Góc nhìn

Lộn xộn bãi tập kết hàng hóa tự phát ở Khu kinh tế Cửa khẩu Tịnh Biên

DNVN - Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tỉnh An Giang) phản ánh quanh khu vực cột mốc biên giới hình thành chợ tự phát, bãi tập kết hàng hóa "chui"...

Bệnh viện "ngàn tỉ" tại miền Tây xây xong vẫn chưa thể hoạt động / Sắc màu nông thôn mới trên quê hương Thanh Hóa

Tiểu thương, doanh nghiệp than gặp khó khăn

Theo phản ánh của một số tiểu thương, doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tịnh Biên, trước khi có dịch bệnh COVID-19, nhiều tiểu thương thuê ki-ốt trong bãi tập kết được cấp phép để mua bán và chuyển hàng từ xe Việt Nam sang xe của đối tác Campuchia. Tuy nhiên hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đã trở lại trạng thái bình thường thì tiểu thương phía Campuchia lại không chạy xe tải đến bãi tập kết để sang hàng như trước.

Vì vậy, để bán được hàng, các tiểu thương phải thuê xe tải chở trái cây đến tận khu vực vùng đệm giữa Việt Nam và Campuchia để mua bán và sang hàng hóa. Cũng chính vì điều này, đã làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa và phí đóng cho các trạm ở khu vực cửa khẩu tăng cao, giảm sút đồng lãi từ việc trao đổi, mua bán nông sản.

nhóm chợ ở vùng đệm tại cột mốc 275 giữa Việt Nam - Campuchia tại CKQT Tịnh Biên, gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới

Người dân phản ánh việc nhóm chợ ở vùng đệm tại cột mốc 275 giữa Việt Nam - Campuchia tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới.

Bà C, một tiểu thương có hơn 30 năm mua bán trái cây với nước bạn cho biết: “Trước khi dịch bệnh xảy ra thì bạn hàng ở Campuchia sang lấy hàng tôi không tốn chi phí vận chuyển, giờ phải thuê xe chở lên vùng đệm để giao, mỗi chuyến lên xuống tốn từ 450 - 500 ngàn đồng, nhiều tiểu thương khác đã giải nghệ vì việc làm ăn thua lỗ”.

Một số tiểu thương còn cho rằng, ngoài chịu nhiều khoản phí, thời gian đưa hàng hóa lên thì khu vực vùng đệm hiện nay không có đầu tư ki-ốt, kho bảo quản nên điều lo ngại là hàng hoá sẽ hư hỏng, nhất là mùa mưa sắp đến. “Ngày nào bạn hàng Campuchia mua hết hàng thì có lời, chứ không hết là phải thuê người vận chuyển về ki-ốt để bảo quản”, tiểu thương lo lắng.

Không chỉ tiểu thương gặp khó, nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh bãi tập kết nơi đây cũng than phiền, phương tiện chở hàng hoá ban đêm không được vào bởi quá 18h là chốt kiểm soát tại cầu Vĩnh Tế đóng cổng. Theo các chủ doanh nghiệp, lúc dịch bệnh thì các chốt chặn kiểm soát người lên cửa khẩu giao dịch mua bán để tránh tình trạng lây bệnh, giờ việc chốt chặn này gây bất cập cho các phương tiện từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam chở hàng hoá vào bãi tập kết.

“Từ đó, các phương tiện phải đậu nhờ ở khu công nghiệp Xuân Tô, dẫn đến hàng hoá không được bảo quản trong kho kịp thời, doanh nghiệp thất thu. Tôi bỏ ra số tiền gần 20 tỷ đồng để đầu tư bãi tập kết hàng hoá, ki-ốt phục vụ cho hàng trăm tiểu thương làm địa điểm mua bán, sang hàng hoá. Giờ đây, bãi tập kết rơi vào cảnh đìu hiu”, chủ doanh nghiệp này cho biết.

Cơ quan chức năng nói gì?

Năm 2015, Khu thương mại Tịnh Biên hay còn gọi là “siêu thị miễn thuế”, nằm trong Khu kinh tế CKQT Tịnh Biên chấm dứt cơ chế hoạt động khu phi thuế quan. Sau khi nhiều doanh nghiệp bán hàng miễn thuế đóng cửa thì hạ tầng nơi đây bắt đầu xuống cấp, khu vực này do Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế tỉnh An Giang quản lý.

Theo phản ánh của một chủ doanh nghiệp, thời gian gần đây, nhiều phương tiện tải trọng lớn chở nông sản vào “khu siêu thị miễn thuế” để sang hàng cho các xe Campuchia. “Việc tập kết hàng hóa trong khu vực đó diễn ra rầm rộ trong thời gian dài, trong khi đó nơi này đâu được cấp phép. Bãi tập kết trái phép này gây thất thu cho các doanh nghiệp đã đầu tư bến bãi, ki-ốt như chúng tôi”, ông này nói.

Người dân khu vực này cho biết, mỗi ngày có hàng chục phương tiện vào đây sang hàng.

Mỗi ngày có hàng chục phương tiện khuôn viên "siêu thị miễn thuế", tập kết, sang chiết hàng hóa nhưng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh An Giang không hề hay biết.

Ghi nhận thực tế của PV Doanh nghiệp Việt Nam mới đây, vào khoảng 15h hàng ngày, hơn chục xe tải lớn chở cam sành, chuối, mít… vào “khu siêu thị miễn thuế” để sang hàng cho các xe cải tiến Campuchia đậu chờ sẵn. Một số chủ vựa đậu xe máy để chờ cân hàng như cà na, rau củ quả từ các địa phương chở đến. Người dân khu vực này cho biết, mỗi ngày có hàng chục phương tiện vào đây sang hàng.

Liên quan đến phản ánh, phóng viên có đến liên hệ với BQL Khu kinh tế tỉnh An Giang để làm rõ. Bà Hồ Hải Đăng - Chánh văn phòng Ban thông tin: “Từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào phản ánh với BQL khu kinh tế. Nay các doanh nghiệp có phản ánh tới các cơ quan báo chí thì Ban cùng các ngành liên quan tiếp thu và sẽ rà soát, kiểm tra lại”.

Trao đổi với PV Doanh nghiệp Việt Nam về phản ánh cấm xe qua biên giới, ông Lý Minh Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên khẳng định phương tiện vẫn qua lại biên giới bình thường nếu đảm bảo thủ tục theo quy định chứ không có việc cấm xe. “Theo quy định, đối với hàng hóa luồng xanh, luồng vàng thông quan tại cửa khẩu, chỉ có luồng đỏ bắt buộc phải giám sát hải quan. Lực lượng hải quan vẫn luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá qua lại biên giới”, ông Hiền khẳng định.

phương tiện vẫn qua lại biên giới bình thường nếu đảm bảo thủ tục theo quy định, chứ không có việc cấm xe.

Các ngành chức năng khẳng định, phương tiện vẫn qua lại biên giới bình thường nếu đảm bảo thủ tục theo quy định, chứ không có việc cấm xe.

Còn về việc nhóm chợ ở vùng đệm tại cột mốc 275 giữa Việt Nam - Campuchia tại CKQT Tịnh Biên gây mất an ninh trật tự khu vực biên giới, Thượng tá Trần Hòa Hiệp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên triển khai cho Trạm Cửa khẩu thực hiện nghiêm không cho san hàng trên cột mốc 275. Hàng ngày, trạm phân công một tổ công tác gồm 3 đồng chí trực tại khu vực mốc này, có nhiệm vụ quan sát, nắm tình hình xung quanh khu vực mốc, tình hình cửa khẩu đối diện, bảo vệ cột mốc, duy trì không cho san hàng trên mốc nhằm bảo vệ tính nguyên trạng và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực cửa khẩu.

“Không có việc nhóm chợ ở vùng đệm giữa Việt Nam - Campuchia ở cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, chúng ta nhìn thấy đó là việc san hàng trên mốc 275 khoảng 10m về phía Campuchia. Về vấn đề này Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên đã thông tin trao đổi và đã đưa vào nội dung cuộc họp với phía cửa khẩu Campuchia, yêu cầu lực lượng phía bạn duy trì cho người dân san hàng đúng nơi quy định, không san hàng xung quanh khu vực mốc 275 để đảm bảo mỹ quan và an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu. Về phía bạn đang mở rộng thêm các bên bãi và vận động người dân vào san hàng trong bãi đúng quy định”, ông Hiệp khẳng định.

Về phản ánh chốt kiểm soát biên phòng vừa qua cầu Vĩnh Tế, chặn xe chở hàng hóa từ các tỉnh, thành phố của Việt Nam chở xuống sau 18h, khiến xe không vào được các bãi tập kết hàng hóa hợp pháp để bảo quản hàng hóa, ông Hiệp cho rằng, Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên phân công một tổ kiểm soát biên phòng tại vị trí vành đai biên giới (vừa qua cầu Vĩnh Tế), có nhiệm vụ quản lý, kiểm soát các hoạt động của người, phương tiện trong vành đai biên giới; duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật.

“Thời điểm dịch COVID-19, tổ kiểm soát biên phòng tại vành đai biên giới không cho người, phương tiện vào vành đai biên giới từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Khi tình hình dịch được kiểm soát như hiện nay, tổ kiểm soát biên phòng kiểm tra sơ bộ ban đầu và hướng dẫn người, phương tiện vào làm thủ tục xuất cảnh, xuất khẩu theo quy định. Từ 18h trở về sau, tổ công tác vẫn cho phương tiện vào bãi tập kết hàng hóa đậu, chờ đến 6h sáng lên cửa khẩu làm thủ tục xuất khẩu”, ông Hiệp cho biết.

Nói về những bất cập tại cửa khẩu mà dư luận phản ánh thời gian qua, Đại tá Trần Quốc Khánh - Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết không có chuyện làm khó người dân, doanh nghiệp khi họ có đủ thủ tục, giấy tờ.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm