Cảnh giác với chiêu lừa mới: Giả mạo website Bộ Y tế để lừa tiêm Vaccine phòng COVID-19
Lừa đảo online liên quan tới tiêm chủng vaccine Covid 19 ngày càng tăng cao / Bác sĩ cảnh báo không được tự chữa COVID-19 theo “bài thuốc” lan truyền trên mạng
Giả mạo website Bộ Y tế để lừa người dùng đăng ký tiêm chủng
Mấy ngày gần đây, một số người phản ánh nhận được tin nhắn từ một số điện thoại với nội dung: “Bộ Y tế xin thông báo: Bạn đã đủ điều kiện đăng ký xin trợ cấp. Vui lòng hoàn thành thủ tục đăng ký trực tuyến ngay bây giờ. Thời hạn tới 17 giờ 30 hôm nay”. Gửi kèm theo tin nhắn là đường link của một website. Nếu người dùng click vào link này sẽ hiện ra giao diện giả mạo của Cổng thông tin Bộ Y tế.
Điều đáng nói là trang web giả mạo được đầu tư khá công phu về nội dung. Trên website có pop-up yêu cầu làm thủ tục tiêm vaccine COVID-19, nếu click vào đăng ký, người dùng sẽ được dẫn sang một website khác.
Trong website đăng ký thông tin tiêm chủng, người dùng phải điền tên trên CMND/Căn cước công dân, số điện thoại. Đặc biệt, phải có thông tin tên ngân hàng, tên đăng nhập Internet Banking và mật khẩu Internet Banking. Khi thao tác đến bước này, nhiều người cảnh giác sẽ nhận ra đây là trang web lừa đảo.
Hành vi lừa đảo yêu cầu người dùng đăng nhập thông tin ngân hàng, mật khẩu ngân hàng không mới. Song thủ đoạn của kẻ xấu sẽ thay đổi tuỳ thời điểm. Chẳng hạn, giai đoạn này người dân đang chờ được tiêm vaccine, các đối tượng sẽ lợi dụng điều đó để lừa gạt.
Dụ dỗ tiêm vaccine COVID-19 không rõ nguồn gốc, kém chất lượng
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, tình trạng tội phạm lừa đảo qua các hình thức liên quan đến dịch bệnh đang gia tăng ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua cũng xuất hiện nhiều lời mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chủng cho người lao động, đối tác, khách hàng,… qua điện thoại, tờ rơi quảng cáo, mạng xã hội.
Các tổ chức, cá nhân này tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine phòng COVID-19 của hãng sản xuất hoặc mua lại của nơi dư thừa. Các đối tượng lừa đảo thường bán những sản phẩm không hiệu quả, tính tiền cho những dịch vụ miễn phí và đánh cắp thông tin cá nhân để trục lợi.
Anh Nguyễn Đức T, một người dân sống ở thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) phản ánh, cách đây chưa lâu, anh nhận được một thư điện tử, hướng dẫn đăng ký tiêm phòng tự nguyện, kèm theo một đường link đến một địa chỉ website khác. Thư yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP, chuyển trước hơn 1 triệu đồng và truy cập vào đường link trong thư để xác thực việc đăng ký tiêm phòng đã thành công.
Thấy có dấu hiệu không bình thường, anh T tìm hiểu thì biết rằng đây là thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo. Nếu không tỉnh táo mà làm theo yêu cầu từ email lạ kia, rất có thể anh đã bị các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền hoặc phá hoại máy tính.
Trước đó, tháng 12/2020, TAND thành phố Quy Nhơn (Bình Ðịnh) đã mở phiên tòa xét xử Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc tiêm ngừa vaccine giả cho nhiều người, trong đó có vaccine phòng COVID-19. Sương tự xưng là nhân viên của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Ðịnh, có dịch vụ tiêm ngừa vaccine tại nhà. Sau khi có người mắc lừa, Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh rồi pha trộn, bơm sẵn dung dịch vào các ống tiêm cất và thông tin rằng có khả năng ngừa các bệnh: Viêm gan A, viêm gan B, thậm chí ngừa COVID-19...
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bị lừa đảo liên quan đến vaccine COVID-19
Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không an toàn, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khuyến cáo:
Các loại vaccine phòng COVID-19 sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế cấp phép, có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.
Mỗi lô vaccine phòng COVID-19 khi nhập khẩu về Việt Nam phải được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế kiểm soát cấp phép lưu hành. Các lô vaccine nhập khẩu, trước khi đưa ra sử dụng phải được Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định, đạt tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine theo quy định. Tất cả các vaccine đều phải được bảo quản trong hệ thống dây chuyền lạnh.
Theo khuyến cáo của tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), để tránh nguy cơ lừa đảo, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cần đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, hạn chế thông qua các bên trung gian.
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất, tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vaccine, nhằm tiêm chủng cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vaccine được tiêm chủng miễn phí cho người dân, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm với cộng đồng.
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi cơ quan y tế thông báo. Cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác.
Người dân chỉ đi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép. Tuyệt đối không tiêm chủng những loại vaccine phòng COVID-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể báo ngay cho chính quyền hoặc cơ quan y tế địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo