Bay cùng flycam
Đứng dưới đất, anh Thọ điều khiển flycam lên cao hàng chục mét, hướng camera xuống đất, thực hiện những cảnh quay mà trước đây chỉ có máy bay trực trăng mới làm được với chi phí cao hơn hàng chục lần.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Flycam là tên gọi tắt của thiết bị bay mô hình có gắn camera được dân chơi công nghệ sử dụng để thực hiện những cảnh quay, chụp hình từ không trung. Những hình ảnh mà flycam thực hiện luôn đem lại sự mới lạ, độc đáo cho người xem. Dịp cuối tuần, được khách hàng nhờ đi quay một cảnh từ trên cao với hơn một nghìn người tham gia xếp hình logo xác lập kỷ lục Việt Nam, anh Phan Đức Thọ, nhóm vietnamflycam cùng các thành viên với hai chiếc valy lớn đựng dụng cụ, máy móc lên đường.
Hai chiếc flycam thay phiên nhau bay lên với sáu cánh quạt nhỏ kêu vo vo như một đàn ong vỡ tổ. Bay ở độ cao hơn 40m, hình ảnh hơn ngàn người xếp thành hình được thu toàn vẹn với góc quay mơ ước đó. Anh Thọ cho biết, đây là cảnh quay bình thường bởi, tuy có số người lớn, khung cảnh rộng nhưng không khó như quay phim đòi hỏi sự sáng tạo, những cú máy lượn lờ, chao đảo hay bay theo diễn viên khó hơn nhiều.
Theo anh Thọ, để thực hiện được cảnh quay bằng flycam, nhóm cần có bốn người, một người điều khiển flycam, một người điều khiển máy quay, một người quan sát an toàn cho thiết bị và một đạo diễn hình ảnh. “Khi flycam bay lên cao, người điều khiển flycam sẽ đưa thiết bị đến nơi yêu cầu, người điều khiển camera sẽ hướng máy quay đến những vị trí cần lấy hình ảnh. Đạo diễn hình ảnh là người quyết định khung hình, góc quay… Đối với những cảnh quay khó, có khi nhóm phải thực hiện từ năm đến mười cú máy mới được”, anh Thọ nói.
Anh Thọ cho biết, trước khi đến với flycam, anh từng chơi RC (máy bay mô hình điều khiển từ xa) nên đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm, sau này, khi flycam du nhập vào Việt Nam, anh và nhóm bạn chơi đã mày mò tìm hiểu và mê mẩn nó tự lúc nào không hay. “Lúc mới chơi, khó khăn nhất là làm thế nào điều khiển flycam quay phim mà không bị rung, khung hình đạt yêu cầu. Tính toán hướng gió, cấp độ gió cũng là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm từ RC nên khi chuyển qua chơi flycam cũng không gặp khó khăn gì nhiều”.
Anh Trần Đức Vinh, cùng nhóm với anh Thọ cho biết, để điều khiển được flycam cần có thời gian rèn luyện. “Người nào từng chơi RC thì ít nhất cũng mất ba đến bốn tháng tập luyện liên tục mới thành thạo được. Còn những người chưa từng chơi qua máy bay mô hình thì phải mất một vài năm mới thông tỏ kỹ thuật. Với flycam, người chơi sẽ cảm nhận được không gian đa chiều, đòi hỏi kiến thức về hàng không, vật lý và tính toán cùng am hiểu về hình ảnh”, anh Vinh nói.
Cũng theo lời anh Vinh, người chơi có thể thỏa sức sáng tạo với những cú máy đẹp, những tấm hình, clip toàn cảnh từ trên cao mà không thiết bị nào có thể sánh bằng. Có những cảnh quay trên rừng, dưới biển, luồn qua các tán cây, bãi cỏ hay lượn lờ theo con sóng, những nơi mà máy quay bình thường không làm được hoặc cần rất nhiều người, phương tiện kỹ thuật nhưng hiệu quả không cao.
“Flycam là thiết bị thích hợp, tạo ra những hình ảnh đẹp nhất đối với những cảnh quay dạng này. Chỉ cần xem những khung hình trên tivi, người xem có thể cảm nhận được góc nhìn chuyển động nhanh và độ ổn định cao từ trên không. Những vùng hiểm trở như sông nước, vịnh biển, đồi núi là người ta biết đó là đoạn phim được quay bằng flycam”.
Anh Thọ cho biết, hiện nay, ở TPHCM có nhiều nhóm chơi flycam. Tuy nhiên, để chơi thành thạo và chuyên nghiệp và để có thể quay phim, làm MV ca nhạc bằng flycam thì chưa có nhiều. Flycam đang được giới mê công nghệ ở TPHCM săn đón như một trào lưu mới đầy hấp dẫn, sáng tạo và nó được xem như một thú chơi của dân thượng lưu bởi, một bộ flycam rẻ nhất cũng gần trăm triệu, có cái đắt lên đến hàng chục ngàn USD.
Theo anh Thọ, hiện nay những người chơi flycam ở Việt Nam đã sáng tạo, tự chế những thiết bị phần thô của flycam, chỉ những thiết bị vô tuyến như GPS thì mới phải mua từ nước ngoài. Với mỗi thiết bị flycam, bộ phận GPS (định vị toàn cầu) được lập trình tự động để mỗi khi gặp sự cố mất tín hiệu thì thiết bị sẽ tự động quay trở về vị trí xuất phát chứ không bị lạc.
Bộ khung được thiết kế theo ba dạng phổ thông nhất. Một là Multicopter hình chữ X, loại này có 4 cánh quạt; hai là Hexacopter hình tròn, có 6 cánh quạt và loại thứ ba có tên Octacopter hình tròn, có 8 cánh quạt. Flycam có càng nhiều cánh quạt thì bay càng ổn định, có thể hạn chế được ảnh hưởng bởi gió.
Nguyên liệu sử dụng để làm khung máy phải là vật liệu bền, nhẹ để vừa đảm bảo an toàn vừa giảm trọng lượng. Tất cả đều được cấu tạo bởi hai vật liệu chính là carbon tấm và nhôm, được cắt bằng công nghệ tự động CNC nên có độ chính xác rất cao. Ngoài bộ khung, một bộ phận khác rất quan trọng đối với flycam là bộ phận chống rung. Thiết bị này giúp giữ máy quay được ổn định khi flycam di chuyển, thực hiện các cú lia máy.
Rơi là mất trắng
Mỗi thiết bị flycam có giá từ hàng chục triệu đến khoảng 60 nghìn USD, thế nhưng rủi ro gặp sự cố rơi rớt thì coi như toàn bộ thiết bị hư hỏng, số tiền bỏ ra đầu từ cả trăm triệu có thể tan biến chỉ bởi một sơ sảy nhỏ.
Anh Thế Sơn, nhóm flycam quận 7, TPHCM kể lại, trong một lần anh nhận xuống miền Tây quay một số cảnh trên cao cho một đoàn làm phim. Khi anh xuống đến nơi thì nghe những người dân sống ở đây cho biết trước đó đã có ba chiếc flycam bị rớt xuống sông. “Lúc nghe họ nói mình cũng run lắm, nếu không may rớt xuống thì coi như mất luôn. May mắn lần đó mình vẫn hoàn thành công việc mà không gặp sự cố nào”.
Anh Sơn cho biết, đối với những người chơi flycam lâu năm, thiết bị 6 cánh, 8 cánh sẽ dễ điều khiển. Nhưng với những người mới chơi thì nên điều khiển những thiết bị nhỏ vì đỡ tốn kém và an toàn hơn. Khi thành thạo rồi mới nên chuyển sang thiết bị lớn. Trước khi cho flycam bay cần phải kiểm tra tốc độ gió, hướng gió, độ ẩm không khí… để đảm bảo flycam có thể hoạt động ổn định. “Trời mưa, gió, địa hình vùng núi hay nơi có nhiều anten, trời tối quá thì flycam cũng không hoạt động được, thiết bị kết nối GPS rất dễ bị ngắt quãng, gió quẩn, nếu bay thì nguy cơ rơi rất cao”, anh Sơn nói.
Anh Thọ cho biết, mỗi nhóm chơi flycam đều phải đăng ký, xin phép. Một người bạn của anh chơi flycam, không may bay lạc vào vùng cấm của khu vực quân sự. Ngay sau đó anh ta bị tịch thu thiết bị và bị phạt một số tiền rất lớn. Theo anh Thọ, mỗi thiết bị flycam có trọng lượng khoảng 7kg trở lên. Những bộ phận của thiết bị này là đồ công nghệ cao, dễ hỏng nên mỗi khi không may rớt thì hư hỏng hầu như không thể cứu vãn. “Gần chục ký, khi bay lên cao mà không may rơi xuống thì không còn gì. Rơi một cái thì mất cả trăm triệu như chơi”.
“Chơi flycam thì chắc chắn là sẽ phải gặp những sự cố. Tuy nhiên, mỗi người chơi có kinh nghiệm phải biết làm thế nào để mỗi khi gặp sự cố thì cũng xử lý được, đảm bảo không ảnh hưởng đến thiết bị. Ví dụ khi mất kết nối GPS thì phải tắt ngay lập tức để thiết bị quay trở lại nơi xuất phát. Mức độ rủi ro khi chơi flycam rất cao. Để không bị rơi vào cảnh trắng tay người chơi phải tính toán, dự phòng kỹ lưỡng”, anh Thọ cho biết.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không trường đại học Bách khoa TPHCM cho biết, thiết bị flycam được điều khiển bằng sóng vô tuyến. Tuy nhiên, mức sóng của những thiết bị này khá thấp, mặt khác, tầm bay của những thiết bị này cũng không lớn. Ngoài ra, người chơi thường biết những khu vực cấm bay nên flycam cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến an ninh hàng không.
Những sự cố vướng, chạm dây điện cao thế luôn được các tay chơi dự liệu để khỏi rơi vào tình trạng xôi hỏng bỏng không lại còn bị phạt.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo