34 quốc gia thành lập "Liên minh quân sự Hồi giáo" chống khủng bố IS
Tin tức trên báo An ninh Thủ đô, hãng thông tấn nhà nước Ả-Rập Saudi SPA thông báo, một “liên minh quân sự Hồi giáo” gồm 34 quốc gia thành viên sẽ được thành lập với nhiệm vụ chống chủ nghĩa khủng bố và tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Các nước tham gia vào liên minh bao gồm các nước vùng Vịnh, một số nước châu Phi, các quốc gia Ả-rập và các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kì, Malaysia và Pakistan.
“Các quốc gia đã đề cập đến vấn đề này và quyết định thành lập một liên minh quân sự do Ả-rập Saudi dẫn đầu để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Trung tâm chỉ huy sẽ đặt tại thủ đô Riyadh (Ả-rập Saudi) nhằm điều phối và hỗ trợ các hoạt động quân sự”, hãng thông tấn SPA trích dẫn trong tuyên bố chính thức.
Danh sách cụ thể 34 thành viên gồm Jordan, UAE, Pakistan, Bahrain, Bangladesh, Benin, Thổ Nhĩ Kỳ, Chad, Togo, Tunisia, Djibouti, Senegal, Sudan, Sierra Leone, Somalia, Gabon, Guinea, Palestine, Cộng hòa liên bang Hồi giáo Comoros, Qatar, Bờ Biển Ngà, Kuwait, Li-băng, Libya, Maldives, Mali, Malaysia, Ai Cập, Ma rốc, Mauritania, Niger, Nigeria và Yemen. Báo Dân trí thông tin.
Thông cáo cũng khẳng định liên minh “có nhiệm vụ bảo vệ các quốc gia Hồi giáo khỏi sự xấu xa của các nhóm và tổ chức khủng bố, bất kể giáo phái và tên của chúng, đang gây chết chóc, hủy hoại trái đất, và có mục đích khủng bố những người vô tội”.
Cộng hòa Hồi giáo Iran dòng Shia, đối thủ chính tranh giành ảnh hưởng trong thế giới Arab với Vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia dòng Sunni, vắng mặt trong danh sách. Hai cường quốc của khu vực bất đồng về các vấn đề từ Syria đến Yemen. Báo Zing news thông tin.
Trong khi đó, Mỹ ngày càng thẳng thắn về quan điểm rằng các quốc gia Arab ở vùng Vịnh nên hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ các chiến dịch quân sự chống IS ở Iraq và Syria.
Trong một cuộc họp báo hiếm hoi, Mohammed bin Salman, vị thái tử 30 tuổi kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, nói với các phóng viên rằng, chiến dịch sẽ phối hợp với những nỗ lực chống khủng bố ở Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan.
“Sẽ có sự phối hợp quốc tế với các nước lớn và tổ chức quốc tế về chiến dịch tại Iraq và Syria. Chúng tôi không thể thực hiện các hoạt động mà không phối hợp với các lực lượng ở khu vực và cộng đồng quốc tế”, ông bin Salman nói.
Khi được hỏi liệu liên minh mới chỉ tập trung vào IS, bin Salman cho biết “sẽ đối đầu với không chỉ IS mà còn với bất kỳ tổ chức khủng bố nào xuất hiện trước mắt chúng tôi”.
Saudi Arabia và các nước láng giềng vùng vịnh Arab đã mắc kẹt trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng với phiến quân do Iran hậu thuẫn ở nước láng giềng Yemen. Các nước đã thực hiện hàng trăm phi vụ không kích ở Yemen.
Đặc biệt, sau một loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhắm vào các nước phương Tây do IS thực hiện trong những tháng gần đây. Mỹ ngày càng nhận thấy rằng, gia tăng sức mạnh tấn công sẽ có hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống IS.
Cùng với lệnh ngừng bắn được thiết lập ở Yemen hôm 15/12 và đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, thông báo từ Riyadh có thể báo hiệu mong muốn chuyển sự chú ý trở lại với cuộc chiến chống IS thay vì cuộc xung đột biên giới.
Nhà nước Hồi giáo cố gắng lật đổ các nhà nước quân chủ ở vùng Vịnh và đã thực hiện nhiều vụ tấn công vào nhà thờ Hồi giáo Shi'ite và lực lượng an ninh ở Kuwait và Saudi Arabia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo