AEC 2015: Nguy cơ từ tháo chạy vốn, biến động tiền tệ
Chỉ còn hơn một năm nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) sẽ chính thức ra đời. Các nước thành viên ASEAN đã nhiều lần khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu này, nhưng cũng mạnh dạn thừa nhận, còn rất nhiều việc phải làm trên con đường hướng tới AEC 2015.
Tại một cuộc họp được tổ chức vào đầu tháng 4 tại Myanmar, các Bộ trưởng tài chính ASEAN cam kết, sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo thị trường tài chính trong khu vực vận hành ổn định trước và sau AEC. Vào tháng 2/2014, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng cam kết làm việc tích cực hơn nữa để đạt được các mục tiêu AEC 2015 như đã đề ra trong Kế hoạch AEC.
Sáng kiến thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN được đưa ra vào năm 2003 nhằm biến khu vực hơn 600 triệu dân thành một thị trường chung, cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề được chu chuyển tự do. AEC là đỉnh cao của những nỗ lực kinh tế ASEAN trong suốt hơn 20 năm qua.
Theo thống kê mới nhất từ Ban Thư ký ASEAN, tính đến nay khoảng 80% công việc chuẩn bị cho AEC đã được hoàn thành.
Thách thức chính trị, kinh tế của ASEAN trước thềm AEC 2015
Mặc dù ASEAN đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện AEC 2015, nhưng giới phân tích nhận định, tình trạng bất ổn chính trị ở một nước trong khối và khủng hoảng kinh tế cả trong và ngoài khu vực sẽ khiến hy vọng hiện thực hóa AEC vào ngày 31/12/2015 trở nên mong manh hơn.
Cụ thể, tại Thái Lan, bất ổn chính trị kéo dài suốt nhiều tháng qua, đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nước này. Nếu không được giải quyết kịp thời, nó sẽ trở thành một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Thái Lan - một trong những thành viên nòng cốt của ASEAN, đồng thời làm suy yếu vai trò quan trọng của xứ Chùa Vàng trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Trong khi đó, Campuchia đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn chính trị kể từ nửa cuối năm ngoái do những hậu quả từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7/2013 để lại.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo vẫn xảy ra ở Myanmar bất chấp những nỗ lực cải cách to lớn của đất nước.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, đang ‘bận rộn’ với các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống 2014 do vậy chính phủ sẽ khó tập trung vào các vấn đề khác chẳng hạn như việc thực hiện các mục tiêu AEC. Hơn nữa, hiện vận chưa rõ, tân tổng thống Indonesia sắp tới sẽ vạch ra những chiến lược gì cho đất nước trong quá trình thực hiện AEC.
Ngoài những bế tắc trong chính trị, ASEAN còn phải đương đầu với hàng loạt rủi ro kinh tế phát sinh từ việc Mỹ cắt giảm gói kích thích tiền tệ, cùng lúc với sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Những điều này đang đe dọa làm gián đoạn quá trình hội nhập kinh tế của khu vực.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của mình, dòng vốn đầu tư ồ ạt rút khỏi các nền kinh tế mới nổi như Indonesia và chảy vào Mỹ.
Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của khối, có nguy cơ sụt giảm mạnh do nhu cầu tại thị trường này bị thu hẹp vì suy thoái kinh tế. Trong khi đó, xuất khẩu được xem là động lực chính của tăng trưởng kinh tế ASEAN. Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng kim ngạch thương mại ASEAN – Trung Quốc quý I/2014 đạt 105 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước trong khi tỷ lệ tăng trưởng hàng năm luôn đạt ở mức 15,5%.
Trong khi khẳng định triển vọng trung hạn của khu vực vẫn vững mạnh nhờ nhu cầu trong nước khá ổn định, các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN thừa nhận, nền kinh tế Đông Nam Á có nguy cơ đi xuống vì những tác động tiêu cực từ hiện tượng tháo chạy vốn, biến động tiền tệ, lạm phát gia tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt.
Tất cả điều này đang phủ bóng triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế trung bình của 10 quốc gia thành viên ASEAN giảm từ 5,6% năm 2012 xuống còn 4,9% năm 2013. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế ASEAN đang giảm tốc.
Mặc dù sự phục hồi kinh tế ở các nước phương Tây sẽ phần nào thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN, giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế khu vực này sẽ không thể bứt phá vì những trở ngại và thách thức nêu trên đã ngăn cản bước tiến của Đông Nam Á. ADB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều có chung dự báo rằng, nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay.
Giới phân tích cho rằng, nhiều quốc gia ASEAN đã bắt đầu cảnh giác trước nguy cơ đi xuống của nền kinh tế cùng những điểm yếu kém kinh niên trong khối (đó là sự phát triển và cạnh tranh không đồng đều giữa các nước thành viên), nên rất có khả năng sẽ áp dụng những biện pháp gây bất lợi cho quá trình hội nhập, chẳng hạn như các chính sách bảo hộ nhằm duy trì tăng trưởng nội địa.
Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia, ASEAN cần tăng cường khả năng kết nối, thực hiện chính sách và hỗ trợ các nước kém phát triển trong khối nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực.
Mặc dù đã tiến hành cắt giảm thuế quan, ASEAN vẫn chưa sẵn sàng hội nhập trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các tiêu chuẩn trong khu vực dịch vụ - ông Choi Koon Shum, Chủ tịch tập đoàn Sunwah Group (Hồng Kông) nhận xét.
Theo Chủ tịch Choi, ASEAN cần trở thành một thực thể thống nhất giống như Ủy ban châu Âu - European Commission để nâng cao năng lực thực hiện chính sách của mình, đồng thời tăng cường hỗ trợ các thành viên kém phát triển và cung cấp những bảo hộ cần thiết cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập kinh tế.
Trong bối cảnh giới chuyên gia nghi ngờ về khả năng hiện thực hóa AEC vào năm 2015, một quan chức thương mại cấp cao của chính phủ Thái Lan cho rằng, thay vì coi AEC là “mục tiêu khó khăn”, ASEAN nên xem AEC là “một cột mốc quan trọng", là "một khởi đầu mới” trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD