Bất động sản

'Giá bất động sản sẽ tăng rất mạnh nếu vẫn thiếu cung 2-3 năm tới'

Cần phải phát triển các mô hình bất động sản du lịch đa công năng thu hút lượng khách du lịch trải nghiệm, dài ngày tiềm năng đến từ châu Âu, châu Mỹ. Đây là xu thế mới trong phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới.

Bất động sản các tỉnh - cơ hội song hành cùng rủi ro / Thị trường bất động sản 2020: Phân khúc nào hút khách?

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã có cuộc trao đổi với TheLEADER về xu hướng phát triển của bất động sản du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Ông có đánh giá như thế nào về tiềm năng của bất động sản du lịch Việt Nam?

GS. Đặng Hùng Võ: Thực tế thời gian qua lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Trung bình mỗi năm, có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước; bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Du lịch "thăng hoa" sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, dù tăng trưởng nhanh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn xếp sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày nhưng ở Singapore là 330 USD/ngày, ở Thái Lan là 115 USD/ngày.

Mặt khác, so với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế. Nguồn cung bất động sản du lịch của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.

Không thể phủ nhận, tiềm năng du lịch Việt Nam là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.

Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển thị trường động sản du lịch Việt Nam có thể thấy có rất nhiều dự án “lớn”, nhưng so với thế giới vẫn chưa là gì. Giai đoạn vừa rồi ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhưng tôi cho rằng mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa.

Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm 2019 đang đi xuống, bị thu hẹp lại ở mức độ nhất định. Nhiều dự án loại bỏ, nhiều nhà đầu tư thứ cấp không muốn bỏ tiền đầu tư vàocondotel, chỉ còn hình thức những nhà dãy phố, nhà liền kề vẫn còn phát triển tương đối tốt. Có thể nói mức độ phát triển thì vẫn còn nhưng thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2 năm trước.

GS. Đặng Hùng Võ

Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng tăng trưởng thấp như ông vừa nêu?

GS. Đặng Hùng Võ: Pháp lý là nguyên nhân chính. Hiện nay chúng ta chưa có định hình khung pháp luật về đất đai cũng như là bất động sản về hình thức du lịch nghỉ dưỡng. Vẫn còn lấn cấn giữa nhà ở và bất động sản du lịch phân biệt như thế nào.

Thị trườngbất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thời gian qua có sự “tắc nghẽn” nhất định. Sự “tắc nghẽn” này do khung pháp luật về bất động sản du lịch chưa đáp ứng được, các cán bộ có thẩm quyền phê duyệt dự án lâm vào tình cảnh e ngại, do chưa có quy định cụ thể dẫn đến số lượng các dự án ít đi, và các doanh nghiệp không dám đầu tư vào, hoặc chững lại.

Rồi đến loại hình bất động sản đa công năng có nghĩa là dùng làm căn nhà nghỉ thứ hai của một người, nó có thể dùng cho thuê lưu trú, cho thuê dài hạn, có thể cho thuê làm văn phòng, cho thuê làm văn phòng của một công ty. Những loại bất động sản đa công năng như vậy trên nền tảng của kinh tế chia sẻ thì lại chưa được định hình ở Việt Nam. Nó mở ra cơ hội nhưng cơ hội lại đang khép lại nếu chúng ta không có xử lý tốt về mặt quản lý Nhà nước.

Vậy theo ông cần có giải pháp gì?

GS. Đặng Hùng Võ: Để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, chúng ta phải khắc phục được những điểm yếu này, đó cũng là cơ hội để các mô hình bất động sản du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế của chúng, bởi đây chính là xu thế mới trong phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

 

Chúng ta mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của các khách du lịch ngắn ngày từ Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng những khách này chỉ mang tính chất tham quan. Còn một nguồn khách tiềm năng hơn từ Âu Mỹ, họ có cả tháng để đi nghỉ du lịch. Hiện nay xu hướng của họ là trải nghiệm về đời sống người dân bản địa, trải nghiệm mạo hiểm, chữa bệnh,... nhưng chúng ta chưa mạnh lĩnh vực này.

Để phát triển du lịch trải nghiệm, cần phát triển các tổ hợp bất động sản du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, thậm chí khu casino, sân golf... Chúng ta rất cần phát triển những loại hình đó, bởi có nhiều nguồn khách tiềm năng muốn trải nghiệm theo cách đó.

Ta cũng bắt đầu có những tư duy nhất định về những tổ hợp đó ở mức độ này, mức độ kia nhưng đã có những tổ hợp cực lớn chưa thì chắc chắn là chưa. Đấy là một hình thức mới. Tôi cho rằng nếu đi được theo hướng đó với khung pháp lý hiện đại chúng ta có thể có cơ hội để phát triển một thị trường du lịch mạnh.

Xu hướng bất động sản du lịch năm tới sẽ ra sao, thưa ông?

GS. Đặng Hùng Võ: Hiện nay thị trường bất động sản đang ở trong trạng thái khá bấp bênh - mà chỉ vì lý do là khung pháp lý chưa đủ cho nó phát triển. Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một báo cáo chỉ ra vài chục điểm xung đột pháp luật về bất động sản. Rồi Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cũng có báo cáo rất là rõ ràng. Và nó dẫn đến một cái thực tế là số lượng dự án được ký trong cuối 2018 và suốt cả năm 2019 là rất thấp. Kể cả nơi mà được gọi là thị trường bất động sản lớn như Hà Nội, TP. HCM thì đều rất ít dự án.

 

Cái hệ lụy ngay lập tức có thể nhìn thấy được trong khoảng 2 đến 3 năm nữa không có cung thì giá bất động sản sẽ tăng lên rất rất nhiều lần so với hiện nay. Bởi vì cung hiếm thì giá chắc chắn sẽ tăng, đó là quy luật tất yếu.

Làm gì để đẩy cung trong lúc này là rất quan trọng. Bởi nếu cứ dừng lại chuyện nghiên cứu để sao cho có một hệ thống pháp luật tốt. Thật sự mà nói, chúng ta phải nghiên cứu nhanh lên chứ nghiên cứu thế này thì quá chậm và nó sẽ gây hệ lụy là tăng giá bất động sản, thậm chí là tăng rất cao trong thời gian tới.

Xin cám ơn ông!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm