Góc nhìn

Dự án được Nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng trước nguy cơ bị dự án treo “bóp chết”

DNVN - Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất phân bón vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt” ở Vĩnh Long được Quỹ đổi mới Khoa học và Công nghệ Quốc gia hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng đang kêu cứu vì một dự án treo nhiều năm không bị thu hồi và có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.

Thi hành án Cần thơ (bài 5): Sẽ chế tài đối với ngân hàng Agribank trong vụ án "bức ép" DN không được hưởng hỗ trợ của Chính phủ / Vĩnh Long: 4 cán bộ nhà đất bị "tố" làm giấy tờ giả khiến hai cụ già bị mất 1.600m đất


“Bỗng dưng” bị đóng cọc “bao vây”

Ngày 30/12/2014, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành 2 Quyết định số: 2001/QĐ-UBND; số: 2003/UB-UBND, đồng ý cho Công ty TNHH MTV On Oanh (Công ty On Oanh) thuê 2 thửa đất có tổng diện tích gần 8.000m2, để thực hiện dự án nhà máy phân bón tại tuyến Công nghiệp Cổ Chiên thuộc xã Mỹ An, huyện Mang Thít.

Đến ngày 30/6/2015, Công ty On Oanh được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư số 54121000090; dự án có tổng vốn đầu tư là 101,6 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của Công ty On Oanh là 40 tỷ đồng; vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác là 14,9 tỷ đồng; vốn vay của các tổ chức tín dụng là 26,4 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ Quỹ đổi mới Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Quốc gia (ngân sách nhà nước) là 20,2 tỷ đồng. Ngay sau khi có GCN Công ty On Oanh tiến hành triển khai dự án giai đoạn 1 (từ tháng 11/2015 đến tháng 12/2018): Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón có diện tích mặt bằng 15.356m2.

Ông Đặng Văn On, Giám đốc Công ty On Oanh cho biết, trong thời gian triển khai và đưa nhà máy đi vào hoạt động, lượng nguyên liệu nhập về, sản phẩm phân bón của Công ty đưa ra thị trường chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy. “Do đó Công ty có tiến hành lập thủ tục xin mở bến thủy nội địa và được Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (CCĐTNĐPN) đồng ý cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Long cấp GCN Bến thủy nội địa theo công văn số 1263/CCĐTNĐPN-PC, ngày 9/11/2015, phạm vi hoạt động của bến là từ bờ trở ra 300m. Ngày 26/5/2016 Công ty On Oanh được Sở GTVT cấp phép hoạt động bến thủy nội địa số 12/GPBTNĐ”. Điều này đồng nghĩa với việc khu vực này không có đơn vị nào khác được cấp phép. Trong thời gian này không xảy ra tranh chấp nào”, ông On nói.

Khu vực mặt nước được Sở GT-VT tỉnh Vĩnh Long cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty On Oanh, "bỗng dưng" bị đóng cọc, bơm bùn, đất, cát vào san lấp mặt bằng, gây ách tắc cho giai đoạn 2 của dự án.

Khu vực mặt nước được Sở GT-VT tỉnh Vĩnh Long cấp phép hoạt động bến thủy nội địa cho Công ty On Oanh, "bỗng dưng" bị đóng cọc, bơm bùn, đất, cát vào san lấp mặt bằng, gây ách tắc cho giai đoạn 2 của dự án.

Đầu năm 2019, khi Công ty On Oanh chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của dự án: Xây dựng kho chứa nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sản xuất phân bón trên hai thửa đất có tổng diện tích gần 6.300 m2 thì bỗng dưng ông Nguyễn Văn Lịch mang sà lan, cần cẩu đến đóng cọc bê tông, san lấp phần mặt nước thuộc khu vực được cấp phép bến thủy nội địa của Công ty On Oanh.

Dự án được huyện cho thuê đất có sai phạm?

Theo tìm hiểu của phóng viên DNVN, năm 2007, UBND huyện Mang thít có ban hành Quyết định số 778/QĐ-UBND, ngày 11/6/2007, chấp thuận cho ông Nguyễn Văn Lịch thuê 65.781,2 đất bãi bồi tại xã Mỹ An, huyện Mang Thít, với giá 75 đồng/ m2/ năm, để nuôi trồng thủy sản. UBND huyện Mang Thít giao Phòng Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng cho thuê số: 2/HĐTĐ.TNMT, ký ngày 12/6/2007.

Theo báo cáo số 53/BC-UBND, do Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Nguyễn Văn Diên, ký ngày 13/5/2019, khi được Nhà nước giao đất ông Nguyễn Văn Lịch không triển khai dự án. Ngày 5/2/2015 (sau 8 năm được thuê đất), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành kết luận số 277/KL-STNMT kết luận kiểm tra phần đất 65.781m2, do ông Lịch quản lý với kiến nghị UBND huyện Mang Thít thông báo cho ông Lịch biết và phải có văn bản xin gia hạn thời gian thực hiện dự án theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013. Nếu quá 30 ngày kể từ ngày thông báo mà ông Lịch không thực hiện thì lập thủ tục thu hồi giao cho UBND xã Mỹ An quản lý theo quy định của pháp luật. Nhưng ông Lịch vẫn không có đơn xin gia hạn triển khai dự án.

Nhiều năm sau đó, khu đất cho ông Lịch thuê vẫn trong tình trạng “nằm trơ”, thay vì bị thu hồi theo quy định, thì vào năm 2019 ông Lịch bất ngờ triển khai dự án, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bến thủy nội địa của Công ty On Oanh. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến các ao nuôi cá liền kề của bà Đào Ngọc Như và khiến cho nhiều người dân địa phương, hộ nuôi cá mất ăn, mất ngủ. Theo tìm hiểu thì trước đó họ không hề được biết mặt nước sông Cổ Chiên có dự án nằm dôi thừa vô cùng khó hiểu. Sau đó, Phòng TN-MT phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác định dự án đang triển khai chỉ đạt 26.68%...

Phần mặt nước bị đóng cọc, san lấp của ông Lịch bị nhiều người dân phản ánh, làm thu hẹp dòng sông, ảnh hưởng dòng chảy và cản trở giao thông.

Phần mặt nước bị đóng cọc, bơm bùn, đất, cát vào san lấp của ông Lịch bị nhiều hộ dân xung quanh phản ánh, làm thu hẹp dòng sông, ảnh hưởng dòng chảy và cản trở giao thông.

Các phương tiện bị người dân tố cáo đang thực hiện việc khai thác cát trái phép, có dấu hiệu chở đi nơi khác bán?

Các phương tiện bị người dân tố cáo đang thực hiện việc khai thác cát trái phép để san lấp mặt nước và có dấu hiệu chở đi nơi khác bán?

Ngoài ra, dự án của ông Lịch còn bị nhiều người dân phản ánh, đã làm thu hẹp dòng sông, ảnh hưởng đến dòng chảy, cản trở giao thông ở khu vực này. “Nghiêm trọng hơn là một số phương tiện ra sông Cổ Chiên để hút cát bơm vào khu đất đang cho thuê để nuôi trồng thủy sản, sau đó chở đi bán?”, nhiều người dân bức xúc. Vì thế, nhiều người dân đã làm đơn tố cáo tập thể gửi đến cơ quan chức năng.

Kết quả kiểm tra, “Ông Nguyễn Văn Lịch có cho 1 xáng hút bùn, đất, cát từ lòng sông lên phần đất được UBND huyện cho thuê để nuôi trồng thủy sản; ông Lịch thừa nhận có thực hiện việc bơm hút bùn, đất này để đắp đê bao ao cá, đã diễn ra khoảng 1 tháng, chỉ thực hiện vào ban ngày với khối lượng bơm khoảng 1.000m3 và hoạt động này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; ông Lịch cũng đã cam kết ngưng hoạt động kể từ ngày 28/5/2021; Phòng TN-MT huyện Mang Thít và UBND xã Mỹ An chịu trách nhiệm giám sát đối với việc thực hiện cam kết trên’’, văn bản trả lời báo chí của Sở TN-MT Vĩnh Long xác nhận.

Dự án nuôi trồng thủy sản của ông Lịch hiện được san lấp, trồng cây và cất nhà tạm.

Dự án nuôi trồng thủy sản của ông Lịch hiện được san lấp, trồng cây và cất nhà tạm.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện dự án này đang được san lấp mặt bằng, trồng cây, cất nhà tạm. Một đoạn khác chỉ được đóng cọc và để cỏ mọc um tùm. Hiện nay, Thanh tra Sở TN-MT đang phối hợp với các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát đo đạc phần đất đang thi công bơm bùn của ông Lịch để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông On bức xúc: “Hiện tại nhà máy sản xuất phân bón vô cơ đã đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho hơn 100 lao động tại địa phương, Doanh nghiệp đang khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập về không đủ cho nhà máy hoạt động liên tục do chưa có kho chứa nguyên liệu. Nếu tiến hành xây dựng kho chứa nguyên liệu trên 2 thửa đất trên sẽ gặp nhiều khó khăn khi không có bến sông để xuất nhập hàng hóa”.

Ông On cho biết thêm, đây là dự án được Quỹ đổi mới KH-CN Quốc gia hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng (đã giải ngân đủ từ ngân sách nhà nước), để doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, phục vụ việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trong nước, đảm bảo sản phẩm chất lượng hơn, giá thành tốt hơn. Tuy nhiên “Hiện nay, việc vận chuyển bằng đường thủy vào nhà kho không được, mà phải đi bằng đường bộ làm chi phí lại đội lên gấp đôi, đồng nghĩa với giá thành sản phẩm làm ra cũng tăng. Điều này lại không đúng với mục đích đề ra ban đầu”.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm