Cà Mau: Doanh nghiệp “kêu cứu” nguy cơ chết yểu vì phải nộp thuế oan 26 tỉ đồng do lỗi của Bộ TN&MT?
Long An: UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT gấp rút giải quyết hồ sơ tách thửa bị "ngâm" / Vsetgroup đã khắc phục một số thiếu sót mà Doanh nghiệp Việt Nam phản ánh
Bị thu thuế oan hơn 26 tỉ đồng
Ngày 29/5, trao đổi với phóng viên DNVN, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý, địa chỉ đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP.Cà Mau) bức xúc nói: “Mấy năm nay, công ty gặp oan ức. Tài sản cho thuê chúng tôi chưa sử dụng nhưng bị tính thuế do chúng tôi thực hiện theo Quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng thực tế phần mặt biển trên chưa được kiểm tra thực địa, chưa cắm cột mốc diện tích thuê thực tế. Nếu chúng tôi đưa vào sử dụng thì bị lực lượng Biên phòng xử phạt. Tuy nhiên, ngành thuế vẫn buộc chúng tôi phải nộp thuế hàng năm của khu vực mặt biển trên.
Năm 2016, Công ty Công Lý hoàn tất các thủ thục xin đầu tư Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Trên cơ sở này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Quyết định 2115/2016 giao khu vực biển có diện tích 1968,8 ha cho Công ty Công Lý làm dự án điện gió. Tại Quyết định trên, Bộ TN&MT ấn định rõ tiền thuê khu vực biển là 3 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 30 năm. Thời gian tính tiền cho thuê bắt đầu từ ngày 14/9/2016. QĐ của Bộ TN&MT ghi rõ, trước khi sử dụng khu vực biển phải được Bộ này kiểm tra thực địa. Tức là nếu chưa kiểm tra thực địa, bàn giao ranh mốc mà công ty sử dụng là sai.
Địa điểm công ty Công Lý dự kiến triển khai dự án
Quyết định trên được triển khai, Công ty Công Lý nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ TN&MT kiểm tra thực địa, bàn giao cột mốc để công ty thực hiện dự án nhưng không nhận được trả lời. Bất ngờ, Cục thuế tỉnh Cà Mau liên tục có thông báo thuế, thông báo chậm nộp thuế đến Công ty Công Lý.
Đến nay, Cục thuế Cà Mau đã có thông báo số thuế Công ty Công Lý nợ lên đến hơn 26 tỷ đồng. Theo ông Tô Hoài Dân, tại Quyết định giao mặt nước cho công ty. “Tôi đã nhiều lần có văn bản đề nghị được giao mốc, được kiểm tra thực địa để đưa diện tích thuê vào sử dụng. Nhưng không được giao mốc, không được kiểm tra thực địa như quy định. Từ đó chúng tôi không dám sử dụng cho đến hôm nay. Không được sử dụng mà buộc phải chịu tiền thuế là “quá vô lý”, ông Dân nói.
Buộc phải nộp hơn 10 tỉ đồng để tránh mang tiếng nợ thuế cho công ty
Theo Cục thuế tỉnh Cà Mau, thời điểm tính thuế là ngày có Quyết định giao khu vực biển. Cục thuế căn cứ vào đó mà thu tiền thuê khu vực biển Công ty Công Lý. “Công Lý hiện đang thắc mắc việc giao mốc. Cái đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác. Khi nào có văn bản cơ quan thẩm quyền thì chúng tôi căn cứ vào đó mà giải quyết tiếp, theo đúng quy định pháp luật”, lãnh đạo Cục thuế tỉnh Cà Mau xác nhận.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau xác nhận, việc tính thuế diện tích mặt nước biển khi Công ty Công Lý chưa sử dụng là bất hợp lý. Ông Thánh viện dẫn, tại Quyết định 2115, giao khu vực biển cho Công ty Công Lý, Bộ TN&MT có quy định rõ sau khi được Bộ TN&MT kiểm tra thực địa thì Công ty Công Lý mới được sử dụng nhưng đến nay việc này vẫn chưa diễn ra. Việc nhà đầu tư phải trả tiền khu vực biển trong khoảng thời gian chờ cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh pháp nhân sử dụng khu vực biển là rất bất cập, vướng mắc, cần được cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Do nguồn thu tiền sử dụng khu vực biển thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương, nên việc giải quyết kiến nghị của Công ty Công Lý cũng thuộc quyền xem xét của Bộ TN&MT, Chính phủ. Trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản gửi Bộ ngành TW, Chính phủ để kiến nghị vấn đề “rất bất cập” trên nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rõ ràng. Trước hàng loạt văn bản thông báo nợ thuế từ Cục thuế Cà Mau, Công ty Công Lý đã nộp hơn 10 tỉ đồng và có biên bản nói rõ nộp vẫn nộp nhưng khiếu nại vẫn khiếu nại. “Chưa bàn giao mốc giới trên thực địa làm sao tôi biết đường mà sử dụng. Hơn nữa, Quyết định giao đất nêu rõ tôi chỉ được sử dụng sau khi Bộ TN&MT kiểm tra thực địa. Với 2 yếu tố này, tôi mà sử dụng thì vi phạm pháp luật. Đã vậy thì buộc tôi trả tiền thuê cho thời gian qua là vô lý quá”, ông Dân bức xúc cho biết.
Trước kiến nghị của Công ty Công Lý và UBND tỉnh Cà Mau, ngày 5/2/2021, Tổng cục Biển & Hải đảo Việt Nam có văn bản số 117 phúc đáp. Theo đó, cơ quan này cho rằng do Công ty Công Lý chậm nộp tiền thuê khu vực biển nên chưa được kiểm tra thực địa. Đồng thời, khẳng định khi nào Công ty Công Lý nộp đủ tiền thì mới kiểm tra thực địa. Thực tế văn bản trên lại trái với Quyết định số 2115 giao thuê khu vực biển của Bộ TN&MT, theo đó Công ty Công Lý chỉ được sử dụng khu vực biển sau khi được kiểm tra thực địa…
End of content
Không có tin nào tiếp theo