Góc nhìn

Vụ doanh nghiệp Phước Hải “chiếm” đất xây nhà máy hoạt động suốt 13 năm: Tỉnh Trà Vinh sẽ xử lý trong quý II/2022?

DNVN - Để mở rộng quy mô nhà máy sản xuất nước đá, ông Nguyễn Hồng Nhẫn chủ DNTN Phước Hải tại thị trấn Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) ngang nhiên chiếm luôn phần đất mặt tiền của người hàng xóm để xây dựng. Bất chấp tòa án tuyên xử phải giao trả đất, ông Nhẫn vẫn không hợp tác với địa phương trong việc thi hành…

Vĩnh Long: 4 cán bộ nhà đất bị "tố" làm giấy tờ giả khiến hai cụ già bị mất 1.600m đất / Vĩnh Long (bài 2): Dự án được Nhà nước hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng, có dấu hiệu việc chính quyền bao che cho vi phạm pháp luật

Đất của gia đình có giấy tờ hợp pháp, thế nhưng ông Bùi Thiện Dân, ngụ khóm 2, thị trấn Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) bị người hàng xóm là ông Nguyễn Hồng Nhẫn ngang nhiên chiếm dụng khoảng 230m2 mặt tiền để xây nhà máy sản xuất nước đá nhằm mục đích kinh doanh từ nhiều năm nay. Do bị chiếm mất đất nên ông Dân đi kiện cũng như “gõ cửa” từng cơ quan chức năng suốt 13 năm nay nhưng vẫn chưa đòi được, mặc dù tòa án tuyên xử ông Nhẫn phải giao trả đất.

Phần đất 551 m2 (do nhà nước giao đất có thu tiền) có 2 mặt tiền bị ông Nhẫn ngang nhiên chiếm dụng tới 230m2 ở giữa để xây nhà máy nước đá, hoạt động kinh doanh suốt 13 năm nay nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Phần đất 551m2 (do nhà nước giao đất theo hình thức thu tiền) có 2 mặt tiền bị ông Nhẫn ngang nhiên chiếm dụng tới 230m2 ở giữa để xây nhà máy nước đá, doanh nghiệp này ngang nhiên hoạt động kinh doanh suốt 13 năm nay nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Chiếm đất hàng xóm, thách thức chính quyền

Theo ông Dân, vợ chồng ông làm nghề hàn tiện phục vụ hậu cần nghề cá ở xứ biển Định An từ nhiều năm qua. Năm 2002, nhà nước giải tỏa một số đất ở phía Đông kênh Xáng Định An để xây cảng cá và gia đình ông nằm trong diện giải tỏa. Đến năm 2005, ông được Nhà nước giao lại một miếng đất ngang 11,5 m, dài 48 m, tổng cộng 551m2 (theo hình thức giao đất có thu tiền) ở phía Tây kênh Xáng để ông tiếp tục làm nghề hàn tiện. Năm 2008, sau khi đóng tiền cơ sở hạ tầng cho Nhà nước xong, ông Dân được UBND huyện Trà Cú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp phần đất trên.

Chưa kịp di dời việc hàn tiện sang địa điểm mới, thì ông Dân tá hỏa khi phát hiện ngay đoạn giữa phần đất mình với khoảng 80m2 đã bị ông Nguyễn Hồng Nhẫn (hộ cạnh bên) ngang nhiên chiếm dụng xây nhà máy sản xuất nước đá. Ông Dân đòi đất thì bị ông Nhẫn chửi bới, nên phải trình báo chính quyền can thiệp. UBND thị trấn Định An cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Trà Cú xuống lập biên bản vi phạm của ông Nhẫn và yêu cầu tháo dỡ, thế nhưng ông Nhẫn vẫn tiếp tục xây nhà máy trên diện tích đất này.

Đáng nói hơn, trong lúc chờ các ngành chức năng giải quyết thì tháng 4/2009, ông Nhẫn lấn thêm 150m2 bên phần đất của ông Dân để mở rộng nhà máy nước đá “hoành tráng” hơn. Việc đất của gia đình mình có giấy tờ hợp pháp nhưng bị ông Nhẫn ngang nhiên chiếm dụng tới 230m2 để xây nhà máy nước đá nhằm mục đích kinh doanh, ông Dân đã làm đơn khởi kiện.

Qua 2 lần xét xử (sơ thẩm vào ngày 22/10/2009, phúc thẩm 26/1/2010) các cấp Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh đều tuyên buộc ông Nhẫn phải tháo dỡ toàn bộ phần nhà máy nước đá xây dựng trên đất ông Dân 230m2 để trả lại đúng hiện trạng ban đầu. “Việc ông Nhẫn cố tình xây nhà máy nước đá trên phần đất của ông Dân là vi phạm pháp luật về đất đai, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dân”, Hội đồng xét xử nhận định.

Sau bản án, gia đình ông Dân mong chờ nhận lại phần đất bị chiếm dụng, song tất cả đều rơi vào tuyệt vọng bởi ông Nhẫn nhất quyết không chịu trả, còn cơ quan pháp luật thì dè dặt việc cưỡng chế bởi nhiều lý do khác nhau.

“Sự việc trở nên bất ngờ khi đầu năm 2013, Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao ra quyết định Giám đốc thẩm, hủy bỏ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh và bản án sơ thẩm của TAND huyện Trà Cú với lý do khi giải quyết vụ việc thì tòa án không đưa bà Tăng Thị Hồng Nghiệp (vợ ông Nhẫn, đồng thời là người đứng tên đăng ký DNTN Phước Hải, chủ nhà máy nước đá) tham gia tố tụng. Do đó, chưa thể buộc ông Nhẫn tháo dỡ nhà máy được. Vì vậy, Tòa Tối cao giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Trà Cú xét xử sơ thẩm lại…”, ông Dân nói.

Sau đó, ông Dân lại tiếp tục “gõ cửa” rất nhiều cơ quan thẩm quyền ở huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh nhờ can thiệp đất bị chiếm dụng. Suốt gần 4 năm dài chờ các cơ quan chức năng “nghiên cứu” thì vào tháng 8/2016, ông Nhẫn tiếp tục lấn chiếm thêm đất của ông Dân để xây dựng hầm nước đá. Ông Dân làm đơn báo chính quyền và UBND thị trấn Định An đã lập biên bản đình chỉ xây dựng nhưng ông Nhẫn vẫn “vô tư” mở rộng nhà máy trên đất người khác.

Theo tìm hiểu, ông Nhẫn lâu nay “vô cùng” ngang ngược, không hợp tác với địa phương, không xem chính quyền ra gì. Chính vì thế mà nhiều người dân ở huyện Trà Cú đặt vấn đề, không biết do đâu khiến ông Nhẫn xem thường pháp luật, ngang nhiên chiếm đất người khác, nhưng vẫn ung dung làm giàu mà không ai dám “đụng” tới?

Giở thủ đoạn kéo dài thời gian

Từ năm 2016, qua trao đổi với báo chí, ông Trịnh Hoài Phong - Chánh Thanh tra huyện Trà Cú cho biết: Phần đất 551m2 của ông Dân sử dụng là hợp pháp và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Riêng phần đất của ông Nhẫn (cạnh đất của ông Dân) đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận do ông này chưa đóng tiền cho Nhà nước nhưng vẫn tự ý xây nhà máy nước đá.

Huyện đã nhiều lần kiểm tra và khẳng định hành vi lấn chiếm đất của ông Nhẫn là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn chưa xử lý được… Cũng theo ông Phong, sau khi Tòa Dân sự - TAND Tối cao yêu cầu xử lại vụ án trên, thì các cơ quan chức năng của huyện Trà Cú đã bổ sung đầy đủ hồ sơ để chuyển cho TAND huyện. Song, không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa xử lại được.

Theo TAND huyện Trà Cú, đã nhiều lần TAND huyện dự định đưa ra xử lại sơ thẩm thì phát sinh thêm tình tiết mới. Điển hình như, ông Nhẫn yêu cầu kiểm tra quy trình cấp giấy của cho ông Dân; rồi mới đây là ông Nhẫn tự ý xây thêm hầm nước đá trên đất ông Dân… Cứ mỗi lần như vậy thì ngành chức năng phải xác minh lại, nên mất nhiều thời gian (?).

Trong khi đó, UBND thị trấn Định An nhận định: Việc ông Nhẫn chiếm đất ông Dân là có chủ ý từ trước và có kế hoạch đối phó với cơ quan chức năng. Mục đích là kéo dài thời gian để được lợi trong việc kinh doanh, trong khi ông Dân là người chịu thiệt vì đất bị chiếm dụng và không thể di dời nghề hàn tiện về chỗ mới. Hiện ông Dân phải thuê đất nơi khác để chứa dụng cụ làm nghề.

Vụ chiếm đất được kiện ra tòa và qua nhiều lần xét xử, các cấp tòa đều tuyên buộc ông Nhẫn trả lại đất cho ông Dân. Tại lần xét xử phúc thẩm gần đây, vào ngày 29/3/2018, TAND tỉnh Trà Vinh buộc hộ ông Nguyễn Hồng Nhẫn cùng các thành viên trong gia đình phải tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà xưởng sản xuất nước đá để trả lại 230m2 chiếm dụng cho ông Bùi Thiện Dân; đồng thời buộc hộ ông Nhẫn bồi thường thiệt hại cho hộ ông Dân hơn 128 triệu đồng (bởi ông Nhẫn chiếm dụng 230m2 đất của ông Dân trong 10 năm qua).

Mặc dù bản án phúc thẩm lần này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, thế nhưng đến nay hơn 5 năm ông Dân vẫn không thể nhận lại đất của mình bị chiếm dụng đã 13 năm và tạo “điều kiện” cho ông Nhẫn tiếp tục kinh doanh thu lời trên đất của người khác.

Ông Dân bên khu vực nhà máy nước đá xây dựng trái phép trên chính phần đất do nhà nước giao có chủ quyền hợp pháp nhưng bị "chiếm" suốt 13 năm nay.

Ông Dân bên khu vực nhà máy nước đá xây dựng trái phép trên chính phần đất có chủ quyền hợp pháp của mình nhưng bị "chiếm" suốt 13 năm nay.

Bức xúc trước việc chậm trễ thi hành án của huyện Trà Cú, ông Dân liên tục gửi đơn cầu cứu. Cứ mỗi lần như thế thì UBND huyện Trà Cú và Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Trà Cú… gửi những thông báo với các nội dung như: mời hộ ông Dân và ông Nhẫn đến thỏa thuận việc thi hành án, đối thoại để thi hành án, hoặc thông báo chuẩn bị cưỡng chế, rồi khảo sát tài sản chuẩn bị cưỡng chế, hay thông báo khảo sát tài sản chuẩn bị cưỡng chế thi hành án lần 2… Thông báo là vậy, tuy nhiên, việc thi hành án tiếp tục “án binh bất động”.

Thời điểm cuối tháng 10/2018, ông Lê Hồng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, Trưởng ban chỉ đạo Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trà Cú cùng các ngành liên quan ở huyện, tổ chức buổi đối thoại vụ việc trên. Một trong những phương án giải quyết được huyện Trà Cú đưa ra là động viên ông Dân chuyển nhượng phần đất trên cho ông Nhẫn nhằm khỏi thi hành án.

Dù không muốn bán, nhưng do quá mệt mỏi trong việc đi đòi đất đã 10 năm, nên gia đình ông Dân chấp nhận sang bán theo giá thị trường toàn bộ khu đất hơn 550 m2 với giá 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nhẫn “bẻ kèo” là chỉ mua 230 m2 mà ông chiếm dụng xây nhà máy nước đá, chứ không mua hết.

Cưỡng chế doanh nghiệp chiếm đất trong quý 2/2022

Liên quan đến việc này, PV Doanh nghiệp Việt Namđã làm việc với Cục THADS tỉnh Trà Vinh về vấn đề chậm thi hành án, trong khi bản án đã có hiệu lực từ năm 2018. Ông Nguyễn Minh Khiêm - Phó Cục trưởng, Cục THADS tỉnh Trà Vinh thông tin: Đây là vụ đầu tiên có tính chất phức tạp trên địa bàn tỉnh, vụ việc này kéo dài nên lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Nội chính đều quan tâm chỉ đạo sớm giải quyết.

Tuy nhiên, do tính chất vụ việc khá phức tạp bởi khi triển khai cưỡng chế buộc tháo dỡ, di dời nhà máy nước đá của ông Nhẫn xây dựng trên phần đất ông Dân có liên quan tới khí gas nên phải xây dựng phương án giám sát di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, môi trường, tránh xảy ra cháy nổ… nên phải thuê đơn vị chuyên môn đủ năng lực để cắt một phần nhà máy nước đá, di dời khối lượng lớn vật dụng đi nơi khác.

Ngoài ra, việc di dời cần có xe tải lớn để chuyên chở, trong khi trước đây, hệ thống cầu có tải trọng nhỏ không đảm bảo cho xe lớn lưu thông… Bên cạnh còn có lý do khách quan khác như tình hình dịch COVID-19 trong thời gian qua, khiến việc cưỡng chế bị chậm.

Ông Khiêm cho biết thêm: Vụ này gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, mọi việc cơ bản đã ổn. Hiện Cục THADS tỉnh Trà Vinh phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh và huyện Trà Cú kiểm tra lại toàn bộ quy trình cưỡng chế; thống nhất lần cuối với đơn vị xử lý khí gas; phương án tháo dỡ nhà máy nước đá (phần lấn chiếm trên đất ông Dân); phương án di dời vật dụng khi tháo dỡ… đều được chuẩn bị. Phía huyện Trà Cú cũng đã thành lập đoàn cưỡng chế với đầy đủ ngành chức năng tham gia, đảm bảo đúng quy định.

“Vụ ông Nhẫn chiếm đất của ông Dân chính quyền địa phương đã vận động, thuyết phục ông Nhẫn tự tháo dỡ rất nhiều lần nhưng ông này không chấp hành. Do đó, ngành chức năng cương quyết xử lý đến nơi đến chốn, mà kế hoạch đề ra là cưỡng chế tháo dỡ nhà máy lấn chiếm chậm nhất trong quý 2/2022. Mỗi năm, toàn tỉnh thực hiện khoảng 20.000 vụ THADS khác nhau (đứng thứ 4 so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) nên không thể để một vụ việc như của ông Bùi Thiện Dân bị chiếm dụng đất đã hơn 13 năm nay mà không thi hành được. Dù khó đến mấy thì lần này, ngành chức năng cũng phải thi hành xong, trả lại công bằng cho gia đình ông Dân”, ông Khiêm nói.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm