Bất động sản

Ba xu hướng của bất động sản năm 2021

Với những khó khăn, thăng trầm của năm 2020, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ lựa chọn hướng phát triển như thế nào để thích nghi với các điều kiện khách quan và chủ quan tác động.

Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng / Lợi dụng kẽ hở quy chế đấu giá, 'cò' thông đồng nâng giá đất

Xu hướng BĐS dịch chuyển ven đô và khu đô thị xanh đang được nhiều chủ đầu tư quan tâm

Xu hướng BĐS dịch chuyển ven đô và khu đô thị xanh đang được nhiều chủ đầu tư quan tâm.

Thị trường bất động sản đã đi hết năm 2020 với nhiều nốt thăng trầm, có sự phân hoá nhất định. Về cơ bản thị trường ít nhiều khó khăn, nhưng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đang có sự phục hồi.

Trầm lắng, giá nhà cao và phục hồi

Lý giải về điều này, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS có 3 cụm từ: trầm lắng, giá nhà cao và khởi sắc.

Thứ nhất, về sự trầm lắng. Bức tranh thị trường bao phủ bởi một gam màu xám, dịch Covid-19 như một cú bồi mạnh vào những khó khăn, tắc nghẽn vốn đang tiềm ẩn trong nội tại thị trường từ năm 2019. Biểu hiện của việc này là tổng dư nợ toàn ngành quý I/2020 so với cuối năm 2019 tăng 160,1 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên dư nợ BĐS chỉ tăng 4,596 nghìn tỷ đồng.

 

Nhiều số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp BĐS giải thể nhiều, đặc biệt có đến hàng ngàn sàn giao dịch tạm dừng giao dịch hoặc đóng cửa.

Thứ hai, về giá nhà cao và hiện chưa có xu hướng giảm. Thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam và một số công ty nghiên cứu BĐS như CBRE, Savills, DKRA, JLL… trên cả nước, giá BĐS tăng cao, ở các địa phương tăng trung bình 2-7%, tại Hà Nội tăng 3-5%, nhưng đặc biệt tại TP. HCM tăng 10-15% (tuỳ khu vực).

Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, quý III/2020, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020. Tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong cả năm 2020.

Thứ ba, về sự phục hồi. Cuối quý III và quý IV/2020, thị trường BĐS đã thấy tia khởi sắc trở lại, khi nhiều chủ đầu tư lớn liên tục ra hàng. Cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng, quý III/2020, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán tăng mạnh (tăng 82% so với quý trước). Trong quý III/2020 có 36.884 giao dịch BĐS thành công.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam cho thấy, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý III/2020 bằng khoảng 120% so với quý II/2020. Đáng chú ý, khi bước sang tháng 11/2020, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã có những tín hiệu giao dịch trở lại và đang trên đà phục hồi, nhất là tại những địa phương có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển như Vân Đồn, Hạ Long, Quy Nhơn, Ninh Thuận…

 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đánh giá, để nói 3 cụm từ khái quát thị trường BĐS năm 2020, đó là Suy giảm về nguồn cung cũng như giao dịch; điều chỉnh (trong khó khăn có điều chỉnh về phân khúc, quy mô, chất lượng để thích ứng thị trường); sẵn sàng (trong khó khăn, các chủ thể tham gia BĐS đã có kinh nghiệm trước đây do đó tư thế sẵn sàng bứt phá khi điều kiện hết dịch, khi ổn định tổ chức Đảng và chính quyền).

Ngoài ra, ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc khái quát 3 cụm từ cho thị trường BĐS 2020 là: Bản lĩnh - Cơ hội - Chiến lược.

Chưa đột phá

Nhận định về thị trường BĐS năm 2021, một số chuyên gia cho rằng, sự hồi phục về nguồn cung, giao dịch bắt đầu tư quý IV/2021, đây sẽ là tiền đề để quý I/2021 và những quý tiếp sau phát triển. Tuy nhiên, sự hồi phục này mới ở giai đoạn đầu, chưa thể có đột phát khi hàng loạt các dự án ách tắc thủ tục pháp lý, thu nhập của người dân vẫn giảm sút và nhiều người nước ngoài chưa thể quay trở lại Việt Nam làm việc.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, năm 2021, thị trường BĐS sẽ có những yếu tố tích cực hơn, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như TP. HCM hay Hà Nội. Nhưng sự phục hồi này sẽ chưa thể có bước đột phá mạnh.

 

Bên cạnh đó, các yếu tố pháp lý đang dần được gỡ bỏ, như ông Nguyễn Mạnh Hà dẫn chứng, Nghị quyết 164 tháo gỡ vướng mắc đầu tư trong khu đô thị, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực vào 1/1/2021 phần lớn tháo gỡ được pháp lý cho thị trường BĐS. Đem tới cho thị trường nhiều cơ hội phát triển mới.

Nhận định về sự phát triển của thị trường BĐS năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, sẽ diễn ra các xu hướng sau:

Thứ nhất, đa dạng hoá các nhà đầu tư, đặc biệt là sự tham gia của chủ đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là xu hướng đầu tư đáng chú ý trong thời gian tới. Bởi BĐS giai đoạn 2020-2021 dù chịu rất nhiều tác động và ảnh hưởng của dịch Covid-19, xong đây cũng là dịp để thị trường thanh lọc các dự án, chủ đầu tư và doanh nghiệp yếu kém. Theo đó, sẽ hình thành những nhà đầu tư mới, xu hướng mới, sẵn sàng cho vận hội mới trong năm 2021.

Thứ hai, xu hướng dịch chuyển các dự án ra ven đô. Năm 2021 sẽ là thời điểm đất, dự án vùng ven và các tỉnh phát triển mạnh và chủ đạo. Tại các địa phương, các dự án được phê duyệt sẽ nhiều hơn, lãnh đạo mới ở các địa phương sẽ phải thúc đẩy phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ. Việc sở hữu các yếu tố như dư địa giá thấp, tiềm năng tăng giá cao, cùng với tốc độ đô thị hóa… các dự án vùng ven đầy đủ tiện ích sẽ tiếp tục là "miếng bánh ngon" của các dòng vốn đầu tư trong năm 2021.

Thứ ba, xu hướng phát triển các khu đô thị xanh. Việc phát triển các khu đô thị xanh mới phát triển và hiện nay đang được nhiều chủ đầu tư quan tâm. Nhất là trong bối cảnh nhiều dự án ra hàng cùng thời điểm, việc phát triển khu đô thị đầy đủ tiện ích sẽ thu hút được khách hàng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm