Khám phá

Bi hài dùng phần mềm dịch tiếng Việt sang... Tiếng việt

Tiếng Việt nhưng phải dùng phần mềm để dịch mới hiểu là thực trạng đáng báo động về ngôn ngữ tuổi teen hiện nay.

Các bạn tuổi teen đang dùng những ngôn ngữ kì dị và xa lạ với tiếng Việt. Ban đầu chỉ là việc viết tắt vô tội vạ, nhưng càng về sau loại ngôn ngữ này lại càng biến thể. Cho đến nay, muốn hiểu nổi ngôn ngữ tuổi teen, phải dùng đến phần mềm để dịch tiếng Việt ra ... tiếng Việt

 

Đến thời điểm này, dân 9X hầu như đã hết mặn mà với kiểu ngôn ngữ như bít Gùi kòn hoI?  (biết rồi còn hỏi). Thay vào đó là những dạng biến thể khác, rối rắm hơn, khó đọc hơn rất nhiều lần. Các bạn trẻ khẳng định, “chế” ra thứ ngôn ngữ càng khó đọc, khó hiểu lại càng chứng tỏ đẳng cấp sáng tạo của mình. Ví dụ như một đoạn chat của một nữ sinh PTTH: “+3.m v4'0 m0~j c4u j't nh4't m0.t tu' l_0'ng tu0?j t33n n4h!”. Theo nữ sinh này câu đó có nghĩa là: “Thêm vào mỗi câu ít nhất một từ lóng tuổi teen nha”.

 

Để chuyên trị loại tiếng Việt biến dị này, một nữ sinh của trường Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) đã viết nên phần mềm mang tên v2V dùng để dịch tiếng Việt ra tiếng Việt. Theo đó, phần mềm này có khả năng giải mã được các loại biến thể của tiếng Việt từ cấp độ dễ đến những cấp độ khó hơn. Không chịu đầu hàng trước v2V, teen lại tiếp tục cho ra đời một loại ngôn ngữ mới không khác gì một dạng mật mã và hoàn toàn không có chìa khóa giải mã cho các bậc phụ huynh và những người ngoài cuộc.


Sáng tạo ngôn ngữ của tuổi teen đang đi quá đà


PGS.TS Nguyễn Văn Chính cũng bày tỏ quan điểm về phần mềm v2V: “Việc sáng chế ra phần mềm v2V là một chỉ báo cho chúng ta thấy rằng việc sáng tạo tiếng Việt của tuổi teen có thể đã đi quá đà. Bên cạnh mặt tích cực của từ điển này là giúp chúng ta hiểu được ngôn ngữ tuổi teen thì mặt trái của nó lại vô tình khuyến khích lớp trẻ sáng tạo thêm thứ ngôn ngữ tuổi teen, ngôn ngữ @ vốn có thể không được nhiều người ủng hộ.

 

Một bức thư viết bằng ngôn ngữ cấp “siêu Việt” được tung lên mạng kèm theo lời thách thức: “Ai dịch được sẽ có thưởng!”. Ngay lập tức, bức thư khiến cộng đồng mạng xôn xao. Có một vài ý kiến đồng tình ủng hộ như: “Vậy mới đúng là sức sáng tạo không ngừng nghỉ của teen; ai nghĩ ra được thứ ngôn ngữ này quả là siêu Việt hay “Từ đây tha hồ nhắn tin với bồ mà không lo cha mẹ đọc được; .v.v. Nhưng cũng không ít ý kiến tỏ ra lo ngại và cho rằng nếu cứ tiếp tục biến thể như thế, không biết sau này chữ viết của người Việt sẽ trở nên như thế nào? 

 

Những câu nói thoạt nghe chẳng có ý nghĩa gì lại được các bạn trẻ dùng tràn lan và xem đó như là một mốt thời thượng. Đố ai hiểu được câu: “Thì mình cứ sugar sugar ajinomoto ajinomoto mà bước vào!”. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, một phiên dịch viên hăm hở: “Ý là: cứ đường đường chính chính mà bước vào”. Và còn vô số câu cửa miệng bị biến dị” như: Know die now (biết chết liền), No dare where (hổng dám đâu), hay No four go (vô tư đi)... Giờ đây, khi phát âm teen lại thường dùng từ chệch như “tóa” thay cho “quá”. Ví dụ như Yêu tóa! Đẹp tóa! Sang tóa! .... “bít gùi”, “bít gòi” thay cho “biết rồi” ...

 

Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Văn Chính, phó chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: “Ngôn ngữ kiểu này sẽ tự đào thải khi mất tính thời thượng, tính sành điệu (điều mà lớp trẻ tưởng là như vậy)".

 

"Có một thời, một số thanh niên hút thuốc lá gọi thuốc Vinataba là Việt Nam tao bán. Họ không gọi thuốc Capstan là “Cáp  tăng” theo lối Việt hóa thông thường mà kêu là “cho anh phát súng tim anh tan nát”. Họ gọi thế cho lạ, cho sành điệu khác người. Người lớn lo lắm, nhiều người còn nghĩ lũ thanh niên hỏng hết mất rồi và hô hào phải ngăn chặn cái lối nói phản động và sặc mùi xã hội đen này. Thế rồi, tự nhiên lối nói này mất. Mất một cách tự nhiên như khi nó sinh ra và được sử dụng. Tại sao nó mất? Cũng là bởi tính thời thượng không còn nữa”, PGS.TS Nguyễn Văn Chính cho biết.

 

Theo NĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo