Khám phá

9 sự kiện Khoa học và Công nghệ ấn tượng năm 2014

9 sự kiện Khoa học và Công nghệ ấn tượng năm 2014 vừa được vinh danh trong chương trình “ Ấn tượng Khoa học và Công nghệ 2014”. Sự kiện này do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vào tối ngày 23/12/2014.

Lần đầu tiên Việt Nam hạ thủy và xuất khẩu giàn khoan HRD ra nước ngoài (ảnh minh họa)

 

Chương trình “Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2014” nhằm tôn vinh các sự kiện khoa học và công nghệ đáng chú ý trong năm 2014; đồng thời, ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 9 sự kiện Khoa học và Công nghệ ấn tượng năm 2014 thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, y dược, phần mềm, nông nghiệp, công nghệ cao...


Dưới đây là 9 sự kiện Khoa học và Công  nghệ ấn tượng năm 2014 được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh:

- Lần đầu tiên Việt Nam hạ thủy và xuất khẩu giàn khoan HRD ra nước ngoài.

Dự án giàn khoan công nghệ HRD do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC ( PTSC M&C)  đấu thầu được bàn giao cho đối tác Ấn Độ vào đầu tháng 12/2014.

Theo PTSC M&C, dự án HRD là dự án chế tạo giàn công nghệ đầu tiên thực hiện cho khách hàng nước ngoài thông qua đấu thầu quốc tế, cạnh tranh với nhiều nhà thầu lớn có tên tuổi như McDermott (Mỹ), Huyndai Heavy Industries (Hàn Quốc), L&T (Ấn Độ/Trung Đông) …

HRD là một dự án đấu thầu mang tầm cỡ quốc tế, không chỉ lớn về quy mô mà còn khó về công nghệ. PTSC M&C đảm nhận hạng mục lớn và phức tạp nhất của dự án là khối thượng tầng giàn HRD nặng 8.400 tấn. Sự kiện này góp phần khẳng định vị thế và mở ra triển vọng hợp tác quốc tế của các nhà thầu dầu khí Việt Nam trên trường quốc tế.

- Năm 2014, lĩnh vực y dược có được 2 thành tựu lớn, sản xuất được vaccine Rotavin phòng chống bệnh tiêu chảy và lần đầu tiên Viện Quân y 103 mổ thành công tụy – thận từ người cho chết não.

Đến nay, Việt Nam là nước thứ 2 châu Á và là 1 trong 4 nước trên thế giới ( sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vaccine Rotavin phòng tiêu chảy với công nghệ cập nhật quốc tế. Theo các chuyên gia y tế, công trình này sẽ giúp giảm gần 7.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ dưới 5 tuổi và giảm khoảng 140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut gây tiêu chảy Rotavin. Hiện tại, vaccine Rotavine đã được cấp phép đưa vào sử dụng 300.000 liều/năm. Dự kiến đến năm 2016, 1,6 triệu liều sẽ được sản xuất để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Trong lĩnh vực công nghệ cao năm qua nổi bật lên sự kiện chip điện tử Việt Nam chính thức được Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ICDREC) đưa vào thương mại hóa, cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế.

Chip thương mại SG8V1 là thành tựu nổi bật của ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam năm 2014, góp phần vào mục tiêu là chủ công nghệ, đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm.

- Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong đột biến tạo giống, Việt Nam tạo ra nhiều giống cây lương thực, hoa màu cho năng suất và chất lượng cao.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trao tặng 3 giải cho lĩnh vực đột biến tạo giống. Giải thưởng “thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống thuộc về Viện Di truyền nông nghiệp, đơn vị đi đầu trong lĩnh vực tạo giống bằng đột biến phóng xạ. 

- Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần đầu tiên được tổ chức nhằm khẳng định vai trò quan trọng của khoa học cơ bản đối với quá trình phát triển khoa học quốc gia.

Năm 2014, giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh 2 nhà khoa học là GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, lĩnh vực toán, với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson - Mùi xem như các Moodun trên đại số Steenrod” và PGS. TS. Nguyễn Bá Ân, lĩnh vực Vật lý, với Công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”.

- Tạp chí Khoa học và Công nghệ nano và Tạp chí Toán học được bình chọn vào hệ thống Scopus.

Scopus ra đời vào tháng 11/2004, là cơ sở dữ liệu tóm tắt và trích dẫn lớn nhất của Elsevier chứa cả những nguồn học liệu nghiên cứu được phản biện kín và nguồn dữ liệu web giá trị. Với hơn 18.500 nhan đề tài liệu từ hơn 5.000 nhà xuất bản quốc tế, SciVerse Scopus cung cấp cho cộng đồng nghiên cứu nguồn dữ liệu tổng hợp, truy cập và tìm kiếm đơn giản, nhanh chóng để hỗ trợ cho nhu cầu nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học, khoa học xã hội, kể cả mới đây nhất là lĩnh vực nghệ thuật và nhân văn.

- Nhà máy đóng tàu Ba Son đóng mới các tàu tên lửa thuộc Đồ án 12418 cặp số 2 (M3, M4) cho Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.

Loại tàu tên lửa 12518 có lượng giãn nước 560 tấn, vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn; thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày. Tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, tầm bắn 15 km, độ cao 11 km để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên đất liền; 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4000-5000 phát/phút. Việc đóng thành công tàu tên lửa 12418 là bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật đóng tầu quân sự hiện đại.

- Lần đầu tiên tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Ngày Khoa học và Công nghệ là không chỉ tạo ra ngày hội dành cho những người làm khoa học mà là toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức về vai trò cũng như tích cực ứng dụng, phát minh, sáng chế khoa học công nghệ; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 


 

Thu Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo