Góc nhìn

Người dân "lo xa", dự án điện gió "đứng hình"

DNVN - Cho rằng cánh quạt gió chiếm khoảng không trên phần đất canh tác, sau khi vận hành sẽ gây thiệt hại hoa màu, đe dọa tính mạng nếu có xảy ra sự cố. Hàng chục hộ dân tập trung gây cản trở, yêu cầu chủ đầu tư Dự án điện gió Thanh Phong (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) phải dự báo thiệt hại để bồi thường trước mới cho thi công.

Bạc Liêu đã giải quyết thủ tục cho đoàn công tác dự án điện gió / Khi các nhân viên chở thiết bị điện gió mắc COVID-19 "tung hoành": Cty Trung Nam Group phải liên đới trách nhiệm!?

Yêu cầu chủ đầu tư phải dự báo thiệt hại

Dự án nhà máy điện gió Thanh Phong (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) do Công ty cổ phần năng lượng Ecowin làm chủ đầu tư. Trong quá trình xây dựng các trụ tuabin có ảnh hưởng một phần nhà cửa, hoa màu của các hộ dân. Mặc dù đã được hỗ trợ, nhưng hàng chục hộ dân tiếp tục gây cản trở thi công vì cho rằng cánh quạt gió chiếm khoảng không trên phần đất canh tác. Sau khi vận hành, cánh quạt này sẽ gây thiệt hại hoa màu, đe doạ tính mạng nếu có xảy ra sự cố. Họ yêu cầu chủ đầu tư phải dự báo thiệt hại để bồi thường trước mới cho thi công.

người dân nơi đây cho rằng, quá trình hoạt động, cánh quạt sẽ tạo ra tiếng ồn, sương muối ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng thuỷ sản, hoa màu cũng như việc canh tác dưới cánh quạt có thể đe dọa đến tính mạng nếu có xảy ra sự cố. Điển hình mới đây nhất, có trường hợp 2 cánh quạt gió ở Sóc Trăng vừa mới “rụng”.

Người dân nơi đây cho rằng, quá trình hoạt động, cánh quạt điện gió sẽ tạo ra tiếng ồn, sương muối ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng thuỷ sản, hoa màu.

Cánh quạt gió Sóc Trăng "rụng", người dân Bến Tre "rầu"

Trao đổi với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, bà Tô Thị Nước (sinh năm 1958, thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) cho biết, gia đình có 4ha đất để nuôi tôm, trồng sắn, hoa màu. Để thi công, Dự án điện gió Thanh Phong mua đất của bà Yến, đồng thời thuê luôn phần đất của ông Trình cạnh đất gia đình bà, rồi sau đó tổ chức thi công các trụ tuabin.

Quá trình thi công có bơm nước biển vào làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng củ sắn, hoa màu, thiệt hại ước tính khoảng 250 triệu đồng. Sau đó, gia đình có làm đơn gửi cho xã phản ánh về đất bị nhiễm mặn. Xã có đưa đoàn đến lấy mẫu xét nghiệm và trả lời không có ảnh hưởng, thiệt hại. “Do chưa được trả lời thỏa đáng nên gia đình tôi và bà con mới kéo ra trụ tuabin ngồi để hy vọng được đền bù. Sau đó, đại diện chủ đầu tư có tổ chức đối thoại và hỗ trợ cho 8 hộ dân với số tiền 200 triệu đồng. Đến nay phần ảnh hưởng nhà cửa, hoa màu thì đã giải quyết xong, nhưng chúng tôi lo lắng phần cánh quạt dài 76m, bởi nó nằm trên khoảng không của phần đất chưa được thu hồi”. Bà Nước lo lắng.

Cùng lo lắng như bà Nước, bà Trần Thị Cẩm Tú (sinh năm 1985) cho biết thêm, gia đình bà được 5.100m2 đất trồng dưa, sắn, đậu phộng… Trừ lãi 1 năm 3 vụ thu nhập 100 triệu đồng. Hiện gia đình bà có 4 người sống trên mảnh đất này. Phần đất dính thu hồi là 488m2, được bồi thường 167 triệu đồng. Nhà cách trụ tuabin 155m nên phần đất còn lại sẽ nằm trọn dưới cánh quạt. Điều này khiến gia đình bà Tú "ăn không ngon, ngủ không yên".

Còn bà Võ Thị Nuôi (sinh năm 1961) có đất cách trụ tuabin hơn 100m cho biết, gia đình có 6 người sống chung, hiện có 4 công đất trồng rẫy. Bà Nuôi rất đồng tình với việc thu hút đầu tư và dự án điện gió để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiêu dự án xây dựng đã làm mất đi nguồn nước ngọt để phục vụ quá trình sản xuất và sinh hoạt. "Chúng tôi yêu cầu phải họp dân để thống nhất về mức bồi thường thiệt hại phần ảnh hưởng của việc lắp cánh quạt, rồi mới tiến hành thi công”. Bà Nuôi mong muốn.

Ngoài ra, người dân nơi đây cho rằng, quá trình hoạt động, cánh quạt sẽ tạo ra tiếng ồn, sương muối ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng thuỷ sản, hoa màu cũng như việc canh tác dưới cánh quạt có thể đe dọa đến tính mạng nếu có xảy ra sự cố. Điển hình mới đây nhất, có trường hợp 2 cánh quạt gió ở Sóc Trăng vừa mới “rụng”. Bên cạnh đó, họ đặt nghi vấn là dự án chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường và sử dụng đất rừng chưa đúng quy định.

Dân chưa "thông", chủ đầu tư cũng “rầu”

Trước đó, một số hộ dân không đồng ý với việc hỗ trợ của chủ đầu tư nên tự ý tập trung cản trở thi công, gây mất an ninh trật tự dẫn đến tiến độ thi công bị chậm trễ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho chủ đầu tư.

Theo báo cáo của huyện Thạnh Phú, vào lúc 8h ngày 15/7, thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ thi công trụ tuabin số 3 của dự án điện gió Thanh Phong, sau khi lực lượng bảo vệ triển khai kế hoạch thì có khoảng 50 người dân, đa số là phụ nữ (trong đó có 2 phụ nữ mang thai) ra cản trở không cho thi công.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 20/7, Công ty cổ phần năng lượng Ecowin khởi kiện bà Phan Thị Ngọc Giàu (ngụ ấp Thạnh Thới B) đến Toà án nhân dân huyện Thạnh Phú. Yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Giàu: “Chấm dứt hành vi vi phạm, hành vi cản trở thi công, xây dựng (do bà Giàu thực hiện hoặc/và lôi kéo người khác thực hiện) tại dự án”. Đồng thời bồi thường thiệt cho Công ty Ecowin số tiền hơn 5,9 tỷ đồng. Đây là tổng thiệt hại tạm tính do bị cản trở thi công tại trụ tuabin số 3, chậm thi công từ ngày 19- 26/6, trong đó bao gồm: Chi phí chậm trễ theo Hợp đồng tổng thầu; chi phí thuê máy đóng cọc; chi phí nhân công; thay thế mỏ neo.

Chủ đầu tư cũng tố cáo ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ địa phương) về hành vi gây rối trật tự công cộng, cản trở thi công gây đình trệ tiến độ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Cụ thể, tổng số tiền thiệt hại tạm tính tại trụ tuabin số 5, gián đoạn thi công từ 30- 31/8 là 820 triệu đồng. Trong đó bao gồm: Chi phí chậm trễ theo Hợp đồng tổng thầu; chi phí thuê máy đóng cọc; chi phí thuê nhân công.

Ông Lê Thiên Thịnh, Phó giám đốc Công ty Ecowin cho biết, dự án có công suất 29,7MW, bao gồm 9 trụ tuabin. Toàn bộ dự án có diện tích thu hồi là 6ha. Hình thức thu hồi là UBND tỉnh ra quyết thu hồi đất cũng như phương án hỗ trợ để giao đất cho chủ đầu tư

Ông Lê Thiên Thịnh- Phó giám đốc Công ty Ecowin cho biết, dự án có công suất 29,7MW, bao gồm 9 trụ tuabin.

Ông Lê Thiên Thịnh- Phó giám đốc Công ty Ecowin cho biết, dự án có công suất 29,7MW, bao gồm 9 trụ tuabin. Toàn bộ dự án có diện tích thu hồi là 6ha. Hình thức thu hồi là UBND tỉnh ra quyết thu hồi đất cũng như phương án hỗ trợ để giao đất cho chủ đầu tư. Với quy mô dự án là không thuộc diện đánh giá tác động môi trường. Dự án có sử dụng 830m2 đất rừng sản xuất. Do đó UBND huyện có yêu cầu lập kế hoạch bảo vệ môi trường, hiện doanh nghiệp đã thực hiện xong và đã được UBND huyện phê duyệt vào ngày 23/11.

“Theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình thi công cánh quạt cũng như hoạt động sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tài sản của người dân. Trong các lần đối thoại, công ty có cam kết là sẽ bồi thường nếu gây ảnh hưởng.

Việc người dân yêu cầu bồi thường khoảng không của cánh quạt thì công ty không có cơ sở để thực hiện, vì không có quy định. Ngoài ra, một số hộ dân yêu cầu bồi thường, hỗ trợ không có căn cứ, cơ sở rõ ràng. Còn việc thưa kiện người dân ra tòa là việc chủ đầu tư cũng như bản thân không mong muốn. Tuy nhiên việc bà Giàu và ông Tâm đã nhiều lần cản trở, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn tố giác đến các cơ quan chức năng nhưng họ vẫn tiếp diễn…". Ông Thịnh nói thêm.

Không cần đánh giá tác động môi trường?

Bà Nguyễn Thị Hoa- Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải cho biết, Dự án điện gió Thanh Phong ảnh hưởng đến diện tích canh tác của khoảng 80 hộ dân. Quá trình thi công dự án đã phát sinh nhiều ý kiến về nguồn nước, bị rung chấn khi đóng cọc ảnh hưởng đến nứt nhà, cánh quạt tạo ra sương muối… Tuy nhiên, việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của xã nên đã báo cáo về UBND huyện.

Về vấn đề này, mới đây, Sở Công Thương Bến Tre có văn bản về các ý kiến phản ánh của người dân. Xã có chuyển văn bản đến người dân, họ không thống nhất về nội dung của văn bản. Tuy nhiên người dân không đồng ý nội dung trả lời của Sở Công Thương nhưng lại không đưa ra được cơ sở nào để chứng minh bị thiệt hại.

Còn Ông Mai Văn Hùng- Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, ngày 19/11, Sở Công Thương ban hành Công văn số 2471 về việc có ý kiến đối với yêu cầu hỗ trợ của hộ dân khi lắp đặt, vận hành tuabin dự án nhà máy điện gió Thanh Phong như sau:

Về ảnh hưởng của nguồn nước, theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), khi đi vào vận hành, dự án điện gió không khai thác, sử dụng nước nên không có phát sinh nước thải xả ra môi trường đất, nước. Về ảnh hưởng đến các hoạt động canh tác, sản xuất thì theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến thời điểm hiện tại chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học nào công bố độ rung chẩn phát ra trong quá trình vận hành của tuabin điện gió có thiệt hại đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Về vấn đề tiếng ồn khi cánh quạt gió hoạt động: Độ ồn của tuabin gió phụ thuộc vào công nghệ, trạng thái làm việc của tuabin và tốc độ của gió. Theo quy định, tuabin gió hoạt động sẽ phải đảm bảo tiếng ồn phù hợp Quy chuẩn Quốc gia về tiếng ồn do Bộ TN&MT ban hành. Khi dự án Nhà máy điện gió Thanh Phong đi vào hoạt động, chủ dự án có trách nhiệm thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết theo Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện phê duyệt. Dự án thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ với tần suất tối thiểu 6 tháng/lần.

Về vấn đề an toàn điện: Các tua bin gió của Nhà máy điện gió Thanh Phong khi vận hành sẽ được nâng lên cấp điện áp 22 KV, máy nâng áp được bổ trí tại chân cột tháp gió. Toàn bộ tổ hợp đồng bộ của tua bin gió (bao gồm máy nâng áp) được rào chắn cách ly với khu dân cư và các thiết bị này được bảo vệ an toàn cách điện tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC).

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết thêm: “Theo quy định, dự án nhà máy điện gió Thanh Phong không thuộc đối tượng xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ thuộc đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND huyện phê duyệt. Chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch và UBND huyện phê duyệt vào ngày 23/11". Đồng thời, UBND huyện đang cùng các sở, nghành chức năng tập trung rà soát, đánh giá những vướng mắc của người dân nơi đây báo cáo UBND tỉnh để có hướng dẫn cụ thể.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm