Khám phá

Apple có nguy cơ mất trắng thương hiệu iPad ở Trung Quốc

Một quan chức cấp cao Trung Quốc cảnh báo Apple đang đứng trước nguy cơ mất quyền sử dụng thương hiệu iPad tại nước này trong bối cảnh một tòa án đang tìm cách làm trung gian hòa giải tranh chấp giữa gã khổng lồ công nghệ và Proview Technology.

Yan Xiaohong, phó giám đốc của Cục Quản lý bản quyền quốc gia Trung Quốc đã phát biểu trước các phóng viên tại Bắc Kinh rằng chính phủ nước này đang rất quan tâm đến công ty Proview Technology (có trụ sở tại Thâm Quyến), vốn là chủ sở hữu hợp pháp thương hiệu iPad, tên của chiếc máy tính bảng đình đám của Apple. Những phát ngôn của vị quan chức này có thể tăng thêm áp lực cho Apple trong việc tìm kiếm một giải pháp để tháo gỡ những bế tắc hiện nay.


Tuyên bố của ông Yan Xiaohong được đưa ra sau khi báo chí Trung Quốc đồng loạt đưa tin tòa án nhân dân tối cao ở Quảng Đông, miền nam nước này đang tìm cách sắp xếp một buổi hòa giải trong vụ tranh chấp thương hiệu giữa Apple và Proview. Hồi cuối tháng 2, tòa án này đã tiếp nhận đơn kháng cáo của Apple khi một tòa án cấp thấp hơn ra phán quyết ủng hộ Proview.



"Vụ tranh chấp giữa Apple và Proview Thâm Quyến liên quan đến thương hiệu iPad đang trải qua quá trình tư pháp", ông Yan nói trong cuộc họp báo.



Tuy nhiên, vị quan chức này đã nhấn mạnh thêm rằng "theo luật pháp của Trung Quốc, Proview Thâm Quyến sẽ vẫn là đại diện hợp pháp và là người sử dụng thương hiệu này".



Trung Quốc đang nỗ lực cho thấy sự quyết tâm của mình đối với việc bảo vệ thương hiệu và các tài sản sở hữu trí tuệ khác nhưng với thực tế có đến hàng trăm ngàn người lao động nước này đang làm việc trong các dây chuyền lắp ráp các sản phẩm iPhone và iPad của Apple, nhiều khả năng Trung Quốc không muốn làm gián đoạn việc sản xuất và tiếp thị của hãng công nghệ Mỹ tại nước này.



Ma Dongxiao, một luật sư đại diện cho Proview cho biết công ty này đã tính đến phương án hòa giải với Apple và mấu chốt của vấn đề là số tiền được bồi thường thích đáng.



"Nhiều khả năng chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc bên ngoài tòa án. Tòa án nhân dân tối cao Quảng Dông đang giúp đỡ để sắp xếp điều đó và tòa án cũng hy vọng sẽ làm thế", Ma Dongxiao khẳng định.


"Với những tác động rộng lớn của vụ tranh chấp này, chúng ta cần phải chờ đợi để xem phán quyết cuối cùng của tòa án. Phán quyết này sẽ quyết định quyền sở hữu đối với thương hiệu iPad", ông Yan nhấn mạnh "Chúng tôi sẽ tiến hành giải quyết vụ việc này một cách thận trọng".



Vị quan chức này cũng cho biết giới chức trách nước này đã nhận được nhiều đơn khiếu nại về việc sử dụng thương hiệu iPad của Apple và đang thu thập chứng cứ.



"Một khi phán quyết cuối cùng được đưa ra, chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này theo những bằng chứng mà chúng tôi có", ông Yan cho biết.



Các tòa án Trung Quốc thường cố gắng làm trung gian cho những cuộc hòa giải bên ngoài phòng xử án. Nhưng vẫn chưa rõ liệu Apple có đồng tình với cách giải quyết này hay không.



Proview, một công ty sản xuất đèn LED và màn hình máy tính vốn đang gặp nhiều khó khăn về tài chính tuyên bố họ đã đăng ký quyền sở hữu thương hiệu iPad hơn một thập kỷ trước. Trong khi đó, Apple phản pháo rằng Proview đã bán quyền sở hữu trên toàn thế giới thương hiệu iPad của họ trong năm 2009 mặc dù bản hợp đồng này chưa bao giờ được áp dụng tại Trung Quốc.



Các thương hiệu trên toàn thế giới khác của Proview đối với cái tên iPad được sở hữu bởi một công ty con khác thuộc Proview Group, Proview Electronics (Đài Loan). Nhưng thương hiệu iPad tại Trung Quốc đại lục lại được đăng ký bởi Proview Thâm Quyến.


Carolyn Wu, một phát ngôn viên của Apple cho biết Apple không có thêm bất cứ bình luận mới nào về khả năng thương thảo với Proview.


Trong một tuyên bố, Apple đã nhắc lại quan điểm trước đó của mình rằng công ty sẽ không bao giờ "cố ý lạm dụng thương hiệu của bất cứ ai khác". Tuyên bố này cũng nhấn mạnh thêm Proview "vẫn còn nợ nhiều người những khoản tiền khổng lồ, và thật không công bằng khi công ty này đang cố moi thêm tiền từ Apple bằng một thương hiệu mà Apple đã trả tiền mua nó".

 

 

Theo Vietnamnet

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo