"Nói Hà Nội chưa tìm ra đàn Xã Tắc là không hiểu biết gì"
Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, phản bác ý kiến cho rằng Hà Nội chưa tìm ra đàn Xã Tắc, PGS.TS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện khảo cổ học cho rằng "nói như vậy là không hiểu biết gì", đồng thời ông cũng chia sẻ về vai trò của đàn Xã Tắc đối với việc nhận diện cấu trúc kinh thành Thăng Long.
Sự khác biệt của đàn Xã Tắc Thăng Long với đàn Xã Tắc Hàn Quốc, Trung Quốc
Theo PGS Tống Trung Tín, trên nền chung của đàn tế thần Đất và thần Ngũ Cốc phương Đông, đàn tế ở mỗi địa phương lại mang một sắc thái rất riêng trong đó có đàn Xã Tắc Thăng Long. Sắc thái riêng của mỗi đàn lại góp phần làm nên sắc thái riêng của mỗi kinh đô.
Trong suốt hơn 2000 năm lịch sử kinh thành Trung Quốc, giới nghiên cứu Trung Quốc và Nhật Bản đã chỉ ra nguyên tắc “tả Tổ hữu Xã” hay “tả Tông hữu Tắc”; Vương cung ở trung tâm, triều đình ở phía trước, miếu thờ tổ tiên ở phía đông, đàn Xã Tắc đối diện ở phía Tây.
“Ở Hàn Quốc, đàn Xã Tắc được khởi dựng năm 1395 và sau đó là năm 1432 ở phía Tây của Cảnh Phúc cung, Thái miếu được xây dựng ở phía đông Cảnh Phúc cung. Như thế là nguyên tắc “tả Tổ hữu Xã” ở Hàn Quốc cũng được tuân thủ như ở các đô thành Trung Quốc.
Ở Việt Nam, đàn Xã Tắc Huế cũng được bố trí ở phía tây, bên trong kinh thành, cách Hoàng Thành 1km về phía Tây. Riêng đàn Xã Tắc Thăng Long được bố trí ở phía Tây bên ngoài kinh thành (tức là ở bên ngoài thành Đại La thành), trong khi đó Thái Miếu Thăng Long vẫn ở bên trong và phía Đông của Hoàng Thành. Đây là một điểm khác biệt hoàn toàn của đàn Xã Tắc Thăng Long so với các đàn Xã Tắc ở nơi khác”, ông Tín nhấn mạnh.
Các tài liệu cổ có ghi chép, ở đàn Xã Tắc Thăng Long, ngoài nghi lễ Cầu Mùa còn tiến hành nghi lễ cầu mưa. Việc cầu mưa ở đàn Xã Tắc Thăng Long rất gần gũi với việc cầu mưa ở đàn Xã Tắc Hàn Quốc. Từ thời Thái Tổ Lý Thành Quê (1392 – 1398) đến thời vua Thế Tông (1418 – 1450), người ta đã ghi được có 5 lần cầu mưa ở đàn Xã Tắc Hàn Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Kuwwano Eigi (Đại học Kurume, Nhật Bản), ở Hàn Quốc, lễ tế cầu mưa, cầu cho mùa màng bội thu không phải là sự tiếp thu mang tính hình thức từ các lễ chế của Trung Quốc, mà là nghi lễ quốc gia liên quan đến hoạt động kinh tế quan trọng của Cao Ly là nông nghiệp.
PGS Tín cho hay: “Lễ tế cầu mưa ở đàn Xã Tắc của các vương triều quân chủ Việt Nam cũng mang đậm ý nghĩa này. Hơn nữa, tình hình cầu mưa ở đàn Xã Tắc (Thăng Long) theo như cách ghi chép của Việt điện u linh dường như là một hoạt động thường xuyên mỗi khi đại hạn. Đó cũng là sự khác biệt của đàn Xã Tắc Thăng Long so với đàn Xã Tắc Hàn Quốc và Trung Quốc”.
Viện trưởng Viện Khảo cổ học cũng cho biết, ý nghĩa và tính chất thiêng liêng của đàn Xã Tắc Thăng Long không chỉ có thế. “Trong suốt quá trình vận hành của các chế độ quân chủ Việt Nam, từ ý nghĩa sống còn của Thần Xã và Thần Tắc đối với toàn bộ quốc gia, dân tộc, đàn Xã Tắc với các nghi lễ cúng tế của nó còn vượt lên đảm trách ý nghĩa thiêng liêng hơn, cao cả hơn, tượng trưng cho quốc gia và dân tộc.
Vì thế mà trong Minh Mạng toát yếu (năm 1974) có nhắc lại, Đào Duy Anh đã viết: Thuở xưa dựng nước tất quý trọng nhân dân. Dân cần có đất đai, lập nền Xã Tắc để tế thần Hậu Thổ, dân cần có lúa ăn, lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước là mất Xã Tắc nên Xã Tắc cũng có ý là quốc gia”, ông Tín nói.
