Điểm tên những công trình trái phép “tàng hình” trước cơ quan chức năng ở miền Tây
Khai thác mỏ sắt Thạch Khê: Phải có đánh giá khoa học, khách quan và tổng thể / Liên tục thất hứa giao sổ hồng, Hoàng Quân Cần Thơ khiến hàng trăm hộ dân mua nhà lao đao
“Mọc" trên đất lúa, nuôi trồng thủy sản
Mặc dù chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, Công ty TNHH địa ốc P&G (trụ sở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vẫn tiến hành xây dựng Khu phố Khang Thị bên trong có nhiều dãy phố với 42 căn hộ (mỗi căn rộng 220-240m2). Đáng nói hơn, công trình này được xây trên 6.800m2 đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản ở đường Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long cơ bản hoàn thành, được chủ đầu tư chào bán và nhận cọc của khách hàng trong suốt thời gian dài đến khi báo chí phản ánh thì chính quyền nơi đây mới vào cuộc xử lý.
Khu phố Khang Thị xây dựng trái phép giữa lòng TP Vĩnh Long.
Lý giải với báo chí về vi phạm tại dự án Khu phố Khang Thị, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, đã xây dựng cơ bản hoàn thành 42 căn nhà liên kế (1 trệt + 2 lầu) nhưng chưa được cấp phép xây dựng.
Đến nay, chủ đầu tư đã bị xử phạt tổng cộng hơn 300 triệu đồng, do để xảy ra nhiều sai phạm. Hiện, tỉnh đã đề nghị dừng tất cả hoạt động xây dựng, mua bán và đặt cọc căn hộ tại dự án trên. Đồng thời, chính quyền chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ những lỗi của đơn vị quản lý và doanh nghiệp để có biện pháp xử lý.
Trước đó, cộng đồng mạng từng "dậy sóng" trước những hình ảnh, clip... về quá trình xây dựng tòa nhà được giới thiệu là "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau". Tuy nhiên, khi ngành chức năng kiểm tra thì xác định công trình này đã xây dựng trên phần đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Ngay sau đó, ngành chức năng đã đề nghị công trình phải tạm ngừng thi công.
"Biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản nằm giáp với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Theo báo cáo của UBND TP Cà Mau, công trình này được xây trên 2 thửa đất nuôi trồng thủy sản, không được chuyển đổi quyền sử dụng đất. Công trình bao gồm khối nhà chính có diện tích xây dựng 294,79m2, 3 tầng (đã hoàn thành khoảng 90%), nhà cặp hàng rào diện tích xây dựng 339,74m2. Sau thời gian cho chủ hộ tự tháo dỡ đã hết, UBND TP Cà Mau đã trình phương án cưỡng chế căn "biệt phủ" trên.
Mới đây nhất, một số công trình xây dựng trái phép trên địa bàn TP Cần Thơ đã bị ngành chức năng vào cuộc xử lý sau phản ánh của báo chí. Điển hình như Nhà hàng Sân Bay, từng được mạng xã hội “ca tụng” là sang trọng “bậc nhất Tây Đô”, tọa lạc bên đường Võ Văn Kiệt (phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), với diện tích xây dựng hơn 1.000m2 trên đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hiện, công trình này đang thực hiện tháo dỡ.
Phạt nhưng vẫn cho xây?
Trao đổi với báo chí về trách nhiệm ở dự án khu phố Khang Thị, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, tỉnh xác định để xảy ra việc xây cả khu phố không phép trên diện tích 6.800 m2 đất …. do chính quyền địa phương, ngành chức năng quản lý lỏng lẻo. Sự việc khu phố Khang Thị, chính quyền địa phương có kiểm tra nhưng sau đó không báo cáo, nhắc nhở. Khi sự việc lên tới UBND tỉnh, dự án gần như hoàn thành và chủ đầu tư đã nhận cọc của người mua.
Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, sai phạm tại dự án Khu phố Khang Thị do chính quyền địa phương, ngành chức năng quản lý lỏng lẻo.
Năm 2020 tỉnh có chủ trương xây khu nhà ở tại vị trí này. UBND tỉnh sau đó thống nhất cho sang tên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của TP Vĩnh Long cũng như kế hoạch sử dụng nhà ở giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, quá trình thực hiện doanh nghiệp không đáp ứng các bước tiếp theo của kế hoạch.
“Sở Xây dựng đã phạt chủ đầu tư do thiếu giấy phép xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vì thiếu giấy phép đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phạt vì chưa chuyển mục đích sử dụng đất… Trách nhiệm của cơ quan quản lý đóng vai trò rất lớn trong vấn đề này. Đặc biệt là đơn vị chuyên môn giúp việc cho UBND tỉnh như Sở Xây dựng, đã lỏng lẻo trong quá trình kiểm tra, để doanh nghiệp vi phạm", ông Liệt khẳng định.
Liên quan đến vấn đề nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp trong thời gian qua. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 2 vừa qua, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo UBND các quận, huyện và cơ quan liên quan tăng cường rà soát, kiểm tra các công trình xây dựng không phép, trái phép. Kiên quyết tháo dỡ, cưỡng chế để trả lại hiện trạng ban đầu bảo đảm theo trình tự, thủ tục quy định. Cần siết hơn nữa trong việc quản lý trật tự, kỷ cương, đô thị để tránh tình trạng người dân xin giấy phép xây dựng nhưng lại làm vượt quy định.
“Có những nơi tôi thấy đã phạt nhưng vẫn để cho người dân tiếp tục xây. Chúng ta phải cương quyết quản lý trật tự đô thị cho đúng quy hoạch để thành phố chỉnh trang, nghiêm túc, an toàn trong quản lý quy hoạch”, ông Trường nhấn mạnh về tình trạng quản lý tại địa phương trong thời gian qua.
Xử lý nặng để răn đe
Thông tin với báo chí vụ "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản, ông Bùi Tứ Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) thừa nhận, đây là công trình lớn, cần có thời gian xin ý kiến để xử lý. “Hiện, vụ vụ việc đang báo cáo các ngành chức năng xin phương án cưỡng chế, tháo dỡ. Đồng thời, sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan dẫn đến sai phạm trên”, ông Hải cho biết.
Nhà hàng Sân Bay sang trọng "bậc nhất Tây Đô" đang được chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ.
Nói riêng về sai phạm công trình xây dựng trái phép ở Cà Mau với báo chí, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng - Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng, công trình này đã xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản (đất không được phép xây dựng nhưng cố tình xây dựng) và đã bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị cưỡng chế, tháo dỡ.
Đối chiếu với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP, thì những trường hợp xây dựng trái phép này không thuộc những trường hợp không buộc tháo dỡ. Do đó, căn cứ vào Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc bắt buộc phải tháo dỡ những công trình này là lẽ đương nhiên.
Hiện có rất nhiều quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng bên cạnh Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ...
Ngoài ra, luật sư Thăng cũng nhấn mạnh, nếu chủ nhân của “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” cố tình xây dựng trái phép thì cương quyết cưỡng chế, phạt thật nặng hoặc xử lý hình sự. Nội dung này được quy định rõ tại Điều 343 BLHS 2015 quy định về "Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở" với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đồng quan điểm trên, luật sư Lê Hùng Tuấn - Văn phòng Luật sư Vinh Phú chi nhánh An Giang (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) chia sẻ thêm với Doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ công trình ở Cà Mau, đối với dự án Khang Thị xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở TP Vĩnh Long cần xử lý thật mạnh chủ đầu tư và làm rõ vai trò của địa phương trong việc quản lý lỏng lẻo.
Khi để xảy ra sai phạm như đã nêu trên thì không thể nào nói rằng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hay biết. Hiện nay, việc trước mắt là xử lý dứt điểm công trình sai phạm này rồi đến việc làm rõ trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý đã để xảy ra sai phạm. Từ đó, có hướng xử lý phù hợp nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn kịp thời những sai phạm lớn tiếp theo.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách để chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Đáng chú ý là việc giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành kiểm tra, rà soát, xác định vi phạm pháp luật đất đai, tránh tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo