Báo Mỹ: Trung Quốc đang bị "bao vây" bởi các quân đội hiện đại
WSJ cho rằng, việc các nước láng giềng Trung Quốc tăng cường quân sự là một dấu hiệu cho thấy nhiều nước châu Á đang chuẩn bị dài hơi để đối phó với nguy cơ phải đối đầu với Bắc Kinh bất chấp việc Bắc Kinh đang dùng các biện pháp ngoại giao và kinh tế nhằm trấn an những nước này.
Từ cuối năm 2014, Trung Quốc có một sự chuyển biến lớn trong phương thức ngoại giao. Điều này bao gồm cuộc gặp mặt chính thức đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kể từ khi cả hai cùng lên nắm quyền hồi năm 2012.
Trung Quốc cũng cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào các cảng và cơ sở hạ tầng trong khu vực, hứa hẹn đem lại lợi ích tiềm năng lớn cho các nước láng giềng.
Động thái trên của Trung Quốc khiến nhiều nước không khỏi bất ngờ bởi chỉ vài tháng trước đó Trung Quốc vẫn ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vài tháng sau đó, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ cũng có nhiều tuần căng thẳng ở khu vực biên giới đang tranh chấp giữa hai nước.
Mặc dù nhiều quốc gia châu Á đang tham gia vào các dự án và nhận nhiều viện trợ khác từ Trung Quốc, nhưng những gốc rễ căng thẳng tiềm ẩn vẫn không thể mất đi.
Gần đây, Việt Nam đã đón nhận chiếc thứ 3 trong số 6 chiếc tàu ngầm đặt mua từ Nga, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD. Đây được cho là một bước ngoặt lớn đối với Việt Nam vì trước đây quân đội Việt Nam chưa từng có tàu ngầm. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt hàng 6 tàu khu trục của Nga và tăng kích thước của hạm đội chiến đấu cơ Sukhoi lên 36 chiếc.
Philippines đặt hàng hơn 10 chiến đấu cơ Hàn Quốc trị giá 410 triệu USD và dành 1,8 tỷ USD để mua các thiết bị mới trong vòng 2 nằm tới, bao gồm nhiều tàu khu trục hải quân.
Malaysia đang bổ sung nhiều chiến đấu cơ mới và gần đây đã nhận 2 chiếc tàu ngầm đầu tiên từ Pháp với giá khoảng 2,2 tỷ USD.
Indonesia có kế hoạch triển khai những tàu ngầm mới mua từ Hàn Quốc và trực thăng Apache của Mỹ gần những quần đảo mà họ lo sợ rằng dễ bị Trung Quốc xâm lấn.
Theo WSJ, các quốc gia nhỏ không cho rằng có thể trở thành một thách thức lớn đối với quân đội Trung Quốc, nhưng họ muốn Trung Quốc phải suy nghĩ thật kĩ trước khi muốn có hành động hung hăng nào đó.
Một quan chức quốc phòng Philippines cho hay: "Ít nhất chúng ta phải làm giảm khả năng hành động mà không sợ bị trừng phạt của Trung Quốc".
Nhiều chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc quân đội các nước láng giềng trở nên mạnh hơn có thể buộc Bắc Kinh phải thay đổi những tính toán chiến lược và khiến Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán hơn. Ông Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila cho biết: "Trung Quốc sẽ không thoải mái gì khi xung quanh là các lực lượng quân đội ngày càng hiện đại. Trung Quốc đang buộc phải đối mặt với những rủi ro leo thang căng thẳng và chống cự lớn hơn từ các nước láng giềng”.
Trong khi đó, các quốc gia khác có quân đội mạnh mẽ hơn như Ấn Độ và Nhật Bản muốn Trung Quốc phải coi họ là những đối thủ ngang ngửa về quân sự.
Ấn Độ đang xây dựng một đội quân mới để triển khai dọc biên giới Himalaya. Hồi tháng 1/2015, nước này đã lần đầu tiên thử thành công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni V, tầm bắn 5000 km, từ một bệ phóng di động. Đây là loại tên lửa có khả năng vươn tới hầu hết các mục tiêu tại Trung Quốc.
Tokyo cũng đang thành lập đơn vị đổ bộ đầu tiên để bảo vệ các quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và cũng vừa bổ sung thêm 42 chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning II. Nhật Bản cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% trong năm tài chính bắt đầu từ ngày 01/4/2015.
Mỹ khuyến khích các đồng minh ở châu Á tăng cường quân sự. Hồi tháng 1/2015, Tổng thống Barack Obama đã tham dự một lễ diễu binh ở New Delhi. Trong lễ diễu binh này, Ấn Độ đã cho trình diễn máy bay chống tàu ngầm Boeing Co. P-8I và máy bay vận tải Lockheed Martin C-130J, loại thiết bị có thể chuyển quân và thiết bị tới biên giới Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc cho rằng hiện đại hóa quân sự là bình thường nhưng nước này lại chỉ trích Nhật Bản đã nới lỏng những hạn chế đối với Lực lượng Phòng vệ và rằng Tokyo đang tạo ra các mối đe dọa đối với Bắc Kinh. Năm 2013, sau khi Tokyo ra mắt tàu sân bay trực thăng thứ hai, Bắc Kinh cho biết họ lo ngại về việc Nhật Bản liên tục tăng cường các thiết bị quân sự.
Theo SIPRI, một viện an ninh tại Thụy Điển, năm 2013, Bắc Kinh đang chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn gấp 5 lần so với 10 quốc gia Đông Nam Á cộng lại với nhiều thiết bị quân sự hiện đại như máy bay tàng hình, tàu sân bay. Trong hai thập kỉ qua, mỗi năm ngân sách quân sự của Bắc Kinh đều tăng khoảng 10%.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển