Góc nhìn

Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tự ý xâm hại di tích lịch sử quốc gia ở “Ngọn đồi 2 triệu đô la”

DNVN - Tiến sĩ Ngô Quang Láng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cho rằng: Do ngộ nhận khu di tích thành khu du lịch, rồi họ tự ý đưa vào các hạng mục, đặc biệt ở vùng I khiến Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp bị biến dạng giá trị tự nhiên của di tích, phá hủy giá trị ý nghĩa của lịch sử. Đó là hành vi phá hoại di sản…

Đại tá Đinh Văn Nơi vẫn tiếp tục điều hành công an tỉnh An Giang / Hậu Giang: Tổng Giám đốc khu du lịch sinh thái lãnh án tù chung thân

Đồi Tức Dụp (thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), với tên gọi khác là “Ngọn đồi 2 triệu đô la”, đây là chiến phí bom, mìn… mà quân đội Mỹ dự tính dội lên ngọn đồi này.

Nơi đây còn ghi dấu trận đánh lịch sử 128 ngày đêm của quân và dân An Giang, đập tan ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai. Với địa hình tự nhiên hiểm trở với hang động lắc léo, sâu bên trong ngọn đồi cao khoảng 300m, được cấu tạo từ nhiều tảng đá granite dựng đứng, cheo leo đã viết nên trang sử vẻ vang.

Thời gian gần đây, nhiều du khách và người dân địa phương, trong đó có các cựu chiến binh hết sức bất bình vì di tích lịch sử cấp quốc gia này đang bị Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai) tự ý xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tự ý xây dựng các công trình để khai thác dịch vụ du lịch, vi phạm luật Di sản văn hóa.

Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tự ý xây dựng nhiều hạng mục, đặc biệt là ở vùng I để khai thác dịch vụ du lịch, xâm hại đến di tích lịch sử quốc gia, vi phạm luật Di sản văn hóa.

Tự ý xâm hại cấu trúc, nguyên trạng di tích lịch sử cấp quốc gia

Theo ghi nhận của PV Doanh nghiệp Việt Nam, khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp có địa hình hiểm trở, với hệ thống hang động lắt léo. Bên trong khuôn viên khu di tích lịch sử này được xây dựng thêm nhiều công trình phụ, như: Nhà tưởng niệm, nhà gỗ và các công trình phục vụ tham quan du lịch.

Tại công trình “Nhà tưởng niệm” nằm ngay trung tâm đường vào các hang bên trong khu di tích. Cạnh bức phù điêu các chiến sĩ được đặt ly hương thì có một thùng công đức, gây thắc mắc.

Ghi nhận thực tế tại các hang trọng điểm thuộc vùng I (là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, cần phải được bảo vệ nguyên trạng) của Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp như: Hang Hội trường C6, hang Tỉnh ủy, hang Ban Tuyên giáo, hang Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hang Huyện đội, hang Cơ quan phụ nữ… ghi nhận nhiều khối đá trong hang đã bị tác động cắt xẻ, tạo thành những bậc tam cấp, những lối đi thoáng, rộng hơn. Thậm chí có nhiều đoạn lối đi trong các hang được san lấp bằng phẳng, lát đá, tráng xi măng phẳng lì. Có đoạn những tảng đá bị cắt xẻ còn bỏ ngổn ngang. Các khối đá bị cắt xẻ, cải tạo nhiều nhất là ở lối vào hang Tỉnh ủy, hang Ban Tuyên giáo.

Đáng chú ý nhất là nhiều đoạn đường trong các hang còn được lót vạc qua các khe đá bằng khung sắt, có lan can và được sơn màu như… Hay tại hang Hội trường C6, ngay cửa hang công ty cho đặt thêm một số hình nhân mô tả các chiến sĩ, tay đang ôm súng đứng canh gác? Tất cả những hình nhân này đều không có theo nguyên trạng của hang Hội trường C6.

Trao đổi với báo chí về việc Công ty Cổ phần Du lịch An Giang xây dựng các công trình phụ tại Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang cho biết: Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp trước đây UBND tỉnh An Giang giao cho Công ty Du lịch An Giang quản lý, khai thác, tuy nhiên sau khi cổ phần hoá trở thành Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai) quản lý, khai thác.

Theo ông Hiệp, Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp đưa vào làm du lịch là cần thiết, để quảng bá điểm di tích lịch sử cũng như du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng trên các khu di tích lịch sử, đầu tư thêm các hạng mục công trình để làm dịch vụ sẽ không sai nếu như đảm bảo 2 điều kiện: Không phá vỡ di tích cũ; phải đảm bảo đủ điều kiện đầu tư xây dựng. Nhưng ở đây Công ty Cổ phần Du lịch An Giang lại tự ý xây dựng mà không xin phép, chưa có sự thoả thuận của cấp thẩm quyền thỏa thuận về hồ sơ thiết kế đầu tư xây dựng.

Cũng theo ông Hiệp, tại báo cáo của Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang gửi UBND tỉnh An Giang, ngày 17/2/2022 đã yêu cầu công ty này báo cáo công tác đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục tại Di tích lịch sử Đồi Tức Dụp từ khi tiếp nhận.

Còn Tiến sĩ Ngô Quang Láng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cho rằng: Cái sai đầu tiên là do ngộ nhận về mặt tên gọi giữa khu di tích và khu du lịch, thực chất là khai thác giá trị của di tích phục vụ cho phát triển du lịch… về lâu dài mặc nhiên người ta biến nó thành khu du lịch rồi đầu tư thêm nhiều hạng mục để khai thác.

Luật Di sản, di tích phân ra làm 3 vùng: Vùng I tuyệt đối không được xâm phạm, thay đổi. Việc cắt xẻ đá, đổ xi măng tạo lối đi thông thoáng; đặt hình nhân lính gác, bắt cầu sắt... là hoàn toàn không cho phép. Vùng II, vùng III được phép đầu tư các công trình, hạng mục phục vụ cho vùng I nhưng phải được sự cho phép của Bộ VH-TT&DL.

Cũng theo Tiến sĩ Láng, hiện khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp bị phá hàng loạt, đặc biệt là vùng II. Hành vi đó đã làm biến dạng giá trị tự nhiên của di tích lịch sử, phá hủy giá trị ý nghĩa của lịch sử. Đó rõ ràng là hành phá hoại di sản.

Hàng loạt sai phạm theo luật Di sản văn hóa

Thực hiện công văn của UBND tỉnh An Giang ngày 25/3 về việc lập đoàn khảo sát đánh giá tình hình dư luận tại “Điểm du lịch Khu di tích lịch sử Đồi Tức Dụp”, Sở VH-TT&DL đã tổ chức đoàn công tác gồm nhiều sở, ngành khảo sát và đã có báo cáo gửi UBND tỉnh An Giang.

Theo báo cáo số 701 của Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang: Hiện nay Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồi Tức Dụp do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang quản lý, khai thác phục vụ du lịch có thu phí vào cổng. Trong thời gian quản lý, công ty đã mở rộng quy mô, giải phóng mặt bằng với diện tích 2,6ha và thực hiện việc sửa chữa, xây dựng một số công trình trong khu vực di tích.

Một trong những khu vực bị xẻ đá, thay đổi hiện trạng so với ban đầu.

Một trong những khu vực bị xẻ đá, thay đổi cấu trúc, nguyên trạng ban đầu.

Cụ thể những hạng mục, công trình có xin phép về hồ sơ xây dựng: Xây dựng mới Nhà tưởng niệm, trong đó có phù điêu gần cổng vào di tích. Công trình này do Sở Xây dựng cấp phép nhưng chưa có thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL theo quy định, do đây là di tích văn hoá cấp quốc gia; xây mới hàng rào, vỉa hè và cổng chính (UBND huyện cấp phép); xây mới cổng chào kiên cố… Việc xây dựng này thực hiện chưa có ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đã xây dựng hàng loạt những hạng mục, công trình không xin phép hồ sơ xây dựng như: Xây dựng mới và cải tạo các hạng mục phụ trợ phục vụ khách tham quan và công tác quản lý điểm du lịch (nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp), gồm 2 căn nhà gỗ bán đồ lưu niệm, văn phòng làm việc, phòng bán vé, các tiểu cảnh, trồng cây xanh, khu thú nuôi, trò chơi phục vụ du khách, bãi giữ xe khách, cải tạo, nâng cấp nhà hàng, nhà bếp và 2 hồ chứa nước, 4 khu nhà vệ sinh, nâng cấp hệ thống điện, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy; cải tạo Nhà trưng bày truyền thống (nằm bên ngoài Đồi Tức Dụp), trong đó bổ sung thêm các hiện vật gồm 48 khẩu súng, pháo các loại; đưa vào trưng bày xe tăng, xe Zip; cải tạo nhà Sa bàn thành nhà chiếu phim tư liệu.

Đặc biệt, đối với các hang di tích Đồi Tức Dụp, công ty đã thay cầu thang, lan can liên thông vào các hang tại một số hang đá Hội trường C6, Cơ quan Phụ nữ, Cơ quan Tỉnh ủy và lót vạc một số điểm dừng chân trong các hang bằng chất liệu sắt thay cho chất liệu gỗ trước đây. Các tay vịn cầu thang, lan can bằng sắt, sơn nhiều màu sắc xanh, đỏ, vàng (về chất liệu và màu sắc không phù hợp với tính chất di tích). Riêng hang Hội trường C6, công ty đã cải tạo mô hình cảnh cán bộ, chiến sĩ hội họp (tượng composite), bàn thờ ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam; các tượng cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục bộ đội, đầu đội nón tay bèo in tên khu du lịch Đồi Tức Dụp; lắp thêm hệ thống đèn chiếu sáng ở lối đi và trong hang…

Sau khi khảo sát, đoàn thanh tra liên ngành kết luận những hạng mục xây dựng, cải tạo nêu trên Công ty Cổ phần Du lịch An Giang chưa thực hiện đúng quy trình, xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản Văn hóa. Chính vì vậy, khi thực hiện các hạng mục này đã có những sai lầm về mặt chuyên môn trong lĩnh vực tu bổ, xây dựng công trình liên quan đến di tích lịch sử được xếp hạng. Việc này đã ảnh hưởng một phần đến ý nghĩa lịch sử của di tích.

Từ những sai phạm trên, Sở VH-TT&DL đã kiến nghị UBND tỉnh An Giang xem xét quyết định, yêu cầu công ty này cam kết thời hạn khắc phục các sai phạm theo đề xuất của ngành chuyên môn; thực hiện thủ tục xin phép cải tạo, tu bổ di tích theo đúng quy trình, quy định hiện hành.

Theo Luật Di sản văn hoá, tại điểm a, khoản 1, điều 32, quy định: Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng.

Và tại điểm b quy định Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Cũng tại khoản 2, điều 32 Luật di sản Văn hoá quy định: Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này đối với di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.

Tạm dừng 2 địa điểm tham quan, du lịch

Liên quan đến những sai phạm của Công ty Cổ phần Du lịch An Giang, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động 2 điểm tham quan, du lịch của công ty này.

Cụ thể, Phó Chủ tịch đã ký công văn 314 về việc kết quả khảo sát và hướng xử lý tại “Điểm tham quan điện mặt trời An Hảo” và “Điểm du lịch đồi Tức Dụp”. Theo nội dung công văn, ngày 29/3, Sở VH-TT&DL đã tổ chức đoàn công tác liên ngành để khảo sát, đánh giá các phản ánh của dư luận xã hội tại 2 địa điểm nêu trên.

UBND tỉnh An Giang giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, xem xét mức độ vi phạm của Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tại “Điểm tham quan điện mặt trời An Hảo” và “Điểm du lịch đồi Tức Dụp”, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời, yêu cầu công ty này tạm dừng hoạt động đối với những điểm tham quan, khu vực xây dựng chưa được cấp phép theo quy định. Giao các ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.

Để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch COVID-19, nhưng phải đảm bảo các quy định của pháp luật, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch An Giang khẩn trương thực hiện một số nội dung sau: Tại “Điểm tham quan điện mặt trời An Hảo” và “Điểm du lịch đồi Tức Dụp”, mặc dù công ty đã có nhiều cố gắng đầu tư các hạng mục để tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, cảnh quan sinh động, hấp dẫn, thuận tiện, đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch. Tuy nhiên, công ty chưa thực hiện đúng quy trình đầu tư, xây dựng, tôn tạo... của Luật Du lịch, Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng, việc đầu tư chưa xin phép xây dựng, xin ý kiến thỏa thuận nội dung tu bổ, sửa chữa với cơ quan có thẩm quyền theo Luật Di sản văn hóa.

Đồng thời, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch An Giang tạm dừng các hoạt động có thu phí tại các điểm tham quan du lịch chưa đủ điều kiện hoạt động, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp, hướng dẫn của các ngành chức năng. Đặc biệt, đối với Di tích lịch sử cấp quốc gia đồi Tức Dụp, cần khắc phục ngay các sai sót về mặt chuyên môn theo góp ý của Sở VH-TT&DL để khẩn trương hoàn thiện quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng theo quy định.

Đối với giá vé vào tham quan “Điểm du lịch đồi Tức Dụp”, yêu cầu công ty này phải thực hiện theo quy định về giá vé tại Nghị quyết 42 của HĐND tỉnh An Giang về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí trong lĩnh vực VH-TT&DL thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Riêng các sản phẩm du lịch, dịch vụ khác do Công ty Cổ phần Du lịch An Giang đầu tư sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, được tự chủ mức thu phí và phải được niêm yết công khai cho du khách được biết.

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang đề nghị Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng và UBND huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý tại “Điểm tham quan điện mặt trời An Hảo” và “Điểm du lịch đồi Tức Dụp” để xảy ra vi phạm có liên quan đến Luật Di sản văn hoá, Luật Du lịch và Luật Xây dựng.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn theo quyết định 68 của UBND tỉnh An Giang về ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang.

Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng đối với hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, UBND tỉnh cũng đề nghị Sở VH-TT&DL, các sở, ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm công văn 1083 của Bộ VH-TT&DL về việc tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm