Hà Nội: Bát nháo biệt thự cơi nới, lắp thêm thang máy sai thiết kế và xử lý kiểu "bên trọng bên khinh"
Dự án được Nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng trước nguy cơ bị dự án treo “bóp chết” / Bình Dương: Tổng giám đốc công ty Mosfly từ chức, hàng trăm công nhân khốn khổ vì bị nợ lương
Ngày 15/7/2021, anh H.T (chủ căn hộ liền kề thuộc dự án Khu đô thị mới Gamuda Gardens) đã gửi đơn kiến nghị tới UBND các cấp để kiến nghị liên quan đến công trình lắp đặt thêm thang máy ngoài trời (không có trong thiết kế). Cụ thể như sau: Tháng 5/2020 sau khi được chủ đầu từ Gamuda Land Việt Nam bàn giao căn hộ, gia đình anh T thực hiện các thủ tục xin cấp phép thi công cải tạo tòa nhà và hoàn thiện căn hộ để chuyển về đây sinh sống. Trong quá trình hoàn thiện, do có nhu cầu lắp đặt thêm 1 thang máy kích thước 1,5x1,8m tại phần đất trống rộng 3x15m phía bên hông nhà (nằm trong tổng diện tích 135m của căn hộ). Trước khi thiết kế, lắp đặt thang máy, gia đình anh T có liên hệ với Ban quản lý khu đô thị (là đơn vị quản lý, cấp phép xây dựng cải tạo lại dự án) để hướng dẫn các thủ tục cấp phép bổ sung. Theo đó Ban quản lý có hướng dẫn việc cấp phép xây dựng bổ sung rất phức tạp và gia đình không nên xây dựng thang máy phía ngoài sân bằng khung kiên cố, mà nên tham khảo các căn hộ khác đã và đang lắp dựng các hạng mục ngoài nhà bằng vật liệu khung thép, kính mang tính chất công trình tạm.
Sau khi được hướng dẫn, gia đình anh T đã tham khảo các căn hộ khác đã lắp thang máy bên ngoài và đang sử dụng, sau đó tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng 1 thang máy từ cuối năm 2020. Theo đơn trình bày của anh T, thang máy này là kết cấu tạm, lắp sát vào phần lan can nhà, nằm trong phần diện tích của căn hộ sở hữu riêng của gia đình, thay thế cho phần diện tích lan can bê tông thép. Việc lắp đặt thang máy không làm tăng diện tích sử dụng và có thiết kế tương tự như phần thang máy lắp đặt thêm của các căn hộ khác trong khu đô thị.
Tuy nhiên, đến ngày 8/6/2021, anh T có nhận được thông báo của Ban quản lý về việc UBND phường Yên Sở có mời một số cư dân lên làm việc, với nội dung vi phạm hoạt động đầu tư xây dựng. Tuân thủ theo yêu cầu này, đại diện gia đình anh T đã có mặt nhưng tại buổi làm việc chỉ có 1 mình gia đình anh, còn chủ các căn hộ khác không có mặt. Trong buổi làm việc này, UBND phường Yên Sở và Đội quản lý trật tự quận Hoàng Mai cho biết, gia đình anh T đã lắp dựng thang máy phía ngoài nhà là vi phạm quy định, sai khác so với thiết kế xây dựng đã được cấp phép, yêu cầu gia đình phải phá dỡ.
Tại buổi làm việc, gia đình anh T có trình bày về quá trình từ khi xin hướng dẫn đến khi lắp đặt như đã nói ở trên. Thực tế việc cơi nới thêm thang máy ngoài thiết kế đã diễn ra từ nhiều năm trước, đến nay có rất nhiều căn hộ đã cải tạo, cơi nới và đang sử dụng bình thường, song chỉ có 1 mình gia đình nhà anh bị xử lý, yêu cầu tháo dỡ.
“Việc này gây khó khăn rất lớn cho gia đình tôi, ngoài chi phí lắp đặt thang máy gần 1 tỷ đồng, thì việc phá dỡ thang máy khiến tôi phải phát sinh chi phí phá dỡ, thi công toàn bộ tường ngăn và nội thất. Để tạo điều kiện ổn định cho cuộc sống gia đình trong dịch bệnh COVID-19, tôi kiến nghị chính quyền các cấp hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện thủ tục để được hoàn thiện căn hộ, sử dụng ổn định lâu dài tương tự như các căn hộ khác trong khu đô thị Gamuda Gardens”, anh T nói.
Thực tế, tại khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens tình trạng xây dựng cơi nới ở các căn hộ đã, đang diễn ra phổ biến và rất phức tạp.
Theo khảo sát của Doanh nghiệp Việt Nam, hiện có nhiều căn hộ ở Gamuda Gardens được cơi nới, sửa chữa và đưa vào sử dụng ổn định. Đơn cử: có những căn xây dựng ban công, sàn mái lan can thép kính ở bên ngoài nhà, diện tích cơi nới rộng khoảng 20m2. Nhiều căn khác thì xây dựng cơi nới mở rộng thêm diện tích (khoảng 1,1x1,7m) kiên cố bằng kết cấu khung cột bê tông tường gạch từ tầng 1 đến tầng 4 tại vị trí ở phía sau nhà. Có căn thì xây dựng thêm hầm rượu, bếp ăn khoảng với diện tích 30m2. Có căn ngay gần cổng vào khu đô thị còn xây dựng thêm tầng lợp thêm mái ngói. Có căn thì xây dựng thêm một ngôi nhà thép đồ sộ cao hai tầng với diện tích khoảng 50m2, có căn còn xây dựng cơi nới thêm hẳn một tầng tum.
Gamuda Gardens là khu đô thị cao cấp, giá rao bán một biệt thự ở đây trên các sàn bất động sản thấp nhất cũng từ 16 tỷ đồng cho căn có diện tích hơn 120m, có căn diện tích lớn tầm 300m được rao lên tới 36 tỷ đồng. Với một khu đô thị đẳng cấp như vậy, nhưng có thể dễ dàng bắt gặp các hình ảnh cơi nới, sửa chữa ngay tại các căn hộ mới đang thi công, cải tạo. Việc các căn hộ tự ý sửa chữa, cơi nới không chỉ sai thiết kế xây dựng ban đầu, mà còn phá vỡ quy hoạch kiến trúc tổng thể, mất mỹ quan của một khu đô thị cao cấp.
Trước tình trạng phức tạp này, để đảm bảo trật tự an toàn về xây dựng, ổn định cuộc sống cho người dân tại khu đô thị, tránh tình trạng cư dân đua nhau sửa chữa, UBND phường Yên Sở, UBND phường Trần Phú, UBND quận Hoàng Mai cần phải sâu sát hơn trong công tác quản lý. Đồng thời sớm có các biện pháp thiết thực, tổng thể chung, đảm bảo công khai, minh bạch. Không nên xử lý theo cách “đơn lẻ một vài căn hộ làm gương” hoặc “mềm nắn rắn buông”, "xử phạt cho tồn tại" rất dễ dẫn đến tình trạng gây bức xúc trong dân, mâu thuẫn giữa các cư dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định địa bàn cư dân.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận của phóng viên về các công trình cơi nới tại Khu đô thị C2 Gamuda Gardens Hà Nội:
Việc xây dựng, sửa chữa đang diễn ra nhộn nhịp tại khu đô thị Gamuda Gardens.
Thang máy khung thép kính ngoài nhà tại 1 căn biệt thự.
Nhà kết cấu giàn thép 2 tầng đồ sộ tại một căn biệt thự khác.
Thang máy khung thép kính tại căn biệt thự trên đường 3.3.
Thang máy kiên cố ngoài nhà bằng bê tông cốt thép tại căn góc ngã tư đường 3.7 và 3.2.
End of content
Không có tin nào tiếp theo