Góc nhìn

Hà Tĩnh: Gần 5 năm chưa được bàn giao đất dự án, doanh nghiệp "tố" bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng

DNVN - Gần 5 năm trời kể từ ngày có quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Hà Tĩnh, công ty Huệ Minh nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng vẫn không hoàn thành được thủ tục cấp đất thực địa dự án. Hoạt động bị ngưng trệ, doanh nghiệp cho biết bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Formosa Hà Tĩnh được miễn, hoàn thuế hơn 10.000 tỷ đồng / Doanh nghiệp Đức đầu tư 2 dự án Nhà máy điện mặt trời tại Hà Tĩnh

Dự án gần 5 năm "không hoàn thành thủ tục đầu tư"

Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp và Dịch vụ Huệ Minh được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp quyết định số 3955 /QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Showroom trưng bày giới thiệu và bán các loại máy nông nghiệp, máy công trình và xưởng sửa chữa lắp ráp máy nông nghiệp, máy công trình tại xã Thạch Long (Thạch Hà – Hà Tĩnh).

mặt bằng dự án đã được san lấp 90%, với kinh phí gần 1 tỷ đồng

Mặt bằng dự án đã được san lấp 90%, với kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Dự án triển khai trên diện tích gần 8.000 m2, với mục tiêu mở rộng sản xuất kinh doanh, cung cấp các loại máy nông nghiệp, máy công trình trên địa bàn Hà Tĩnh và các vùng phụ cận. Quy mô dự án gồm nhà làm việc, nhà trưng bày, giới thiệu máy móc, thiết bị, nhà xưởng, sân, đường nội bộ… với tổng đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện 8 tháng kể từ ngày được bàn giao đất thực địa.

Ngay từ khi có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đầu năm 2017), Công ty Huệ Minh đã bắt tay vào việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với tuyên truyền vận động, thông qua các cuộc thương thảo, đến tháng 8/2018 đã hoàn tất đền bù giải phóng mặt bằng.

“Trên giấy tờ có 14 hộ bị ảnh hưởng với số tiền đền bù hơn 1 tỷ đồng, nhưng thực tế cao hơn nhiều, thậm chí có hộ phải đền gấp 1,5 đến 2 lần so với giá quy định, vì họ cho rằng đây là đất mặt đường”, ông Trần Văn Huệ, đại diện công ty Huệ Minh nói.

Bane vẽ

Quy hoạch mặt bằng sử dụng đất 1/500 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào năm 2017.

 

Trong năm 2017, công ty đã hoàn tất bản vẽ quy hoạch mặt bằng sử dụng đất 1/500 được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt vào năm 2017; giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường số 973/UBND-TNMT do UBND huyện Thạch Hà cấp.

Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Bình Minh, để bảo đảm tiến độ theo tinh thần Quyết định chấp thuận đầu tư, cùng với việc tiến hành các thủ tục liên quan, doanh nghiệp (DN) đã tiến hành san lấp mặt bằng. Đây là phần việc hết sức quan trọng cho việc xây dựng dự án. Bởi, nguyên vùng đất này là bãi sình lầy, độ sâu trung bình so với mặt đường 4-5 mét, có điểm lên đến 6 mét, nên cần lượng đất san lấp rất lớn. Đến thời điểm này, đơn vị đã san lấp mặt bằng đạt 90%, với kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng (bao gồm cả hơn 1 tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng).

Nhưng đến thời điểm này, sau gần 5 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh, dự án Showroom trưng bày giới thiệu và bán các loại máy nông nghiệp, máy công trình và xưởng sửa chữa lắp ráp các loại máy móc tại xã Thạch Long vẫn chưa thể bắt tay vào xây dựng.

Nguyên nhân vì chủ đầu tư chưa được bàn giao đất thực địa. Sự chậm trễ này đã kéo theo hệ lụy rất lớn, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư.

Chính quyền xã nói gì?

 

Có dịp đi trên QL 1A đoạn qua cầu Nga thuộc xã Thạch Long (Thạch Hà – Hà Tĩnh) những ai chứng kiến bãi xe máy nông nghiệp, máy công trình của công ty Huệ Minh phơi nắng, phơi sương lâu ngày hoen rỉ, thậm chí mục nát… đều không khỏi xót xa.

Các loại máy nông nghiệp, máy công trình

Các loại máy nông nghiệp, máy công trình hoen rỉ.

Dẫn phóng viên đi quanh dự án, bà Nguyễn Thị Bình Minh rơm rớm nước mắt chỉ vào những cỗ máy công trình, máy nông nghiệp nằm ngổn ngang không che đậy, nói: “Nhìn hàng loạt máy móc bị thời gian, mưa nắng phá hỏng từng ngày, lòng tôi như lửa đốt. Nếu cứ đà này, một thời gian nữa chắc số máy móc kia sẽ thành phế liệu”.

Cũng theo bà Minh, thực trạng này không chỉ làm cản trở phát triển ngành nghề kinh doanh mà còn làm mất đi những khách hàng, làm giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

 

Nhiều máy nông nghiệp có nguy cơ trở thành phế liệu

Nhiều máy nông nghiệp có nguy cơ trở thành phế liệu.

“Từ năm 2017 đến nay, doanh nghiệp đã phải chịu lỗ 900 triệu đồng/năm từ số vốn đã giải ngân cho dự án. Ngoài ra, thiệt hại về việc không triển khai mở rộng được SXKD, hàng hóa bị thất thoát, hoen rỉ, hư hỏng khoảng 7-8 tỷ đồng”, bà Minh cho biết.

Công ty Huệ Minh đi vào hoạt động từ năm 2010, với ngành nghề kinh doanh các mặt hàng máy nông nghiệp, máy công trình, doanh thu hàng năm hàng chục tỷ đồng (năm 2020 đạt 64,2 tỷ đồng). Thông qua hoạt động, DN này không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho trên 20 lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn, đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

“Đi lên từ kinh tế hộ gia đình, kể từ khi thành lập (2010) đến nay, DN nỗ lực vươn lên cùng đồng hành với nông dân trên toàn tỉnh thực hiện cung cấp các loại máy cày, bừa, máy gặt… phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân nông thôn. Thế nhưng, 5 năm qua kể từ khi làm thủ tục xây dựng dự án mở rộng sản xuất nhưng chưa được bàn giao đất, chúng tôi thiệt hại hàng chục tỷ đồng”, bà Minh chia sẻ.

Trong đơn kiến nghị gửi Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam và các cấp, ngành ở Hà Tĩnh mới đây, Công ty Huệ Minh cho biết: Phải mất hơn 1 năm DN này mới hoàn tất các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, thỏa thuận quy hoạch, bản vẽ quy hoạch mặt bằng sử dụng đất 1/500, đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường...Nhưng từ ngày 25/9/2018 đến nay, DN đã nhiều lần có đơn đề nghị gửi xã Thạch Long về việc đề nghị ký hồ sơ để DN làm thủ tục thuê đất theo hướng dẫn của Phòng TN-MT huyện nhưng chưa được.

 

Cống nước vào dự án đã được DN nạo vét thông thoáng theo yêu cầu của chính quyền địa phương

Cống nước, cửa ngõ vào dự án đã được DN nạo vét thông thoáng theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

“Họ nói do DN lắp đặt cống qua mương nước (lối vào khu dự án), đáy cống đổ bê tông cao làm cản trở việc tưới tiêu của các thôn trên địa bàn. Khi biết được vướng mắc đó DN đã khắc phục ngay. Đó là đã chi hàng tỷ đồng cắt bê tông dày 40cm, hạ đáy cống, cẩu ống cống phi 1,2m lên và nạo vét sâu kênh mương, tạo dòng chảy hoàn toàn thông thoáng. Thế nhưng, sau hàng năm trời, đến nay xã Thạch Long vẫn không ký hồ sơ”, bà Minh bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam về trường hợp công ty Huệ Minh, Chủ tịch UBND xã Thạch Long Phan Tố Hoài cho rằng: "Doanh nghiệp cần phải trả lại mặt bằng mương nước tưới tiêu nguyên trạng, xã mới ký hồ sơ".

Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần vào cuộc

 

Để giải quyết vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trực tiếp kiểm tra và mời các phòng chức năng huyện Thạch Hà và xã Thạch Long tham gia. Theo đại diện Phòng TN-MT huyện, do điều chỉnh quy hoạch nên tại khu vực dự án không có điểm đấu nối với QL 1A, mà phải thực hiện xây dựng đường gom.

“Việc bắt DN phải phá dỡ con đường bằng cầu bắc qua mương và đi bằng đường dân sinh vào dự án mới ký hồ sơ là điều không thể. Bởi hàng hóa của DN cồng kềnh, nặng, phải chở bằng xe 3 chân trọng tải lớn làm sao đi được trong đường dân sinh. Trong lúc con đường vào dự án bắc qua mương không ảnh hưởng gì đến giao thông. Còn xây dựng đường gom là trách nhiệm của nhà nước, lại chỉ mới nằm trên quy hoạch, biết khi nào mới có, 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa? Có khi DN chỉ còn chờ phá sản”, bà Minh cho hay.

Giám đốc DN giải thích về

Giám đốc Công ty Huệ Minh giải thích về quy hoạch mặt bằng dự án.

Cũng theo bà Minh, bản đồ quy hoạch 1/500 rất cụ thể, cho phép DN mở đường vào. DN cũng đã trực tiếp làm việc với Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý đường bộ (Bộ Giao thông vận tải khu vực miền Trung), tất cả đều ủng hộ doanh nghiệp Huệ Minh, cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Hơn nữa, đoạn QL 1A này không liên quan đến khu dân cư, không có hồ lan nên doanh nghiệp mới xây dựng cống đường vào đúng với quy hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt. Còn với quy hoạch mới, khi đường gom được xây dựng DN cam kết sẽ chấp hành nghiêm.

“Mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn nhưng DN vẫn cam kết tuân thủ mục tiêu ban đầu của dự án. Đồng thời kiến nghị lên UBND tỉnh, các Sở ban ngành liên quan, cho phép DN tạm sử dụng lối vào đã xây dựng (đúng với quy hoạch ban đầu) để dự án có thể đi vào hoạt động. Bởi đã 5 năm nay do chưa được xây dựng nhà kho, bãi dẫn đến toàn bộ tài sản với hàng trăm đầu xe máy, phụ tùng, hàng hoá phải tập kết ngoài trời không có nơi che đậy, mưa, nắng hư hỏng, han rỉ, mất mát dẫn đến thiệt hại quá lớn về kinh tế cũng như tinh thần làm việc của cán bộ công nhân viên”, bà Minh khẩn thiết đề nghị.

 

Nhóm PV miền Trung
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm