Bất động sản

Môi giới nhà đất chật vật kiếm tiền lo Tết

Nhiều tháng qua, không ít môi giới nhà đất vẫn đang sống trong tình cảnh cầm cự hoặc phải chuyển việc. Càng về cuối năm, nhiều môi giới tất bật kiếm khách hàng, ra sản phẩm để có tiền lo Tết.

Thị phần kho vận tại Việt Nam tiếp tục tăng cao bất chấp dịch Covid-19 / Nhà ở giá rẻ tại TP.HCM: Người thu nhập thấp có còn cơ hội?

Thị trường bất động sản 2020 đã trải qua nhiều khó khăn khi bị ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều công ty đã phải chấp nhận sa thải bớt nhân viên. Trong đó, không ít công ty bất động sản bắt buộc phải giảm bớt "sale" để cầm cự. Từ đó, nhiều môi giới buộc phải kiếm việc khác hoặc sống bằng các hoạt động giao dịch nhỏ bên ngoài.

Khi Tết nguyên đán đang cận kề, nhiều môi giới rốt ráo tìm kiếm khách hàng với hi vọng có nhiều giao dịch để tạo nguồn thu. Tuy nhiên, việc bán được các sản phẩm bất động sản ở thời điểm hiện tại gặp quá nhiều khó khăn.

Môi giới nhà đất chật vật kiếm tiền lo Tết - 1
Việc kiếm được người mua nhà hiện nay của nhân viên môi giới gặp nhiều khó khăn.

Anh Lê Hoàng Sơn (ngụ quận 7, TPHCM) chuyên môi giới nhà đất riêng lẻ cho hay, đã 3 tháng qua vẫn chưa thực hiện thành công giao dịch nào về nhà ở. Trong khi đó, số lượng người gửi nhà ở để bán vẫn rất nhiều. Tuy nhiên, với mức giá cao hiện nay ở khu vực quận 7 nên rất khó kiếm được người mua.

"Trong 3 tháng qua tôi sống bằng công việc khác. Còn đối với hoạt động bán nhà đất thì tạm thời không có sự phát triển nào. Trong thời gian qua cũng ra sức chào khách hàng, tìm người mua nhưng rất khó. Chỉ cần bán được một căn nhà thôi cũng đủ điều để lo Tết. Nhưng trong giai đoạn này ai cũng cố gắng thắt chặt chi tiêu, nên ai muốn mua nhà cũng để qua Tết rồi tính tiếp…" - anh Sơn tâm sự.

Đối với phân khúc chung cư, một "sale" tên Hương tâm sự, có dự án căn hộ nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 8) vừa được cấp phép xây dựng, thế nhưng khi khách hàng nhờ bán mà đến này vẫn chưa tìm được người mua. Theo chị Hương, tìm được người mua có nhu cầu thật hiện nay rất khó. Còn đối với giới đầu tư thì dự án không có tiềm năng, giá đã cao.

"Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người mua để ở sẽ không xuống tiền vào thời điểm này. Chưa kể dự án hiện chưa thi công xong phần móng và cũng không biết bao giờ mới xong, nên người mua nhà rất thận trọng.

Đối với giới đầu tư khi nhìn vào dự án họ không có niềm tin với chủ đầu tư, chưa kể dự án đã chênh lệch lớn rồi, không còn lời nhiều. Đó là một trong những sản phẩm mà suốt nhiều tháng qua tìm người mua không ra… Tết đang cận kề, việc ra hàng để có hoa hồng ăn Tết còn khó khăn hơn" - chị Hương thở dài.

 

Sự sụt giảm của thị trường bất động sản đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động mua bán. Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý 3/2020 có tới 6.374 sản phẩm căn hộ chung cư được mở bán. Thế nhưng, mức tiêu thụ khoảng 5.088 sản phẩm.

Còn ở quý 2, có 2.425 sản phẩm được tung ra thị trường. Nhưng mức tiêu thụ của thị trường vào khoảng 1.765 sản phẩm; Quý 1 có 1.547 chung cư mở bán nhưng tiêu thụ được 1.146 căn hộ. Lượng tiêu thụ này chỉ bằng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, phân khúc nhà phố, biệt thự lượng hàng tiêu thụ của quý 3 chỉ đạt 66%...

Môi giới nhà đất chật vật kiếm tiền lo Tết - 2
Thị trường sụt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của lực lượng nhân viên "sale".

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, thời gian qua thị trường không tốt nên dẫn đến thu nhập của "sale" cũng bị giảm. Còn ở khía cạnh doanh nghiệp vẫn phải chờ kết quả kinh doanh quý 4. Từ đó, mới có quyết định thưởng Tết hay không.

"Theo tôi biết đã có một số doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch thưởng Tết cho nhân viên "sale". Tuy nhiên mức thưởng không lớn như ở thời điểm ăn nên làm ra. Nhân viên "sale" có thời gian làm lâu, cống hiến sẽ được thưởng 1 tháng lương (5 triệu/tháng). Đối với nhân viên nào mới thì sẽ không có phần thưởng này…" - bà Nguyễn Thị Linh, giám đốc công ty L&R chia sẻ.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019). Qua đó, trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

 

Đứng đầu về số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 là ngành kinh doanh bất động sản (927 doanh nghiệp, tăng 98,5 % so với cùng kỳ năm 2019). Trước những tác động này đã khiến cho hàng nghìn nhân viên môi giới phải rơi vào cảnh thất nghiệp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm