"Thuyền phao" xóa tan nỗi lo đắm thuyền
Ý tưởng xuất hiện từ nỗi đau
“Cha đẻ” của chiếc thuyền không bao giờ chìm là ông Nguyễn Xuân An (80 tuổi, hiện đang sống tại số 7A, ngõ Quỳnh, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Là một nhà địa chất học, sống và làm việc quá nửa đời người ở thủ đô, nhưng “chất biển” vẫn bám theo ông trong từng câu nói và cách trò chuyện cởi mở.
Tuổi thơ của ông An đã quen với hình ảnh người dân chới với chạy lũ sông, bão biển ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương ông. Khi mưa lớn, nước nguồn ầm ập đổ về, bà con thường vượt sông bằng bè chuối hoặc sõng (xuồng). Chuyện lật sõng, chết người dường như năm nào cũng có. Vùng cửa biển Đề Gi, rất nhiều đám tang tiễn đưa người tử nạn ngoài khơi không có thi thể.
Một ngày đầu tháng 6/2006, báo chí thông tin cơn bão Chanchu cướp đi sinh mạng của 246 ngư dân, trong đó chỉ có 20 thi thể nạn nhân được tìm thấy.
“Số người chết lớn quá, nhưng rùng rợn nhất vẫn là hình ảnh một ngư dân ngồi trên thuyền thúng đan bằng nan tre lênh đênh giữa đại dương để câu mực được in trên mặt báo. Tại sao sự sống của người đi biển mong manh đến thế? Người ta có thể đổ lỗi cho mưa trời, bão biển. Nhưng nếu quan sát kỹ, có thể khẳng định những chiếc thuyền câu ọp ẹp mới là nguyên nhân khiến mạng sống của ngư dân treo trên mũi sóng”, ông An khẳng định.
Ngay tức khắc, ý tưởng sáng chế một chiếc thuyền phao không chìm bắt đầu lóe lên. Ông An thức trắng đêm vẽ phác thảo một chiếc thuyền phao không chìm bằng vật liệu tre và hạt xốp. Chờ đến khi trời sáng, ông chạy ra chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mua một cái thúng đựng thóc, 1 bao hạt xốp và hắc ín (nhựa đường). Để thúng không bị ngấm nước, ông chít hắc ín vào các khe hở của nan tre.
Lòng thúng được gắn một lớp xốp dày khoảng 5 cm. Thả xuống ao, chiếc thúng có độ nổi lớn, lật úp lật ngửa cũng không chìm, tuy nhiên khi tạo làn sóng mạnh, nước bắn đầy miệng thúng khiến thuyền chao đảo.
Trong lúc nản chí không biết làm cách nào để nước trong thuyền tự động rút ra ngoài, ông An dùng con dao nhọn đâm thủng một lỗ ở dưới đáy thúng. Một xoáy nước bất ngờ xuất hiện, dưới áp lực chênh lệch độ cao (thuyền nổi trên mặt nước), nước trong thuyền trôi tuồn tuột qua lỗ hổng dưới đáy. Sau khi nước rút hết, chỉ cần lắp một cái van bịt kín miệng lỗ là thuyền có thể hoạt động bình thường.
Mô hình thuyền không chìm đã thành công ngoài sức tưởng tượng, nhưng để tạo ra một chiếc thuyền phao kích thước lớn có thể chịu được sóng biển, giúp ngư dân vươn khơi an toàn không hề đơn giản. Ông An lặn lội vào tận Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định thuyết phục các chủ tàu cho mình đi đánh bắt xa bờ cùng.
“Vươn khơi cùng dân chài Thọ Quang, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cả tháng trời, ngày ngày tôi chứng kiến cảnh ngư dân đứng trên thuyền thúng giữ một đầu lưới cản bắt cá ngừ đại dương, còn đầu kia neo vào đuôi tàu và kéo đi. Nếu chẳng may thúng lật, người văng ra không kịp cứu hộ thì cầm chắc cái chết”, ông An nhớ lại.
Sau khi nắm được cấu tạo, thông số kỹ thuật của chiếc thuyền thúng mà ngư dân miền biển sử dụng để đánh bắt xa bờ, năm 2007 nhà địa chất học đã “biến” tầng 1 ngôi nhà của mình thành một xưởng chế tạo thuyền phao. Vật liệu nan tre dễ móp méo và kém bền vững được thay thế bằng composite có khả năng chống va đập cao, nhẹ và không thấm nước và có độ bền 20 - 30 năm.
Theo ông An, nhiều người nghĩ rằng để sản xuất ra vật liệu composite cần phải có máy móc hiện đại nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm thủ công bằng cách ghép các tấm nhựa polyester cốt sợi thủy tinh bán phổ biến trên thị trường với nhau bằng một chất nhựa đặc chủng, được pha chế từ một số thành phần hóa học.
Sau khi tạo một lớp vỏ composite hình quả cầu chia đôi thủng một lỗ tròn đường kính 20 cm dưới đáy, ông An ghép những tấm bọt xốp (SF) quanh sườn lòng thúng với độ dày khoảng 15 cm, đủ làm cho thuyền không chìm khi có 3-4 người ngồi. Vành thúng được làm bằng chất liệu cao su có khả năng chống va đập tốt.
Tại lỗ thủng đáy thúng được lắp một cái van phao có thể đóng, mở dễ dàng như vung nồi áp suất. Bộ phận này thực hiện chức năng đóng, mở để lưu thông nước từ bên trong lòng thuyền ra bên ngoài, làm cho thuyền phao nổi cân đối.
8 năm đưa thuyền ra biển
Màn trình diễn ngoạn mục của chiếc thuyền phao không chìm trên sông Đáy (tỉnh Hà Nam) vào tháng 5/2007 đã lọt vào “mắt xanh” của Hội đồng Khoa học công nghệ (Bộ Thủy sản, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và được công nhận kết quả nghiên cứu. Những chiếc thuyền phao mang tên AN-03, AN-05 đều được đóng dấu đăng kiểm chứng nhận phương tiện đủ điều kiện để hoạt động nghề cá.
Bộ Thủy sản đã chỉ đạo sử dụng vốn ngân sách đặt hàng ông An mấy chục chiếc thuyền phao và hướng dẫn cho ngư dân sử dụng. Nhưng, dự án này “chết yểu” vì một vài lý do.
Trong suốt 8 năm qua, ông An đã đem “đứa con tinh thần” của mình “thử lửa” tính hữu dụng qua nhiều cuộc thi và thu về những danh hiệu cao quý như: giải Nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật ngành Thủy sản; Cúp vàng Techmart Việt Nam 2007 cùng nhiều bằng khen của Bộ Khoa học - Công nghệ...
Nhưng với nhà sáng chế tóc bạc, sự vinh danh chẳng có nghĩa lý gì nếu chiếc thuyền phao của mình không đến được với ngư dân.
“Tháng 4/2010, có hai cụ già dùng thuyền thúng cứu nhau ngoài đảo Lý Sơn đã bị lật chết, nhiều ngày sau không tìm thấy xác. Tôi đã viết thư gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi xin được vào xã Quảng An (huyện Lý Sơn) hướng dẫn bà con làm thuyền phao không chìm thay thế thuyền tre. Bà con ở đó thích thú lắm. Họ ao ước có được chiếc thuyền của tôi nhưng chi phí sản xuất khoảng 5 triệu đồng/chiếc là hơi cao.
Ngay sau đó, một lãnh đạo tỉnh đã gửi công văn cho tôi bày tỏ nguyện vọng muốn mua 10 chiếc để hỗ trợ ngư dân câu mực đại dương. Tôi đồng ý, nhưng mấy năm trôi qua chẳng thấy vị lãnh đạo này phản hồi gì. Tôi đã tự bỏ tiền ra tổ chức hàng chục buổi trình diễn thuyền thúng phao ở Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng… để giới thiệu công trình nghiên cứu của mình, lần nào bà con cũng tham dự rất đông và khen ngợi, nhưng chẳng có cơ quan chức năng nào hỗ trợ nhân rộng mô hình”, ông An kể.
Niềm vui đến với nhà sáng chế Nguyễn Xuân An khi Cty CP Tư vấn và Đầu tư Năm Sao đã quyết định đầu tư vốn để sản xuất thuyền thúng phao và tìm cách đưa sản phẩm này vào cuộc sống.
Sau khi chứng kiến tính năng vượt trội của chiếc thuyền phao vào đầu tháng 9/2014, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Văn Tùng đã khẳng định: “Chúng tôi hết sức ủng hộ và mong muốn phát triển, nhân rộng sản phẩm này để thay thế thuyền thúng tre trong hoạt động đánh bắt cá và câu mực, câu cá ngừ đại dương. Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ xem xét để đưa dự án này vào Chương trình 592 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, hoặc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và một số trương trình khác để hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho doanh nghiệp”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loài cá duy nhất trên thế giới không ai bắt được khi còn sống: Dài đến 9m, được yêu thích ở Việt Nam
Top 10 loài động vật dài nhất thế giới: Vị trí số 1 lên tới 55 mét
Vàng đến từ đâu và được hình thành như thế nào?
Top 5 con ‘quái vật’ bí ẩn gây ám ảnh nhất cho người Việt Nam: Con thứ 2 hoàn toàn có thật trên đời!
Einstein là thiên tài nhưng tại sao con trai ông lại mắc bệnh tâm thần?
Những nhân vật tại Việt Nam sở hữu máy bay riêng