Tình trạng tin nhắn rác (spam), tin nhắn lừa đảo và những cuộc gọi quảng cáo, chào mời dịch vụ... đang khiến người dùng điện thoại ngán ngẩm cực độ, không biết làm sao để có thể thoát khỏi. Trong ngày hôm qua (27.1), cơ quan quản lý đã tỏ thái độ quyết liệt với tình trạng này.
Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TP.HCM hôm qua đã triệu tập đại diện các nhà mạng để triển khai thực hiện Chỉ thị số 82/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng.
Tại cuộc họp, đại diện Sở TT-TT TP.HCM khẳng định: “Về mặt kỹ thuật, các nhà mạng hoàn toàn có thể xử lý và chặn được tin nhắn rác, nhưng thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện nghiêm chỉnh việc này”. “Bây giờ chúng ta không bàn nữa mà phải làm lập tức. Các doanh nghiệp phải cam kết rõ ràng, gửi đề án thực hiện trước ngày 4.2 để Sở báo cáo với lãnh đạo Bộ TT-TT, phải triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị này để hạn chế tin nhắn rác, giảm bớt bức xúc cho người dân”, ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM đã nhấn mạnh.
Truy trách nhiệm các nhà mạng
Chỉ thị số 82/CT-BTTTT đã yêu cầu các công ty viễn thông phải tăng cường rà soát, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin hợp tác với mình (CP); trường hợp phát hiện doanh nghiệp nào có dấu hiệu phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cung cấp dịch vụ có nội dung không lành mạnh, nội dung vi phạm pháp luật thì chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh theo các điều khoản quy định trong hợp đồng, đồng thời báo cáo Bộ TT-TT (Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ, Cục An toàn thông tin) để theo dõi và xử lý theo quy định.
Các công ty viễn thông cũng phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung một cách hiệu quả theo quy định; chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác và cập nhật cho hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác; tăng cường theo dõi giám sát phát hiện thuê bao di động trả trước phát tán tin nhắn rác và thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay khi phát hiện thuê bao vi phạm; thường xuyên kiểm tra, rà soát hoạt động gửi quảng cáo qua tin nhắn nhằm bảo đảm nội dung tin nhắn rõ ràng, tuân thủ đúng quy định và các tin nhắn quảng cáo chỉ được gửi tới các thuê bao đã đăng ký nhận quảng cáo trước đó. Đối với các tin nhắn quảng cáo cho dịch vụ nội dung, phải đảm bảo tin nhắn quảng cáo có đầy đủ thông tin về giá cước và hướng dẫn hủy dịch vụ...
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) nhìn nhận, mặc dù các quy định về việc siết chặt quản lý sim trả trước đã có đầy đủ từ lâu nhưng tình trạng vi phạm xảy ra do các nhà mạng buông lỏng quản lý. Thực tế việc mua bán sim trả trước không cần đăng ký vẫn diễn ra rất phổ biến, là nguyên nhân làm nạn tin nhắn rác bùng phát. Các nhà mạng thường lấy lý do chưa có hệ thống đối soát thông tin CMND, rồi do các đại lý lách luật... nhưng hiện nay vẫn có thể dễ dàng mua sim trả trước ở nhiều cửa hàng, đại lý mà không cần giấy CMND.
“Các doanh nghiệp viễn thông chỉ viện lý do đó để bao biện cho việc không quản lý chặt sim trả trước. Nếu họ xử lý các đại lý vi phạm chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này nhưng họ không làm vì không ai dại gì tự chặt chân mình khi mà các đại lý giúp họ mở rộng thị trường”, ông Hải nói.
Làm việc với 3 “ông lớn”
Trả lời Thanh Niên, bà Đỗ Thị Tình, Phó chánh thanh tra Bộ TT-TT cho biết bắt đầu từ ngày 29.1, Thanh tra Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp viễn thông di động gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone về việc thực hiện Chỉ thị số 82/CT-BTTTT.
Trên thực tế, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc (Công ty an ninh mạng Bkav), khảo sát mới nhất của Bkav trong năm 2014 cho thấy có tới 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày, gần gấp đôi con số của năm 2013. “Bên cạnh các tin nhắn mang nội dung quảng cáo, các tin nhắn có nội dung lừa đảo cũng có thể khiến cho người sử dụng mất những khoản tiền lớn nếu cả tin và làm theo”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, với các tin nhắn rác thông thường, nhà mạng được hưởng cước tin nhắn thông thường, mỗi ngày lên đến hàng tỉ đồng tiền cước. Ngoài ra, với các tin nhắn rác mời gọi nhắn tin đến các đầu số dịch vụ thu phí cao, khi người sử dụng nhắn tin lại, nhà mạng tiếp tục thu được tiền ăn chia từ các CP theo thỏa thuận, khoản thu này có thể lên tới 50 - 60%. Bkav tính toán mỗi ngày đang có hơn 13,5 triệu tin nhắn rác được phát tán đến điện thoại của người sử dụng, trong đó có chứa cả các tin nhắn rác lừa đảo, chứa mã độc “móc túi” người dùng di động. Ước tính số tiền thiệt hại do mã độc gửi tin nhắn đến đầu số thu phí lên tới 3,9 tỉ đồng mỗi ngày. Theo quy định của các dịch vụ gửi tin nhắn sẽ bắt buộc người dùng phải có bước xác nhận đồng ý hay không đồng ý gửi tin nhắn. Nhưng các CP cài thêm những phần mềm - cho phép bỏ qua thao tác này. Chính vì vậy, khi chủ thuê bao đọc tin nhắn là có thể lập tức bị trừ tiền.
“Chính các nhà mạng chứ không phải ai khác phải bắt tay với các cơ quan quản lý để bảo vệ hình ảnh, thương hiệu của mình. Nếu các doanh nghiệp viễn thông di động chỉ vì lợi ích trước mắt của mình thì việc chống tin nhắn rác sẽ rất khó. Cơ quan quản lý nhà nước không thể cùng lúc “đối phó” cả nhà mạng lẫn đối tượng phát tán tin nhắn rác, việc này là việc bất khả thi”, đại diện Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT - Bộ TT-TT) khẳng định. Theo VNCERT, trách nhiệm của nhà mạng là phải bảo vệ khách hàng của mình nhưng dường như các mạng không quan tâm đến điều này. Ở nhiều quốc gia nếu khách hàng không hài lòng họ có thể chuyển sang mạng di động khác nhưng vẫn sử dụng đầu số cũ. Trong những năm tới khi việc “chuyển mạng giữ số” ở VN được triển khai thành công, việc chống tin nhắn rác cũng sẽ thuận lợi hơn. Lúc đó các nhà mạng chắc chắn phải cạnh tranh nhau để giữ chân khách hàng chứ không thể bỏ mặc khách hàng như hiện nay.
“Nhà mạng cần hợp tác với cơ quan quản lý để bảo vệ người dùng vì tương lai của chính nhà mạng. Nếu họ ý thức được điều này thì chắc chắn tin nhắn rác sẽ được ngăn lại ngay”, ông Hà Hải Thanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ VNCERT nói.
"Bây giờ chúng ta không bàn nữa mà phải làm lập tức. Các doanh nghiệp phải cam kết rõ ràng, gửi đề án thực hiện trước ngày 4.2 để Sở báo cáo với lãnh đạo Bộ TT-TT, phải triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị này để hạn chế tin nhắn rác, giảm bớt bức xúc cho người dân"
Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM
Đủ kiểu quấy nhiễu
Tình trạng tin nhắn rác, lừa đảo và các hình thức dẫn dụ móc túi khách hàng kéo dài quá lâu và càng bùng phát vào dịp cuối năm đang khiến bức xúc của người tiêu dùng lên đến đỉnh điểm. Trong khi các giải pháp kỹ thuật mà nhà mạng cung cấp để người tiêu dùng tự vệ kiểu “cho có” thì hết sức hạn chế. Các mạng Vinaphone, Viettel... đều có dịch vụ chặn số gọi đến và tin nhắn không mong muốn, tuy nhiên chỉ có thể chặn từng số đăng ký chứ không thể chặn được hàng chục ngàn sim rác “rải bom” spam. Hơn nữa, đây lại là dịch vụ tốn phí.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước đây các đối tượng phát tán tin nhắn rác thường dùng sim rác một lần rồi bỏ nhưng hiện nay có xu hướng chuyển sang dùng sim dành cho khách hàng là sinh viên do loại sim này được khuyến mãi rất nhiều. Ví dụ sim sinh viên cho phép khách hàng có thể đăng ký dịch vụ 100 tin nhắn nội mạng miễn phí/ngày.
Theo Thanh niên