Ba bước để chắc suất vào đại học
Theo đó, bước đầu tiên thí sinh cần xác định cho mình khối thi nổi trội nhất. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có các khối thi A, A1, B, C, D với các môn thi gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, ngoại ngữ.
Thí sinh có thể căn cứ vào kết quả học tập ở bậc THPT để xác định cho mình hai khối thi nổi trội nhất. Để xác định, thí sinh phải tính điểm trung bình từng môn trong mỗi khối thi bằng cách cộng điểm trung bình của từng môn học trong ba năm học THPT.
Đề thi ĐH ra trong chương trình THPT và phần lớn tập trung vào lớp 12 nên điểm của các môn năm học lớp 12 cần nhân hệ số hai, sau đó ta cộng với điểm trung bình của môn đó ở lớp 10 và 11 rồi chia cho 4, ta sẽ có kết quả điểm trung bình của môn học ở bậc THPT.
Bước hai là xác định khả năng tự làm bài thi: Thí sinh có thể tự ước đoán khả năng làm bài thi tuyển sinh của khối thi tương ứng, gọi tắt là hệ số T. Thông thường, hệ số T sẽ lớn hơn 0 và nhỏ hơn 1.
Hệ số T phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ của học sinh, nội dung đề thi, tâm lý làm bài. Thí sinh có thể tính hệ số T của mình thông qua việc giải đề thi tuyển sinh của các năm trước. Việc này phải thực hiện giống như thi thật. Thí sinh sẽ tính hệ số T của khối thi bằng cách lấy kết quả bài làm ba môn của cùng khối thi chia cho 30.
Bước ba là ước đoán kết quả thi. Sau khi đã có điểm học tập của từng khối thi, hệ số T, thí sinh bắt đầu tính mức điểm ước đạt của mình ứng với khối thi đã chọn cho kỳ thi sắp tới. Cách tính dựa trên công thức: điểm học tập của khối thi nhân với hệ số T.
Tiếp theo, thí sinh tìm những ngành phù hợp với nguyện vọng và có điểm chuẩn hàng năm phù hợp với mức điểm ước đạt của mình. Tiếp đó, thí sinh xem những ngành đó có những trường nào đào tạo và bắt đầu chọn ngành, chọn trường. Như vậy, thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Thanh Hương ( Theo Tienphong )
End of content
Không có tin nào tiếp theo