Chẳng những cầu mưa, đàn Xã Tắc Thăng Long còn có thêm một chức năng nữa là trừ nạn hoàng trùng (một loại sâu phá lúa). Lễ trừ nạn hoàng trùng ở đàn Xã Tắc Thăng Long cũng là lễ mà chưa thấy giới nghiên cứu nhắc đến trong các tài liệu nghiên cứu về đàn Xã Tắc Trung Quốc và Hàn Quốc. Đó có thể cũng là nét rất riêng của đã Xã Tắc Thăng Long so với đàn Xã Tắc Trung Quốc, Hàn Quốc.
Di tích đàn Xã Tắc góp phần nhận diện kinh thành Thăng Long
PGS Tống Trung Tín nhận định, di tích đàn Xã Tắc góp phần nhận diện rõ hơn cấu trúc của kinh thành Thăng Long nghìn tuổi với các giá trị lịch sử văn hóa nổi bật mang tầm cỡ khu vực và thế giới.
Dấu tích đàn Xã Tắc biểu trưng của sự trường tồn và phồn thịnh quốc gia, dấu tích của cuộc đấu tranh bất khuất nghìn năm chống Bắc thuộc. Việc phát hiện ra đàn Xã Tắc là một sự trùng hợp ngẫu nhiên giàu ý nghĩa lịch sử và văn hóa nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Những tài liệu do Viện Khảo cổ học nghiên cứu và thống kê cho thấy, dấu tích móng nền tầng thượng đàn Xã Tắc Thăng Long thời Lý và thời Lê có hình chữ nhật. Phía ngoài tầng thượng là tầng nền thứ hai mà dấu tích tìm được đều là sân nền được lát gạch vuông bao quanh.
Đàn Xã Tắc Thăng Long thời Lê cũng có nhiều công trình phụ trợ kèm theo như Bái điện, Thần Khố, Thần Trù, Tế Sinh đình và hai lớp cổng ở hai tầng mà Lê Quý Đôn gọi là Nghi Môn nội, Nghi Môn ngoại. Hệ thống ngói nhiều loại ở địa điểm đàn Xã Tắc chứng minh rất rõ điều đó. Đàn Xã Tắc thời Trần cũng có thể có nhiều kiến trúc phụ trợ tương tự.
“Tất cả các nghiên cứu trên đây chỉ là bước đầu do hố đào còn rất hạn chế, nhưng điều quan trọng nhất có thể rút ra là: Các dấu tích kiến trúc tìm thấy ở địa điểm đàn Xã Tắc chính là dấu tích của đàn Xã Tắc Thăng Long thời Lý – Trần – Lê. Qua mỗi thời kỳ đều được tôn tạo hoặc xây dựng mới, nhưng tất cả đều trên cùng một vị trí mà Lý Thái Tông đã chọn năm 1048”, ông Tín cho hay.
Đàn Xã Tắc góp phần nhận diện cấu trúc kinh thành Thăng Long.
Theo sử sách, đàn Xã Tắc Thăng Long được Lý Thái Tông xây dựng ở bên ngoài cửa Trường Quảng (tức Ô Chợ Dửa ngày nay). Đàn tế này phát triển trong suốt thời Lý – Trần – Lê, bị mai một và mất hẳn vào khoảng giữa thế kỷ XX.
“Địa điểm đàn Xã Tắc ẩn chứa dấu tích của ba thời kỳ khác nhau, đó là: Thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên khoảng 3.500 năm cách ngày nay; Thời kỳ văn hóa Việt Nam khoảng 10 thế kỷ sau công nguyên; Thời kỳ có dấu tích của đàn Xã Tắc các thời Lý – Trần – Lê chồng xếp lên nhau ở gần cùng một vị trí, thế kỷ XI-XVIII”, ông Tín chia sẻ.
Điểm khác biệt nữa như Việt điện u linh cho biết, đàn Xã Tắc Thăng Long còn là nơi để các Hoàng đế làm lễ tế giao với Trời – Đất. Lễ tế giao của Hoàng đế nói chung thường được thực hiện ở đàn Nam Giao (tế Trời), Bắc Giao (tế Đất). Lễ tế giao với Trời – Đất ở đàn Xã Tắc có lẽ cũng là một nét độc đáo đáng chú ý nữa trong đời sống văn hóa tâm linh ở Thăng Long.
Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định: “Trong giá trị lịch sử văn hóa của lớp văn hóa 10 thế kỷ sau công nguyên thì lớp văn hóa ở địa điểm đàn Xã Tắc cực kỳ quý hiếm. Đó là di chỉ cư trú duy nhất thời này hiện thấy ở khu vực nội thành Hà Nội nói riêng, khu vực Hà Nội cũng nói chung.
Từ việc lập đàn Xã Tắc để Cầu Mùa, danh từ Xã Tắc đã tượng trưng cho quốc gia. Xã Tắc và quốc gia hòa quyện vào nhau với ý nghĩa: Quốc gia còn Xã Tắc còn, Xã Tắc còn thì đàn Xã Tắc còn, ngược lại Xã Tắc mất là quốc gia mất, cũng có nghĩa là đàn Xã Tắc cũng mất. Cho nên, lễ Cầu Mùa ở đàn Xã Tắc cũng chính là nghi lễ cầu cho đất nước giàu mạnh, quốc thái dân an, Xã Tắc trường tồn. Đó là ý nghĩa thiêng liêng cao cả nhất của di tích đàn Xã Tắc”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?