“Mai Hồng Quế” - chuyện của một chiến sĩ biệt động Sài Gòn” - Kỳ 1: Ông “trùm” thầu khoán
Ông tên thật là Trần Văn Lai, Năm Lai, Năm USom. Câu chuyện về tình yêu, thân thế của ông đã được thể hiện một phần trong bộ phim Biệt động Sài Gòn (nhân vật Hoàng Sơn, chủ Hãng sơn Đông Á).
Ông Lai sinh ra tại Thái Bình và sớm tham gia cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, ông có vai trò rất lớn đối với đội biệt động Sài Gòn, là người thiết lập nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài và bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho lực lượng cách mạng tham gia đánh trận Mậu Thân năm 1968.
Ông cũng là người đã hiến tặng nhiều tài sản của mình cho cách mạng và hiện nay một số ngôi nhà của ông đã trở thành di tích lịch sử.
Trong những năm chiến tranh căng thẳng, hoạt động trong lòng Sài Gòn, ông là một nhà thầu khoán thành đạt, giàu có với nhiều tài sản có giá trị được hiến cho cách mạng. Nhưng khi đất nước thống nhất, ông trở về làm một người dân thường.
Bên trong dinh Độc Lập
Trong ký ức của ông Nguyễn Hữu Vinh (tên thường gọi là Long - 59 tuổi, ngụ tại quận 3, TP.HCM), người được cha cho đi theo ông Mai Hồng Quế từ khi 11 tuổi với mục đích thoát ly gia đình để tiện bề hoạt động cách mạng - kể rằng năm 1966 được cha gửi lên cho chú Mai Hồng Quế để học việc.
Ông Vinh được bố trí ở luôn trong nhà chú Mai Hồng Quế và hằng ngày theo chú vào dinh Ðộc Lập để làm nội thất. “Chú đưa đón tôi và một số người làm khác bằng ôtô, danh sách thợ thuyền ra vào trong dinh đều đã được đăng ký với người quản lý về an ninh của dinh/phủ tổng thống” - ông Vinh kể.
Công việc của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế lúc ấy là trang trí nội thất, làm màn rèm, ghế ngồi. Ông Vinh còn nhỏ nên chưa phải chịu trách nhiệm chính công việc gì mà chỉ làm chân sai vặt: “Nguyên liệu vải hoàn toàn nhập do chú Quế lựa chọn và chúng tôi thực hiện công việc này theo sự chỉ đạo của chú. Cũng không có nhiều người được vào đây làm vì chú Quế lựa chọn rất nghiêm ngặt, lại phải đăng ký với đội an ninh trong dinh”.
Dù chỉ làm chân sai vặt cho chú Quế và nhiều người thợ khác, hằng ngày được đi làm cùng ông chủ và tối về được nghe những chuyện về người lao động VN khổ cực, vất vả trăm bề để lo kiếm miếng ăn, về việc nhiều người đã bỏ quê hương xa gia đình để tham gia cách mạng...
Nửa năm làm việc chung, rồi ông Vinh được đưa về khu và thoát ly tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi đất nước thống nhất.
“Chú Quế là người ít nói, nếu nói cũng chỉ nói về công việc của tổ chức. Tôi lúc ấy còn rất nhỏ nhưng vì cha tôi hoạt động chung với các chú nên cũng biết công việc của ba má và các chú. Cũng biết chú Quế lúc ấy là một nhà tư sản giàu có, và giải quyết mọi việc để an toàn cho mọi hoạt động cách mạng đều bằng tiền cá nhân của chú”.
Cũng vì việc lọt vào danh sách những nhà thầu khoán sửa sang trang trí cho dinh Ðộc Lập mà ông Mai Hồng Quế được cấp giấy ra vào dinh để làm việc, ôtô của ông cũng tự do đi lại các nơi chốn trong thành phố nên ông vận chuyển được nhiều tài liệu, vũ khí để thực hiện các kế hoạch sau này.
Tự đào hầm giấu vũ khí
Ðại tá Trần Minh Sơn, nguyên trưởng phòng tác chiến, Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh, người đã trực tiếp làm việc với Trần Văn Lai nhiều năm liền, năm nay đã bước sang tuổi 90, hiện ở tại Q.3, TP.HCM, chính là người kiến tạo và xây dựng đội biệt động đầu tiên mang bí số 159, kể thời kỳ đầu ông cùng một số cán bộ còn lại sau đánh Pháp như Ngô Thanh Vân (tức Ngô Văn Vân, tức Ba Ðen) phụ trách xây dựng đội biệt động.
Trong thời gian này, ông Sơn gặp ông Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế, tức Năm USom). Sau đó, tổ chức đã giao cho ông Năm Lai xây dựng hầm giấu vũ khí có ý nghĩa chiến lược tại nội thành Sài Gòn và đưa đón cán bộ quan sát chiến trường.
Ông Sơn kể: “Khi ấy tôi nhận xét anh Năm Lai đã chịu đựng thời đánh Pháp, giờ đánh Mỹ, đã biểu thị được lòng trung kiên đối với Ðảng. Là người có bản lĩnh, mưu trí, gan dạ, dũng cảm và kinh nghiệm hoạt động đô thị, thực hiện các hoạt động là bình phong qua mắt địch, có thể giữ trọng trách lớn”.
Sau đó, trong một thời gian dài, ông Mai Hồng Quế đã tự tay đào những hầm bí mật ngay trong những căn nhà mà ông mua, ở và xây dựng làm cơ sở: nhà riêng của vợ chồng ông tại số 287/68-70-72 Phan Ðình Phùng (nay là Nguyễn Ðình Chiểu, quận 3) rồi sau đó tự lái ba chuyến ôtô chở vũ khí (tổng cộng trên 2,5 tấn) về hầm phục vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân đánh vào dinh Ðộc Lập, tòa đại sứ Mỹ, đài phát thanh, bộ tư lệnh hải quân và phủ đặc biệt.
“Ðây là hầm được chuyển về nhiều chuyến vũ khí nhất (ba chuyến) và là hầm có số lượng vũ khí lớn nhất trong số các hầm vũ khí được xây dựng tại nội thành Sài Gòn - Gia Ðịnh. Ðây quả thật là một kỳ công, sống giữa lòng địch, một mình đào hầm, xây dựng hầm, vận chuyển hàng chục tấn đất đá ra khỏi hầm mà địch không hề phát hiện. Một mình tự lái xe chở vũ khí về hầm. Một mình chuyển xuống hầm trên 2,5 tấn vũ khí tuyệt đối an toàn. Giữ kho vũ khí hàng tấn trong nhiều năm để chờ thời cơ cách mạng.
Chính nhờ sự chăm sóc chu đáo của anh nên hàng tấn vũ khí còn nguyên vẹn, không hề hư hỏng một cây súng, một viên đạn, thuốc nổ vẫn khô ráo suốt thời gian dài nhiều năm. Có ai ở trong cảnh như thế mới thấu hiểu hết nỗi lo lắng, tinh thần trách nhiệm và thần kinh thép của một chiến sĩ thầm lặng như anh đã vượt qua. Sự nguy hiểm là cả gia đình anh như chỉ mành treo chuông” - ông Sơn nhớ lại.
Ðêm mồng 1 rạng mồng 2 tết Mậu Thân, toàn bộ chiến sĩ biệt động đội 5 đã tập kết về tại căn hầm có địa chỉ trên cùng ông Mai Hồng Quế khui kho lau chùi vũ khí, thiết kế trái nổ và xuất phát trên ba ôtô (trong đó hai xe của ông Mai Hồng Quế) tấn công vào dinh Ðộc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.
Tuy nhiên, do đột biến vào giờ chót, quân đội Sài Gòn tăng cường giới nghiêm thiết quân luật trong thành phố nên cụm tấn công ra lệnh cho ông Mai Hồng Quế tiếp tục bốc dỡ và chuyển vũ khí tại hầm này đến bốn mục tiêu khác: đài phát thanh, tòa đại sứ Mỹ, bộ tư lệnh hải quân và phủ tổng thống.
“Trận đánh Mậu Thân này kết quả ra sao thì lịch sử đã ghi nhận rồi, và sau giải phóng đã có cuộc họp báo cáo thành tích và nhiều đồng chí lãnh đạo đã có ý kiến đánh giá về vai trò của anh Mai Hồng Quế” - đại tá Trần Minh Sơn nói.
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, doanh nhân Mai Hồng Quế bị lộ và bị truy nã khắp nơi. Chính quyền Sài Gòn treo thưởng 1 triệu đồng cho ai giao nộp Mai Hồng Quế. Nhà cửa, tài sản của ông bị thu sạch, chỉ còn lại một căn nhà duy nhất số 720 Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận) mà ông mua cho “nhân tình, vợ bé” là không bị phát hiện. Có nhà mà không được về, ông ẩn mình trên đất Sài Gòn với những cái tên giả khác nhau, nhưng rồi vẫn bị tình nghi và bị bắt.
Kỳ tới: Ẩn mình...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax