Ba cách giúp con khởi đầu tốt cho năm học mới
Trước đây, trẻ được nghỉ hè chơi liền mạch suốt 2 – 3 tháng nên buổi khai giảng tựu trường rất vui và ý nghĩa. Hiện nay, hè trẻ vẫn phải học thêm. Do vậy, trẻ không nhận thấy một năm học mới đang đến với mình.
Để giúp con có một khởi đầu tốt cho năm học mới, TS tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam đã đưa ra ba cách sau để phụ huynh tham khảo.
Bố mẹ cần cùng con đi chuẩn bị sách, vở, bút, mực…trong một năm học mới đang đến. Ảnh: Chí Cường
1.Tạo không khí hứng khởi cho năm học mới
Gần đến ngày khai giảng, bố mẹ có thể dẫn con cùng đi mua sắm những thứ cần thiết cho năm học mới như sách, vở và đồ dùng học tập. Nếu sách, vở và đồ dùng học tập đã được mua từ trước thì bố mẹ có thể hỏi con còn thiếu những gì, cần những gì rồi lên kế hoạch đi mua đồ cùng con.
Ngoài sách, vở và đồ dùng học tập, nhân năm học mới, bố mẹ có thể mua cho con 1 - 2 bộ quần áo mới, giày, dép, xe đạp…
Việc mua sắm này vừa có tác dụng chuẩn bị những thứ cần thiết cho con ngay từ đầu năm, vừa có tác dụng động viên con, giúp con có niềm vui, có động lực để bước vào một năm học mới; vừa giúp con ý thức rõ ràng về một năm học mới đang đến với mình.
Qua việc mua sắm này, bố mẹ cũng sẽ cho con thấy rằng: “À, hóa ra việc học rất quan trọng, bố mẹ rất coi trọng việc học tập của mình!”.
2.Thảo luận trao đổi với con về việc học, trường lớp, giáo viên…
Bố mẹ nên có ít nhất một buổi nói chuyện với con về những dự định trong năm học mới, những khó khăn và vướng mắc…
Bố mẹ có thể hỏi con: “Năm nay con có muốn phấn đấu điều gì không, con thích môn ngoại khóa gì…”. Nếu trẻ nói “có” thì bố mẹ có thể đưa ra một số gợi ý giúp con lên kế hoạch để thực hiện. Nếu con nói “không”, bố mẹ cũng không nên chỉ trích hay nói những câu giáo điều gây áp lực, căng thẳng như: “Con phải thế này, con nên thế kia”…
Sau khi khơi gợi những dự định, mong ước của con trong năm học mới, các bậc phụ huynh cũng nên hỏi con xem năm ngoái gặp những khó khăn gì, vướng mắc ở đâu thì giúp con giải quyết, tháo gỡ. Những khó khăn như trường xa, lớp học không có điều hòa, việc ăn uống ở trường không đảm bảo… bố mẹ nên trao đổi, đề xuất với cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm kết hợp với nhà trường để có hướng giúp con khắc phục.
Còn những khó khăn về giáo viên như không thích cô này, không thích thầy kia. Cô này dạy giỏi, thầy kia dạy chán, cô này hiền, cô kia hung dữ… thì bố mẹ cần có quan điểm rõ ràng với con. Việc chọn lựa giáo viên cho con là rất khó, bởi không thể vì giáo viên mà xin chuyển lớp liên tục được.
Nếu con nói: “Năm nay cô A chủ nhiệm lớp con. Cô đó dạy cực chán”, hay “cô đó không được hiền lắm”…thì bố mẹ có thể cho con biết rằng: “Ở đâu cũng có người này, người khác. Quan trọng vẫn là ở chính bản thân con. Nếu thầy cô chưa tốt thì con cần phải phấn đấu để trở thành người tốt, nếu thầy cô không giỏi mà con vẫn học giỏi thì chứng tỏ con là người biết phấn đấu, vươn lên”… Qua cách nói đó, bố mẹ sẽ dạy con biết chấp nhận thực tại để vươn lên, thay vì đổ lỗi cho người khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cô quá hung dữ, bên cạnh việc nói chuyện với con, bố mẹ cũng nên khéo léo nói chuyện với cô giáo hoặc nhà trường, tìm hiểu xem cô giáo có gặp vấn đề căng thẳng gì trong cuộc sống, qua đó có thể giúp họ giải tỏa áp lực và giúp họ thay đổi cách ứng xử với học sinh.
3. Phối hợp tốt với ban phụ huynh
Hiện nay ở các cấp học, dường như lớp học nào cũng có một ban phụ huynh làm đại diện cho phụ huynh của lớp. Bố mẹ nên có sự phối hợp tốt với các phụ huynh trong ban phụ huynh này ngay từ đầu năm, nên lưu số điện thoại của họ như số điện thoại của cô giáo của con mình. Bởi những người trong ban phụ huynh thường nắm rất rõ về trường lớp, giáo viên, chuyện ăn, ngủ, nghỉ của học sinh, những quy định hay đổi mới của trường, lớp…
Thông qua ban phụ huynh, bố mẹ vừa nắm rõ tình hình trường lớp và giáo viên, học sinh trước khi bước vào năm học mới, vừa có thể đề xuất những ý tưởng hay về việc học của các con, đặc biệt là việc học các môn ngoại khóa và các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các con.
Hiện nay, không chỉ trường quốc tế, dân lập mà ngay cả các trường công lập cũng có các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các môn học ngoại khóa như: Nhạc, họa, múa, hát, bóng bàn, cầu lông, võ… ngay tại trường.
Nếu muốn chất lượng của các lớp học này nâng cao, giúp cho con mình có được những giờ sinh hoạt ngoại khóa vui vẻ ngay tại trường cùng các bạn, các bậc bố mẹ có thể trao đổi với ban phụ huynh và cùng nhau đề xuất những ý tưởng tốt cho nhà trường.
Việc đưa ra những ý tưởng hay, đề xuất hay cho các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các bậc phụ huynh không chỉ giúp cho nhà trường tổ chức các buổi học ngoại khóa tốt hơn mà còn giúp họ tăng được nguồn thu từ “dịch vụ” này khi có nhiều học sinh tham gia.
Quan trọng hơn hết là nhờ có các buổi sinh hoạt ngoại khóa này, việc học của trẻ sẽ đỡ căng thẳng, giúp cho các con được những giờ phút thư giãn, vui vẻ lành mạnh ngay tại trường lớp mà không phải tìm kiếm đâu xa.
Bố mẹ nên giúp con nhận thấy tầm quan trọng của việc làm bài tập sau mỗi bài giảng của giáo viên. Khi có bài tập, nên giải quyết ngay. Động viên con học đến đâu nên giải quyết bài tập đến đó để không bị hổng kiến thức.
Việc giải quyết bài tập triệt để như thế sẽ giúp trẻ nắm chắc kiến thức, không phải vất vả mỗi khi có bài kiểm tra hay kỳ thi đến, lại được cô giáo đánh giá cao, được các bạn nể trọng và chắc chắn ít khi bị điểm kém…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao