“Loạn” phiên âm
Trong chương trình phổ thông, 3 môn học có lượng từ ngữ quốc tế chiếm nhiều nhất là văn, sử, địa nhưng sách giáo khoa mỗi môn lại có cách phiên âm khác nhau. Thậm chí, cùng một bộ môn thì cách phiên âm ở các khối lớp cũng khác nhau.
Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn hay Stratford-upon-Avon?
Sách giáo khoa lớp 11 ghi phiên âm tên quốc gia có dấu gạch ngang, nối các âm với nhau như: Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia... nhưng sách giáo khoa 12 thì các danh từ vừa nêu viết liền nhau mà không có dấu gạch ngang: Malaysia, Campuchia...
Đáng nói, có rất nhiều từ giữa nguyên bản và phiên âm tiếng Việt khó lòng xem là một. Trong quyển ngữ văn 11 (tập 1), phần tiểu dẫn của trích đoạn Tình yêu và thù hận có đoạn: “Uy-li-am Sếch-xpia (1564-1616) là nhà thơ, nhà viết kịch thiên tài của nước Anh và của nhân loại thời Phục hưng, ông sinh tại thị trấn Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn thuộc miền Tây Nam nước Anh”. Thị trấn mà sách giáo khoa phiên âm Xtơ-rét-phớt ôn Ê-vơn nguyên bản là... Stratford-upon-Avon.
Còn sách lịch sử lớp 12, tên vị Tổng thống thứ 41 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là George Herbert Walker Bush được phiên âm thành G.Busơ.
|
Cách phiên âm “sáng tác” thêm các âm tiết khác xa với nguyên bản đã gây khó khăn cho cả giáo viên và HS trong quá trình học tập, giảng dạy và tìm hiểu thông tin. Ông Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4, TP.HCM), chia sẻ: “Khi cần tìm hiểu một vấn đề nào đó, giáo viên và HS thường tra cứu trên các công cụ tìm kiếm. Nhưng nếu không biết nguyên bản mà dùng từ phiên âm sẽ rất khó tìm được thông tin”.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói: “Bản thân tôi dạy môn địa lý, nhận thấy môn này có rất nhiều từ phiên âm quốc tế. Đơn cử như ở bài Hoa Kỳ (địa lý 11) có các địa danh như Washington, New York... Khi dạy, tôi thường lấy nguyên bản để giảng cho HS chứ không dùng phiên âm tiếng Việt. Trước khi làm việc này, tôi đã lấy ý kiến của các em, đa phần đều tán đồng để nguyên bản”.
Thui chột kỹ năng ngoại ngữ
Nhiều GV cũng cho rằng hầu hết HS đã được học tiếng Anh từ đầu cấp 2 và hiện nay đang thí điểm dạy tiếng Anh từ lớp 3, do vậy để nguyên bản là hợp lý. “Nếu các em quen với cách phiên âm tiếng Việt, khi nói chuyện với người nước ngoài, e rằng lúc phát âm các danh từ người ta sẽ không hiểu, không biết mình đang nói gì”, ông Trần Phước Đức lo ngại.
Ông Chu Vĩnh Thành, chuyên viên Phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM, cho rằng: “Sách giáo khoa địa lý lớp 7 và 8 nghiên cứu về thiên nhiên và con người các châu lục nên có rất nhiều địa danh trên thế giới. Việc phiên âm làm cho người đọc có thể nhớ và phát âm các địa danh một cách dễ dàng, ví dụ:
Y-an-gun (Yangun - cố đô Myanmar), Xít-tơn (Seattle), Xin-ga-po (Singapore), Sicagô (Chicago). Nhưng theo tôi, những phiên âm này phù hợp với thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp đang cần được phổ cập. Ngày nay quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, không thể tiếp tục sử dụng lối phiên âm tùy tiện. Phiên âm tùy tiện cũng góp phần thui chột các kỹ năng nghe nói khi học ngoại ngữ”.
Cô Diễm Trang đề xuất: “Tốt nhất là phiên âm tiếng Việt và để từ gốc kèm theo trong ngoặc đơn. Làm như vậy, HS sẽ hiểu đúng, đầy đủ hơn về một từ quốc tế nào đó trong SGK”.
Giá trị của việc viết đúng tên người nước ngoài Trong một chương của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm, tác giả Dale Carnegie (Mỹ) nói đến tầm quan trọng của việc gọi đúng tên và viết chính xác tên của một người nào đó. Theo ông, ai không theo quy tắc này tức là tự rước lấy thất bại. Một số câu chuyện đáng lưu ý mà Dale Carnegie kể lại trong chương này như sau: Jim Farley, người cổ động đắc lực cho ông Franklin D.Roosevelt được quốc dân bầu làm tổng thống, hiểu rằng hạng trung nhân đều thấy tên mình êm ái hơn hết thảy những tên khác. Nhớ được tên đó, đọc nó được một cách dễ dàng, tức là khen người đó một cách kín đáo và khôn khéo. Còn nếu quên hoặc viết sai tên đó tức là làm cho người ta khó chịu. Riêng tôi, tôi cho rằng người ta vô lễ với tôi, nếu trên bao thư gửi cho tôi người ta đã biên sai tên tôi. Hoàng đế Napoléon III khoe rằng dù việc nước bề bộn nhưng ông vẫn có thể nhớ tên mỗi người ông đã gặp. Khi ông nghe không rõ một tên nào, ông nói: "Xin lỗi, tôi chưa nghe rõ". Nếu tên hơi lạ, ông bảo người ta đánh vần cho ông nhớ. Rồi trong khi nói chuyện với người đó, ông tìm cách nói tên người đó vài ba lần và ráng ghi trong trí nhớ hình dáng, vẻ mặt người đó để khi thấy người thì liên tưởng ngay tới tên được. |
Đọc một đằng, chữ một nẻo Một tờ báo ở Hà Nội phiên âm tên của Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Thái Lan là ngài Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn, hay như tên một vị tổng thống là: Mi-kha-in Xa-a-xvi-li. Trong khi đó, hai tờ khác viết là Mikhail Saakashvili. Với cách viết này, độc giả dễ nghĩ rằng Mi-kha-in Xa-a-xvi-li và Mikhail Saakashvili là hai vị tổng thống hoàn toàn khác nhau. Hay như với cách phiên âm tên cầu thủ của một số bình luận viên trên truyền hình: Tiền đạo cao kều Jan Koller được phiên âm thành Zan Kô-le-ơ. Tương tự HLV Karel Bruckner được phiên âm: Ka-ren Brút-ne. Michel Platini là tên tuổi quá nổi tiếng của Pháp thì lại được phiên âm là Mi-xeo pla-ti-ni, Michael Ballak được phiên âm là Mi-xen Ba-lắc (cũng có người phiên âm thành: Mai-cơn-ba-lach). HLV dẫn dắt đội tuyển Đức tại WorldCup 2010 là Joachim Loew được phiên âm thành: Hoa-Kim-Lớp, thậm chí có người phiên âm thành: Xoa-Chim-Lâu... Ronaldinho (Rô-nan-Đít-Nhô). Trên nhiều bản tin của một tờ báo thường có dẫn nguồn “theo Roi-tơ” (cách phiên âm này làm người đọc phải tốn thêm thời gian nghĩ ngợi đây là nguồn nào). Trên infonet.vn người ta cũng chỉ ra rằng, phiên âm cũng sẽ gặp những trường hợp tế nhị như: Upradit đọc thành: U-pra-đít/U-pra-địt, Aidit có thể phiên đọc thành Ai-đít/ Ai-địt (theo cách đọc thành hai loại thanh điệu của miền Bắc và miền Nam). |
Ý KIẾN
Cần có luật về ngôn ngữ
“Với các từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài, trước mắt nên tùy vào đối tượng người đọc mà có cách sử dụng khác nhau. Riêng với sách giáo khoa và sách tham khảo, đối tượng người đọc là học sinh và sinh viên, nên có thể dùng kết hợp cả từ nguyên ngữ và phiên âm ở lần đầu tiên và chỉ sử dụng một trong hai cách ở các lần kế tiếp. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, theo tôi cần thiết phải có luật riêng về ngôn ngữ để có cách sử dụng tiếng Việt chính xác và thống nhất. Bởi lẽ, đây đang là vấn đề rất thời sự và cấp bách trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay”.
GS-TS Bùi Khánh Thế - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM
Kết hợp phiên âm và từ nguyên gốc
“Việc sử dụng các từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài trong các SGK, sách tham khảo và nhiều văn bản chính thống hiện nay khá phức tạp và bất nhất. Chung quy lại thường có 4 cách dùng: dùng nguyên ngữ hoặc chuyển tự theo thông lệ quốc tế (với những ngôn ngữ không dùng theo hệ thống Latin), Hán - Việt hóa các tên gọi, dịch theo nghĩa, phiên âm. Trong đó, phiên âm theo cách đọc của người Việt được sử dụng khá phổ biến. Cách này có thể dễ đọc, dễ phát âm với đa số mọi người nhưng người đọc sẽ không biết được mặt chữ của từ nguyên gốc. Còn nếu sử dụng các từ nguyên ngữ vào văn bản thì khó với một số đối tượng người đọc. Do vậy, tôi nghĩ có thể dùng theo lối phiên âm kèm từ nguyên gốc hoặc ngược lại dùng từ ngữ nguyên gốc và phiên âm bên cạnh”.
Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh - Phó trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo