Bất động sản

Doanh nghiệp Việt được lợi gì khi đầu tư bất động sản ra nước ngoài?

Đầu tư ra nước ngoài mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản của Việt Nam, đặc biệt giúp doanh nghiệp Việt đa dạng hóa danh mục đầu tư, tăng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế để mở rộng mạng lưới khách hàng, tìm kiếm tiềm năng đầu tư mới.

Đầu tư bất động sản ở nước ngoài tiềm tàng nhiều rủi ro / Thị trường khổ vì corona, doanh nghiệp bất động sản cũng cần "giải cứu"?

Giữa năm 2019, Bộ KH&ĐT đã lấy ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Nguyên nhân là do lo ngại dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.

Xây dựng hình ảnh cho Việt Nam

Nhận định về xu hướng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp BĐS trong nước đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội và đầu tư dự án tại nhiều thị trường thế giới.

Việc mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường nước ngoài có rất nhiều lợi ích: tỷ suất lợi nhuận tương đối ổn định tại các nước phát triển, thời gian triển khai dự án nhanh chóng, chất lượng dự án cao, tiến độ thanh toán tiền được kéo dài với tỷ trọng thanh toán thấp giai đoạn đầu, lãi suất thấp...

Đặc biệt, đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp BĐS trong nước đa dạng hóa danh mục đầu tư, tăng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế để mở rộng mạng lưới khách hàng, tìm kiếm tiềm năng đầu tư mới.

“Việc đầu tư ra nước ngoài có thể sẽ không đạt được tỷ suất lợi nhuận cao như trong nước, nhưng tại thị trường các nước phát triển có thể đảm bảo mức lợi nhuận thu về ổn định. Các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài hiện nay đa phần đềucó thành tựu nhất định, đảm bảo nguồn vốn ổn định tại nước ngoài vừa giúp quản lý tốt danh mục đầu tư, tạo niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế, đồng thời đẩy mạnh việc quảng cáo Việt Nam trên bản đồ đầu tư thế giới”, bà Minh nhấn mạnh.

Trước đó, trao đổi với báo Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CenGroup, cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS là con đường chính ngạch, nên có thể quản lý dòng tiền tốt hơn.

Lấy ví dụ về đầu tư BĐS ở nước ngoài, ông Hưng cho biết năm 2017, có số liệu thống kê từ phía Mỹ, người Việt mua nhà ở Mỹ lên đến 3 tỷ USD. Riêng năm 2018, thống kê có khoảng 1,5 tỷ USD tiền của người Việt mua BĐS tại Úc.

Điều đó cho thấy, việc đầu tư ra nước ngoài theo con đường chính ngạch sẽ kiểm soát được dòng tiền và Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều trong con mắt các doanh nghiệp nước ngoài về cơ chế minh bạch. Đây cũng là cơ sở để thu hút thêm dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Nếu cứ muốn nước ngoài đầu tư vào nước mình, nhưng nước mình lại không muốn cởi mở đầu tư ra nước ngoài thì rõ ràng là không bình đẳng trong cuộc chơi của toàn cầu”, ông Hưng nói.

Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đầu tư BĐS ở nước ngoài chưa nhiều nhưng đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Việt Nam (Ảnh: Interntet)
Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đầu tư BĐS ở nước ngoài chưa nhiều nhưng đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh của Việt Nam (Ảnh: Interntet)

Nắm cơ hội, lường rủi ro

Trên khía cạnh vĩ mô, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho hay, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang theo đuổi các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm vừa qua, một số khác lại bắt đầu có xu hướng tìm kiếm các đối tác là người Việt Nam cho các hoạt động đầu tư của họ ở các nơi khác.

Theo ông Neil MacGregor, con số này ở thời điểm hiện tại tuy chưa đáng kể, nhưng có nhiều hướng tiếp cận mới với nhiều loại hình dự án khác nhau, từ lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, văn phòng, nhà ở, đến giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ông Neil MacGregor cũng cho rằng việc đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm tàng các rủi ro. Đó là khác biệt về văn hóa và hệ thống pháp luật.

 

Bởi đầu tư vào các thị trường mới nổi trong khu vực, rủi ro về hệ thống pháp luật và xu hướng thị trường sẽ dễ dẫn đến thất bại nếu nhà đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn chắc và dài hạn, phương án đầu ra cho dự án đầu tư. Còn đối với thị trường phát triển hơn, khó khăn lớn nhất nằm ở việc cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước sở tại.

Để quá trình đầu tư, kinh doanh có thể thu lại những thành công, bà Hoàng Nguyệt Minh đã đưa ra 3 lời khuyên chính cho các nhà đầu tư.

Thứ nhất, nghiên cứu thị trường kỹ. Cần nắm rõ thông lệ giao dịch của thị trường, thị hiếu của người dân, xu hướng thị trường ra sao, nguồn cung trong tương lai lớn hay nhỏ, các dự án cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến dự án để đảm bảo các giả định về tính khả thi cho dự án được sát sườn và hiệu quả nhất.

Thứ hai, tìm hiểu rõ quy trình và cách thức đầu tư tại nước tham gia đầu tư. Luôn luôn phải có cố vấn luật tại nước tham gia đầu tư đi kèm để đảm bảo không vướng phải rủi ro pháp lý không cần thiết. Thẩm định chắc pháp lý của dự án là điều tối cấp thiết đối với tất cả các nhà đầu tư cho bất kỳ dự án nào.

Thứ ba, kiểm soát tốt nguồn vốn trong trung và dài hạn để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng tiến độ mở bán.

 

Ông Phạm Thanh Hưng cũng rất lạc quan khẳng định, trên toàn cầu hiệncó 4,5 triệu kiều bào, nên việc đầu tư ra nước ngoài, khách hàng không những là người sở tại mà còn là những kiều bào đang sinh sống ở đó. Đây là lượng khách không nhỏ góp phần vào việc đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS đạt hiệu quả.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm