Bí quyết “giành” học bổng
“Rất nhiều trường ĐH trên thế giới cấp học bổng để thu hút sinh viên quốc tế. Nếu biết cách tận dụng “món quà” này, du học sinh cũng trang trải được một phần chi phí du học” - ông Hứa Vĩnh Dzuy, Phó Giám đốc khu vực Đông Dương và Myanmar của Tập đoàn StudyGroup, nhận xét. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là học sinh phải biết làm thế nào để nhận được học bổng trong số hàng ngàn hồ sơ nộp vào trường.
Chọn trường mình yêu thích
Điều cần làm đầu tiên, theo nhiều chuyên gia tư vấn du học là học sinh cần tìm ngành, tìm trường phù hợp với năng lực, sở thích cũng như điều kiện kinh tế của mình. Học sinh cần phải tìm hiểu kỹ trường này liệu có phù hợp với mình không, mình tâm đắc điều gì ở ngôi trường này và tiến hành nộp hồ sơ nhập học. “Nhà trường phải nhìn thấy học sinh muốn vào trường mình học, yêu thích ngôi trường này chứ họ không cấp học bổng cho người không xác định được muốn học ngành gì, ở trường nào” - ông Hứa Vĩnh Dzuy nói. Trong khi đó, cách làm thông thường của nhiều học sinh là tìm trường có học bổng trước rồi mới nghĩ đến việc chọn ngành. Nếu chỉ đơn thuần là đi kiếm học bổng thì cơ hội giành học bổng rất thấp.
Trong chọn ngành du học, lời khuyên của các chuyên gia là học sinh nên tìm hiểu thông tin qua chương trình học của các trường và chọn ngành phù hợp với năng lực của mình. Nhiều học sinh thường hỏi ý kiến của các tư vấn viên du học, trong khi mình mới là người cần phải trả lời câu hỏi đó. Mặt khác, học sinh cần lưu ý đến yếu tố nhu cầu thị trường lao động. Thời gian qua, học sinh đổ dồn vào các ngành kinh doanh, tài chính quá nhiều sẽ gặp khó khăn khi quay về nước tìm việc.
Theo Hội đồng Anh, các ngành phổ biến mà du học sinh Việt Nam chọn học tại Anh là các ngành liên quan đến kinh tế tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật, thiết kế, công nghệ thông tin… Trong khi đó, năm 2013, Bộ GD-ĐT tạm dừng cấp phép mở mới đối với các ngành tài chính - ngân hàng bởi số lượng trường đào tạo các ngành này của nước ta hiện rất lớn, vượt quá nhiều lần so với nhu cầu thực của nền kinh tế.
Thể hiện sự nhiệt huyết
Ông Trần Hữu Phúc Tiến, Giám đốc Việt Nam Hợp Điểm, khuyên các bậc phụ huynh: “Nên để học sinh tự tìm hiểu mọi thông tin cho việc du học trước khi có sự bàn bạc, thống nhất của gia đình”. Việc tìm hiểu kỹ thông tin về các trường còn có lợi trong quá trình phỏng vấn học bổng của học sinh. Nếu để cha mẹ tìm hiểu thì khi phỏng vấn học sinh sẽ không biết gì nhiều để trả lời. Hoặc khi người phỏng vấn cần học sinh nêu những câu hỏi thắc mắc ngược lại thì học sinh cũng không có gì để hỏi. Người phỏng vấn sẽ đánh giá học sinh thờ ơ, không quan tâm đến việc học.
Nhiều học sinh cho biết đã trả lời trơn tru các câu hỏi nhưng vẫn bị rớt học bổng mà không hiểu lý do. Ông Hứa Vĩnh Dzuy cho biết: “Người phỏng vấn muốn thấy sự nhiệt huyết của người xin học bổng. Điều này khác với khi học sinh trả lời bằng những câu đã học thuộc lòng. Họ cần chiều sâu của câu trả lời chứ không phải những câu trả lời trôi chảy…”.
Yếu tố trung thực trong việc xin học bổng của các trường phải luôn được đặt lên hàng đầu. Bạn Đinh Hưng Tú chia sẻ trên diễn đàn trang web Hội Du học sinh Việt Nam tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) rằng: Những người phỏng vấn học bổng đã hỏi cả trăm, ngàn học sinh như bạn cũng cùng một kiểu như vậy. Họ biết được những gì bạn nói có giống như những gì bạn nghĩ, bạn đã làm không. Lời nói thật về điểm yếu của mình có thể được đánh giá cao hơn lời khen mình nhưng bị phát hiện là… có vấn đề.
Minh Anh ( Theo NLD )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