Bé gái teo thực quản vì uống nhầm dung dịch kiềm
Tin tức trên báo điện tử Tiền phong, ngày 8/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết về trường hợp bé gái Phạm Thị Mai L. (4 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đang phải điều trị bỏng thực quản tại bệnh viện với các di chứng nặng nề.
Theo người nhà, cách đây 4 tháng, mẹ dẫn bé L. đi ăn đám giỗ. Trong lúc chơi, bé khát nước nên chộp lấy chai nước tro tàu (KOH- một chất kiềm mạnh là phụ gia làm bánh, bún...., trong như nước lọc) trên bàn trong bếp để uống. Sau khi uống chai nước này, L. bắt đầu chảy nước bọt và nôn ói liên tục.
Gia đình liền đưa bé vào bệnh viện huyện cấp cứu. “Ở đây kêu chúng tôi mang chai nước mà bé nó đã uống lên bệnh viện. Khi bác sĩ đổ chất lỏng trong chai này vào chậu nước lạnh, nó sôi lên tỏa khói”, bà nội bé L. kể lại. Sau khi sơ cứu, cháu bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.
"Sau khi uống nhầm, cháu tôi nôn ói rất nhiều, miệng, lưỡi bị phỏng nên chúng tôi đã đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu" - bà nội bé L. cho biết. Báo Người lao động thông tin.
Sau đó, bé tiếp tục được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng bỏng độ 2. Ngày 5/10 vừa qua bé lại phải trở lại bệnh viện tái khám sau vài tháng tưởng chừng ổn định vì thực quản đã bị teo hẹp trở lại gây khó khăn trong ăn uống. Đây đã là lần thứ 4 bé phải nong thực quản sau khi bị phỏng.
Bé sẽ phải đến bệnh viện tái khám mỗi tháng và tiếp tục đặt stent nong thực quản nếu tình trạng hẹp thực quản vẫn diễn ra, dự tính phải điều trị ít nhất 1 năm" - bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.
Theo bác sĩ Sơn, nước tro tàu vốn là một loại kiềm. Bỏng kiềm nhìn bên ngoài vùng miệng không khủng khiếp như a-xít nhưng thực chất chúng sẽ ngấm từ từ, gây tổn thương rất dữ dội.
Bác sĩ Sơn cũng cho biết trên Vnexpress, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận chừng 15-20 trẻ bỏng thực quản do acid, kiềm. Thường gặp là acid từ bình ắc quy, làm vàng..., kiềm từ chất tẩy rửa, nước tro tàu làm bánh.
Acid khi uống nhầm thường bỏng dữ dội nên phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Chất kiềm thường ngấm ngầm, nhìn bên ngoài không đánh giá được tổn thương nên người nhà có thể chủ quan bỏ qua, đến khi nhập viện thì tổn thương đã nặng nề, teo hẹp thực quản.
Bỏng thực quản ở mức độ nặng, điều trị trễ sẽ gây viêm, gây loét và di chứng nặng nề nhất là teo hẹp thực quản, chữa rất khó và tốn thời gian lâu dài. Nhiều trường hợp phải mổ sử dụng ruột già để tái tạo thực quản cho trẻ rất phức tạp.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, xử trí ban đầu đơn giản nhất khi trẻ uống nhầm acid, kiềm là lấy nước lọc để rửa vết thương, cho em bé uống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo