Báo động tình trạng huy động vốn trái phép, Bộ Xây dựng yêu cầu công khai trước 15/6
Xây căn hộ chung cư 25 m2 là dạng "ổ chuột" trên cao / Lối thoát nào cho gần 4.000 căn hộ tái định cư “ế ẩm” trên đất vàng Thủ Thiêm?
Dấu hiệu sai phạm
Theo quy định hiện hành, trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua".
Quy định là vậy, thế nhưng trên thực tế thì rất nhiều dự án dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng đã được chủ đầu tư "bắt tay" với các sàn môi giới BĐS quảng cáo, rao bán "lúa non" rầm rộ dưới nhiều hình thức.
Đơn cử, dự án Khu cao ốc căn hộ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè (tên thương mại là La Partenza) được UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH Giao Hưởng Xanh (do Khải Hoàn Land sở hữu 100% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư theo Quyết định số 1530/QĐ-UBND ngày 7/4/2015.
Dù được cấp phép đã lâu, nhưng doanh nghiệp này đã không triển khai thực hiện dự án. Khải Hoàn Land đã chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư cá nhân, rồi “án binh bất động” suốt nhiều năm qua do vẫn chưa được định giá đất để thu tiền sử dụng đất bởi “vướng” đất công và chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Thế nhưng đến năm 2020, Công ty BĐS Khải Minh Land (trực thuộc Khải Hoàn Land) đã tổ chức mở bán khi dự án vẫn còn là bãi đất trống. Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM ra văn bản dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn nhưng công ty này đã nhận tiền của rất nhiều khách hàng trước đó.
Dự án La Partenza của Khải Hoàn Land chưa đủ điều kiện mở bán nhưng vẫn lách luật huy động vốn.
Một dự án khác tại quận 6, do Công ty BĐS Minh Anh làm chủ đầu tư, có tên gọi là D-Homme, mặc dù chưa xong các thủ tục pháp lý theo đúng quy định. Thế nhưng, công ty đã vượt mặt cơ quan chức năng tung ra hợp đồng “thoả thuận quyền chọn” rồi thu tiền từ khách hàng.
Tại TP Thủ Đức, dự án The 9 Stellars đang mở bán rầm rộ giai đoạn 1, có giá rất cao khoảng 46 triệu đồng/m2, còn giá đất Villa là 230 triệu đồng/m2. Dự án đang quảng cáo những lời “có cánh” để thu hút khách hàng đặt cọc giữ chỗ, nhưng rủi ro về mặt pháp lý rất lớn. Bởi hiện trạng thực tế chỉ là bãi đất trống được quây tôn.
Cũng tại TP Thủ Đức, dự án Rome Diamond Lotus (thuộc phường An Phú) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) làm chủ đầu tư mặc dù chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thế nhưng từ năm 2018 Phúc Khang Corporation đã tiến hành thu tiền của khách hàng bằng nhiều hình thức. Hiện dự án vẫn là bãi đất trống và chưa có dấu hiệu xây dựng.
Còn tại Bình Dương, thời gian qua cơ quan chức năng tỉnh này đã ra quyết định xử phạt hàng loạt chủ đầu tư dự án BDS trên địa bàn có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
Cụ thể, tại dự án Khu nhà ở Chánh Phú Hoà (thị xã Bến Cát) do Công ty TNHH Địa ốc Xây dựng Tường Hy Quân làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư Xây dựng địa ốc Đất Việt là đơn vị phát triển bị phạt hơn 500 triệu động do có dấu hiệu huy động vốn trái phép khi dự án chưa đủ điều kiện giao dịch.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV HHA là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thương mại dịch vụ Đông Bình Dương (phường Tân Bình, TP Dĩ An) cũng bị xử phạt số tiền 275 triệu đồng và tạm đình chỉ kinh doanh 12 tháng với hành vi huy động vốn trái phép.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương từng chỉ đạo Thanh tra sở và các phòng chuyên môn rà soát, phối hợp địa phương kiểm tra, làm việc với Công ty CP Đầu tư Đạt Phước là chủ đầu tư dự án Rivana (mặt tiền quốc lộ 13, TP. Thuận An) ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc huy động vốn trái phép tại dự án này. Qua kiểm tra, rà soát, Sở Xây dựng ghi nhận dự án này đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư dự án, thời điểm này chưa đủ điều kiện để được thực hiện huy động vốn, kinh doanh BĐS theo quy định pháp luật.
Bộ Xây dựng siết chặt quản lý
Để ngăn chặn các hành vi "méo mó" trên thị trường bất động sản và cảnh báo rủi ro cho khách hàng, mới đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định về giao dịch BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, tích hợp cung cấp trên Cổng dịch vụ quốc gia đối với dịch vụ công về thủ tục hành chính "Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua".
Còn là bãi đất trống nhưng Phúc Khang vẫn thu tiền của khách hàng tại dự án Rome Diamond Lotus.
Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện với các giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn. Trong đó, Bộ Xây dựng lưu ý các nội dung như: điều kiện khi đưa bất động sản trong tương lai vào kinh doanh, thủ tục thông báo dự án đủ điều kiện mua, bán, cho thuê; việc thực hiện bảo lãnh, thanh toán, thế chấp...
Các địa phương được yêu cầu phải tổng hợp báo cáo về kết quả và tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua trước ngày 15/6. Trong đó, nêu cụ thể về trình tự thủ tục, về hồ sơ yêu cầu, về việc công khai thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua,...
Hiện, hoạt động giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai tại các địa phương còn khá phức tạp. Cơ quan chức năng khuyến cáo trước khi thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng đất tại các dự án, khu đô thị, khu dân cư mới, người dân nên tìm hiểu thông tin về các dự án, tránh để bị lừa bởi các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua nhà của người dân để trục lợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo