Đâu là “điểm sáng” đầu tư của thị trường bất động sản trong mùa dịch Covid-19?
Bình Dương: Xử lý loạt dự án gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, bất chấp pháp luật / Bắt Tổng giám đốc công ty Bất động sản Thiên Ân Phát vì bán dự án "ma"
Thời gian vừa qua, dịch bệnh đã làm đảo lộn trật tự của thị trường bất động sản (BĐS) từ hoạt động kinh doanh đến tâm lý đầu tư của khách hàng. Người mua đã thận trọng hơn khi xuống tiền cho các sản phẩm nhà đất khi dịch Covid-19 bùng phát sau Tết Nguyên Đán. Và thời gian gần đây, khi dịch bệnh bùng phát trở lại lại tiếp tục dấy lên nỗi lo ngại của người mua BĐS.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang xảy ra, các chuyên gia địa ốc vẫn cho rằng BĐS là kênh đầu tư được quan tâm dài hạn, các kênh khác chỉ đột biến trong thời gian ngắn hạn. Điều mà các nhà đầu tư BĐS đang quan tâm nhất hiện nay là: Đâu được coi là “điểm sáng” đầu tư, ít bị tác động bởi dịch bệnh, thậm chí là được hưởng lợi từ những tác động khách quan nhất?.
Ông Nguyễn Công Thanh - một nhà đầu tư BĐS thứ cấp tại TP.HCM cho biết, khi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát thứ nhất của dịch Covid-19 thì những nhà đầu tư khó khăn, không “đủ lực” đã rút khỏi thị trường. Trong đợt tái bùng phát dịch mới đây, đối với những nhà đầu tư còn lại như ông không quá bất ngờ bởi đều đã có phương án dự phòng.
Chính vì vậy, BĐS vẫn là kênh được nhà đầu tư quan tâm trong dài hạn, trong khi các kênh đầu tư khác có thể chỉ đột biến trong thời gian ngắn hạn. Còn về nhà ở, dòng tiền sinh lợi của nhà đầu tư vẫn kì vọng rất lớn ở thị trường BĐS.
Theo các chuyên gia, thị trường căn hộ dịch vụ vẫn có thể thu lời giữa dịch Covid-19.
Dĩ nhiên, mỗi loại hình BĐS sẽ có những phân khúc tốt và không tốt. Thế nhưng, theo ông Thanh, bản chất BĐS là tài sản gắn liền với đất. Tỉ suất sinh lời vì thế cũng chủ yếu từ việc tăng giá đất mà ra.
"Theo quy luật của thị trường, dòng tiền sẽ vẫn chảy. Nếu phân khúc BĐS ngắn hạng như nghỉ dưỡng, du lịch “ngủ đông” thì vẫn còn những phân khúc khác như: đất nền, nhà ở, BĐS công nghiệp và các mảng cho thuê vẫn thu hút dòng tiền nếu nhìn ở góc độ trung, dài hạn", ông Thanh nói.
Ông Quang Thắng - Giám đốc một sàn giao dịch BĐS quận Bình Tân (TP.HCM) cho hay, xét về loại hình BĐS chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch Covid-19 phải kể đến nhà phố và mặt bằng nhà phố cho thuê. Phân khúc vẫn sống tốt trong mùa dịch chính là căn hộ. Rất nhiều dự án căn hộ chào bán trước dịch đều ra hàng rất tốt, thậm chí còn cháy sản phẩm.
“Ngay trong thời điểm này khi dịch bệnh vẫn còn diễn ra, việc tìm kiếm sản phẩm chung cư rao bán tại TP.HCM cũng là rất khó do thị trường không có sản phẩm mới. Hiện nay, nhu cầu sang nhượng căn hộ thứ cấp vẫn diễn ra bình thường và ghi nhận chung là không hề có việc hạ giá. Nhìn chung, giá bán căn hộ có thể sẽ đi ngang trong các quý tới đây và tăng trở lại vào dịp cuối năm”, ông Thắng nhận định.
Có cùng ý kiến trên, theo Shark Hưng (ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Cen Group), BĐS nhà ở hay căn hộ có khả năng ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dù có những dấu hiệu giảm sút về giao dịch nhưng lại chưa có dấu hiệu hạ giá.
Ông Hưng dự báo, BĐS nhà ở gắn với đất ở phân khúc trung và cao cấp sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. Tiếp đến, phân khúc đất nền dù giảm cả về nguồn cung lẫn giao dịch, nhất là thời điểm từ sau Tết nguyên đán đến nay, song đây là phân khúc không tắt hẳn giao dịch.
Ở một số khu vực, lượng khách hàng quan tâm đến đất nền vẫn phát sinh đều và tỉ lệ chốt cọc vẫn diễn ra, tuy không đột biến như thời điểm trước đó. Với những khách hàng có dòng tài chính ổn định, tâm lý cuối năm sau khi thu hồi công nợ hoặc tích lũy được thường muốn đầu tư vào những sản phẩm BĐS gắn liền với đất để làm “của để dành”. Đó được xem là cửa sáng cho phân khúc BĐS vào thời điểm này.
Riêng với BĐS nghỉ dưỡng hay văn phòng, ông Hưng dự báo sẽ hoạt động cầm chừng, bởi thời gian hồi phục sau dịch Covid-19 sẽ lâu hơn các phân khúc khác do ảnh hưởng bởi lượng khách du lịch, hoạt động kinh doanh thuê.
Bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng đầu tư.
Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc bộ phận cho thuê Thương mại Savills Việt Nam cho biết, khi tình hình dịch bệnh phức tạp thì chuyên gia nước ngoài được xem là nguồn cầu ổn định. Triển vọng khá tích cực và phân khúc căn hộ dịch vụ sẽ hồi phục nhanh hơn các loại hình lưu trú khác.
Theo số liệu của Savills Việt Nam, với 2 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nửa đầu năm 2020, TP.HCM đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Mặc dù con số này giảm 35% so với cùng kỳ năm trước, song TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến.
Khảo sát toàn cầu của Savills tháng 6 năm 2020 cho thấy, Việt Nam dẫn đầu về tiềm năng thu hút các tập đoàn toàn cầu dịch chuyển sản xuất nhờ vào khả năng cạnh tranh về chi phí hoạt động thấp cùng với cơ sở sản xuất ngày càng phát triển và hiện đại.
Riêng với lĩnh vực BĐS công nghiệp, ông Simon Smith - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại Savills Châu Á-Thái Bình Dương cho biết đây là lĩnh vực đang được nhiều nhà đầu tư để ý, bởi đây liên quan chặt tới các xu hướng lớn mạnh như sự phát triển của thương mại điện tử, và hầu như mọi thị trường trong khu vực đều thiếu không gian kho vận hiện đại.
Trong nửa năm 2020, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và bắt đầu xây dựng. Công suất thuê đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo