Bà nội trợ ‘nổ não’ với thị trường thực phẩm gắn mác 'sạch'
Đáp ứng “cơn khát” thực phẩm sạch của người tiêu dùng, nhiều loại rau củ, thịt cá, trái cây, gạo, trứng,… đang được nhiều nhà sản xuất dán nhãn “sạch”, “an toàn” và quảng cáo rầm rộ.
Chấp nhận mua với giá cao hơn để có được sản phẩm gắn mác sạch. Vậy những thứ “siêu sạch” liệu đã thực sự sạch?.
Loạn thực phẩm sạch
Để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho bữa ăn, các bà nội trợ đang ráo riết đi tìm mua nguồn thực phẩm “sạch”. Thực phẩm được gắn mác “sạch” nhanh chóng lên ngôi. Từ gạo, rau, thịt, trứng,…đều gắn vào chữ sạch; thậm chí cà phê, sữa, nước mía vỉa hè cũng phải có từ “sạch” đi kèm để câu khách hàng và lợi dụng tâm lý người tiêu dùng.
Cái gì ăn uống đều được người bán gắn thêm chữ “sạch” để trấn an tinh thấn người tiêu dùng. Và chỉ cần được gắn mác “sạch” là mặc nhiên mặt hàng đó có giá cao hơn 30-40%, thậm chí gấp đôi, gấp 3 so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Với mặt hàng gạo, tại các siêu thị, một số thương hiệu gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được bày bán khá phổ biến với giá từ 24.000-32.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các sạp chợ, đại lý gạo, người bán cũng đua nhau giới thiệu các loại gạo “sạch” được bán xá (gạo đựng trong bao lớn, khách mua bao nhiêu cân bán bấy nhiêu) với giá chỉ 17.000-18.000 đồng/kg.
Tương tự, với mặt hàng rau, qua khảo sát của phóng viên, một số cửa hàng rau quả như tại một cửa hàng bán rau sạch ở quận 2 TP.HCM, rau sạch với giá có khi đắt hơn gấp 3-4 lần rau cùng loại bán tại các chợ. Theo lý giải của nhân viên của hàng, sở dĩ các loại rau củ ở đây đắt là vì được canh tác bằng các chất hữu cơ, hoàn toàn không có sự can thiệp bởi các chất hóa học.
Hay như mặt hàng trứng, lâu nay người tiêu dùng cũng quen với các quảng cáo “trứng sạch” xuất hiện nhan nhản trên mặt báo.
Chị Tô Thị Thu Thảo (28 tuổi, ngụ tại quận 2 TP.HCM), chia sẻ: "Bây giờ ra chợ thấy cái gì cũng gắn mác sạch, riết rồi không biết cái nào mới thật sự là sạch. Đi chợ chọn mua thực phẩm sạch cũng nổ cả não".
Không chỉ ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đồ sạch mà thực phẩm sạch còn được bán online rất nhộn nhịp, với những dòng quảng cáo: “Thực phẩm quê chính hiệu”, “Rau sạch 100% nhà tự trồng”, “Gà quê, thịt sạch bảo đảm”,...Đa phần nguồn hàng của những người kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ qua mạng là từ người thân ở quê trồng trọt, chăn nuôi,... gửi lên, người mua hàng chủ yếu cũng là các chị em văn phòng, có điều kiện lướt web, ít thời gian đi chợ.
Ai kiểm chứng hàng sạch?
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất trứng khá lớn tại TP.HCM tiết lộ, mức độ “sạch” của trứng “sạch” hiện chỉ dừng lại ở việc xử lý trứng qua hệ thống máy móc để làm sạch vỏ ngoài của trứng, còn việc kiểm soát trứng từ chất lượng đầu vào (con gà có được tiêm phòng đầy đủ không, chế độ dinh dưỡng có bảo đảm, có sử dụng thức ăn có chứa chất kích thích tăng trưởng không,…) thì chưa ai làm được.
Tương tự, gạo sạch cũng chẳng ai kiểm định được, nhiều loại gạo còn được mang mác là nhập khẩu từ Thái, từ Nhật,…nhưng cũng khgng thể biết chính xác là có nhập khẩu hay không.
Về rau sạch, cách đây vài tháng, dư luận xôn xao khi có thông tin các sản phẩm rau an toàn ở siêu thị Le’s Mart, Minh Hoa, Citimart,…đều là những rau củ quả không rõ nguồn gốc. Các siêu thị này nhập mặt hàng rau củ quả từ Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm (địa chỉ tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội). Cơ sở này mua rau chủ yếu vào việc mua rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi “biến” thành rau an toàn giao cho các hệ thống siêu thị, bán với giá trên trời. Người tiêu dùng đã bị lừa trong thời gian dài mà không hề biết thực phẩm mình đang tin tưởng thực chất có nguy cơ gây hại rất cao.
Theo nhận định của ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM, mô hình trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ mang tính hộ gia đình còn phổ biến, chúng ta chưa phát triển và mở rộng được mô hình trang trại rộng lớn có khả năng cung cấp nguồn hàng hóa ổn định nên chưa xây dựng được một hệ thống sản xuất và tiêu dùng thực phẩm mang tính khoa học, hiện đại.
Cung ít, cầu nhiều, nên việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hay doanh nghiệp tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời, vẫn là một thực tế đang xảy ra.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tâm lý của các bà nội trợ là tìm đến các loại thực phẩm “siêu sạch”. Nhưng liệu có chắc rằng, những loại rau, loại thịt, loại trứng được cho là sạch, “siêu sạch” ấy đã thực sự là sạch?.
Ngay cả các tiểu thương cũng không có cách chính xác để phân biệt thực phẩm siêu sạch. Một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu chia sẻ: “Người giao hàng nói là trứng sạch, chứ mình có biết quả trứng này do con gà nào đẻ, con gà ấy ở đâu, ở nhà nào, chỗ nào đâu mà đảm bảo sạch”.
Cnn trong siêu thị, lâu nay người dân Việt Nam vẫn tin tưởng hàng hóa trong siêu thị, nhất là những mặt hàng rau. Thế nhưng, thực trạng rau bày bán trong siêu thị vẫn là rau không an toàn và không có xuất xứ rõ ràng. Đáng lưu ý là, khi sự việc rau không nguồn gốc vỡ lỡ thì những đại diện siêu thị trả lời thẳng thừng: “Chúng tôi không thể kiểm soát hết được về nguồn hàng đi vào trong siêu thị”.
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế, việc lựa chọn thực phẩm sạch là một việc khá quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Nhưng điều quan trọng là người dân chúng ta hiểu biết về thực phẩm còn khá hạn chế. Vì thế dẫn đến việc nhiều người lựa chọn thực phẩm theo trào lưu. Việc thay đổi thói quen thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm là cả một quá trình rất dài và từ từ.
Ngay cả những cửa hàng, siêu thị có uy tín còn không đảm bảo; huống gì những xe nước mía tự vỗ ngực xưng tên “Siêu sạch”. Thôi thì, người tiêu dùng cần phải thông minh hơn vậy.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Cột tin quảng cáo