơi, tiệc tùng, sinh hoạt văn nghẹ hàng ngày của người Tày, Nùng. “Từ nhỏ ở Lạng Sơn, chúng tôi đã mê tiếng đàn tính, điệu hát then ngọt ngào nên hầu như ai cũng biết đàn hát. Vào Sông Hinh định cư, chúng tôi ít có dịp để hát then nên lớp con cháu lãng quên dần. Mình phải truyền dạy lại để điệu hát này mãi sống với dân tộc mình”- ông Sao chia sẻ.
Được cả buôn làng ủng hộ, ông Sao tập hợp nam nữ thanh niên trong làng, đêm đêm tổ chức dạy đàn, tập hát. Thời gian đầu, bà con góp tiền lại rồi cử người về tận miền Bắc mua đàn tính. Thấy vất vả, tốn kém, ông Sao mày mò rồi tự làm được loại đàn này. Đến nay, ở Ea Ly đã có hai câu lạc bộ hát then với gần 30 thành viên trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật huyện Sông Hinh, đó là câu lạc bộ Hát then Hội Người cao tuổi xã Ea Ly và câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập.
Trong những ngày tết, điệu then vang lên không dứt trên các buôn làng ở vùng cao Ea Ly. Ảnh: TẤN LỘC
Theo bà Lương Thị Hỷ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then thôn Tân Lập, dù tự bỏ tiền mua nhạc cụ, trang phục nhưng các thành viên đều hết sức đam mê sinh hoạt, truyền dạy cho người khác. Nhờ đó, các sinh hoạt, lễ hội ở Ea Ly luôn chìm ngập trong điệu then ngọt ngào với đàn tính. “Không chỉ phục vụ cho các sinh hoạt tại cộng đồng, làm giàu bản sắn dân tộc, các câu lạc bộ hát then của xã Ea Ly còn là chủ lực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện”- ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sông Hinh cho hay.
Và tết này, điệu then vang lên không dứt trên các buôn làng ở vùng cao Ea Ly.
Tết "Nhiang Chằm Dao” ở thung lũng xanh
Người Dao ở Ea Ly sống quần tụ trong một thung lũng được bao bọc bởi những quả đồi, họ lấy tên dân tộc mình tự đặt cho tên làng như để nhắc nhở con cháu không được quên cội nguồn. Ông Bàn Nguyên Tân, một trong những người Dao đầu tiên đến định cư ở Sông Hinh, cho biết từ 20 tháng Chạp người Dao đã chuẩn bị đón Tết với việc làm bánh dợm, bánh dày, nặn những con heo, gà, hươu, nai… bằng bột gạo. Trong mấy ngày Tết, các gia đình luân phiên tổ chức tiệc để mời dân làng. Vào tiệc, mọi người hát giao duyên, diễn lại các điệu múa từ ngàn xưa.
Người Dao chính thức ăn Tết từ đêm 29 rạng, sáng 30 tháng Chạp bằng việc bắt đầu Tết nhảy, gọi là "Nhiang chằm Dao", là lễ hội để khuyến khích dân làng rèn luyện sức khỏe, võ nghệ theo truyền thống của các thần thánh Bàn Vương. Vào Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa hàng chục lượt trong tiếng trống, thanh la giục giã...
Hướng đến phục vụ du lịch
Ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sông Hinh: “Khi đời sống ổn định, phát triển, bà con các dân tộc di cư từ phía Bắc vào như Tày, Nùng, Dao đã bắt đầu khôi phục nhiều phong tục, lễ hội rất có giá trị về mặt văn hóa, tinh thần. Chúng tôi đang triển khai đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Sông Hinh, trong đó có các dân tộc trên, nhằm hỗ trợ, khuyến khích đồng bào giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa của dân tộc mình. Chúng tôi cũng có hướng hỗ trợ bà con khai thác các hoạt động văn hóa để phục vụ du lịch”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc