Thị trường

Bị tẩy chay ở Anh, Starbucks có trốn thuế khi tới Việt Nam?

Bị tẩy chay ở Anh, khi sang Việt Nam, liệu Starbucks có liều mình chơi chiêu bài trốn thuế một lần nữa?

 Bị tẩy chay ở Anh

Starbucks là một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới. Starbucks có mặt tại nhiều quốc gia và thu về hàng tỷ USD doanh thu. Ngoài “đất mẹ” là nước Mỹ, Anh là thị trường lớn nhất của Starbucks. Riêng thị trường Anh đủ sức mang lại cho Starbucks dưới 1 tỷ USD mỗi năm.
 
Vào thời điểm cuối tháng 9/2012, Starbucks có 593 cửa hàng. Nhưng sau đó 1 năm, số cửa hàng giảm xuống chỉ còn 549 cửa hàng. Dù giảm sút thì số lượng cửa hàng của Starbucks tại Anh vẫn là con số khổng lồ với bất cứ thương hiệu cà phê nào.
 
Thế nhưng, đôi khi quy mô hoạt động và doanh thu lại không song hành cùng lợi nhuận. Doanh thu cao, lợi nhuận chưa chắc đã lớn. Thậm chí, lợi nhuận còn có thể âm. Hoạt động của Starbucks tại thị trường Anh là trường hợp thứ 2. 
 
Năm 2012, Starbucks công bố đạt doanh thu 413 triệu bảng Anh (tương đương 658 triệu USD) tại thị trường Anh, tăng 4% so với năm trước. Doanh số cao ngất ngưởng mang lại cho Starbucks khoản... thua lỗ 30 triệu bảng. Đây là điều bất thường nhưng với những ai quan tâm tới Starbucks, điều bất thường này hóa ra lại bình thường vì tình trạng doanh thu cao, thua lỗ nặng của Starbucks diễn ra suốt 15 năm qua.
 
Starbucks dính nghi án trốn thuế ở Anh
 
Reuters cho biết, kể từ năm 1998 tới tháng 10/2012, tại thị trường Anh, Starbucks có doanh thu hơn 4,8 tỷ USD nhưng công ty này mới chỉ đóng thuế chưa đến 1%. Một nguồn tin khác cũng cho hay Starbucks mới chỉ nộp tổng cộng có 8,6 triệu bảng (13,7 triệu USD).
 
Nguyên nhân thua lỗ đã được Starbucks giải thích rõ ràng. Dù Starbucks tại Anh kinh doanh tốt nhưng doanh thu không bù được chi phí vì Starbucks phải nộp "lệ phí bản quyền" cho công ty mẹ rất nhiều. Mà "lệ phí bản quyền" này lại phụ thuộc công ty mẹ chứ không phải do thị trường quyết định.
 
Điều tương tự cũng đã xảy ra với Coca Cola tại Việt Nam khi Coca Cola phải trả tiền nguyên liệu độc quyền cao ngất ngưởng cho công ty mẹ.
 
Starbucks không chỉ dính nghi án trốn thuế ở Anh. Thị trường Đức cũng là nơi công ty này đóng rất ít tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là cách làm của Starbucks: Đóng thuế ở nơi áp dụng mức thuế thấp như Hà Lan, Luxembourg và trốn thuế tại nơi thuế suất cao như Anh, Đức.
 
Để đạt được mục đích ấy, họ thành lập mạng lưới công ty mẹ con ràng buộc lẫn nhau, theo phương châm càng phức tạp và rối càng tốt. Công ty mẹ đóng trụ sở ở nơi áp dụng mức thuế thấp. 
 
Các công ty con ở nơi áp dụng mức thuế cao thường không được tự chủ về tài chính và kế toán, trả lệ phí bản quyền và mua thương hiệu rất cao, thậm chí cả trả lãi cho nguồn vốn có trong điều lệ và vốn kinh doanh.
 
Với các hoạt động tinh vi, Starbucks dù lọt vào tầm ngắm của ngành thuế nhưng công ty này vẫn an toàn. Tuy nhiên, Starbucks vẫn phải đối mặt với áp lực dư luận. Kể từ khi thị trường dấy lên nghi án Starbucks trốn thuế, người tiêu dùng Anh quốc tẩy chay thương hiệu này.
 
Kết quả là năm 2013, Starbucks công bố doanh thu tăng trưởng âm. Cụ thể, trong năm tài khóa này, doanh thu của Starbucks tại thị trường Anh trong tài khóa 2012-2013 kết thúc ngày 29/9/2013 giảm 3,4% so với tài khóa trước xuống còn 399 triệu bảng (khoảng 660 triệu USD).
 
Với mức doanh thu này, lỗ trước thuế của Starbucks vào khoảng 20,4 triệu bảng (tương đương 33,5 triệu USD), Không chỉ giảm doanh thu, Starbucks còn cắt giảm nhân sự.  Starbucks giảm 11,6% số nhân viên ở nước này xuống 7.726 người.
 
Một phát ngôn viên của Starbucks cho biết doanh thu ở thị trường Anh giảm do tập đoàn này đóng cửa các cửa hàng làm ăn không có lãi chứ không không phải vì lý do nào khác.
 
Có trốn thuế tại Việt Nam?
 
“Làm mưa, làm gió” khá lâu trên thị trường thế giới nhưng phải tới đầu năm 2013, Starbucks mới đặt chân tới Việt Nam. Ngay khi cửa hàng đầu tiên khai trương tại Tp.HCM, Starbucks đã tạo nên hiện tượng khi hàng trăm người xếp hàng để mua được một cốc Starbucks.
 
Starbucks ồn ào ngày khai trương  tại Tp.HCM
 
Chỉ sau đó vài tháng, khi trao đổi với Wall Street Journal tại Bangkok (Thái Lan), CEO Schultz của Starbucks nói rằng, doanh thu tại cửa hiệu này đến nay vượt kỳ vọng. Tuy nhiên,  Schultz không đưa ra con số cụ thể.
 
Hiện tại, số lượng cửa hàng của Starbucks tại Tp.HCM đã tăng lên con số 8. Tới đầu tháng 7 vừa qua, Starbucks chinh phục thị trường Hà Nội với 3 cửa hàng ở “đất vàng” Bà Triệu và Lý Thái Tổ (thuộc 2 quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm). Lễ khai trương cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội cũng thu hút được sự quan tâm từ dư luận.
 
Starbucks thâm nhập thị trường Việt Nam đúng thời điểm nghi án trốn thuế của Coca Cola được truyền thông nhắc tới nhiều. Chính vì vậy, dư luận rất quan tâm tới nghi án trốn thuế của Starbucks tại Anh. Không ít người nghi ngại những gì xảy ra tại Anh có thể sẽ lặp lại ở Việt Nam.
 
Cạnh tranh khốc liệt tại Việt Nam là lý do tuyệt vời để Starbucks thua lỗ, nếu muốn. Vì vào Việt Nam có nghĩa Starbucks bước vào con đường không quá rộng thênh thang. Starbucks phải đối diện với những đối thủ đã khẳng định được vị thế của mình như Trung Nguyên, Highland Coffee, Jollibee Foods Corp, Coffe Bean and leaf tea,…
 
Vì vậy, tại thị trường Việt Nam, Starbucks phải có chiến lược riêng biệt.
Jeff Hansberry, Chủ tịch Starbucks Trung Quốc và châu Á – Thái Bình Dương đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng. Ông cho biết Starbucks tìm kiếm tăng trưởng tại Việt Nam nhờ “dịch vụ có ý nghĩa” với “đam mê và chu đáo”.
 
Hiểu được tâm lý của thực khách Việt, tại Việt Nam, Starbucks không chú trọng vào cung cấp sản phẩm “mang đi” mà tập trung vào không gian sành điệu cho thực khách thích thưởng thức cà phê tại chỗ. 
 
Mặc dù tự tin vào chiến lược của mình như Starbucks vẫn chỉ mở cửa hàng một cách “nhỏ giọt” ở Việt Nam. Hansberry lý giải với các phóng viên khi cắt băng khai trương cửa hàng cà phê tại trung tâm Hà Nội: “Chúng tôi rất cân nhắc và cẩn trọng khi thâm nhập vào thị trường quan trọng này. Chúng tôi xác định sẽ phát triển mạnh tại nền kinh tế bùng nổ và thú vị này”.
 
Tại Việt Nam, Starbucks phải đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất
 
Tuy nhiên, kỳ vọng “phát triển mạnh” mà Hansberry đưa ra không dễ để thực hiện. Mặc dù trong những ngày đầu khai trương, Starbucks luôn kín chỗ thì sau 1 tháng, lượng khách đến Starbucks thưa thớt dần. Từ chỗ đến Starbucks vì tò mò, khách hàng đã chê Starbucks vì đắt đỏ và thức uống không hợp khẩu vị.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, Starbucks chỉ giữ chân được một bộ phận nhỏ dân văn phòng, khách hàng nữ, những người chỉ uống được cà phê loãng. Ngoài ra, đối tượng khách hàng lớn nhất của Starbucks là người ngoại quốc, những người đã quen dùng Starbucks từ trước.
Một điểm quan trọng khiến Starbucks bị "đội" chi phí đó là đầu tư cho cơ sở vật chất. Không nhiều khách hàng Việt Nam có thói quen mua cà phê "mang đi" mà chỉ thích ngồi thưởng thức cà phê trong không gian sang trọng của quán.
 
Vì vậy, đây là những lý do chính đáng Starbucks có thể đưa ra để giải thích cho các khoản thua lỗ (nếu có) sau này. Và tất nhiên nếu cộng thêm "lệ phí bản quyền" như ở Anh thì Starbucks sẽ "tiết kiệm" được rất nhiều đồng thuế thu nhập.
 
Tuy nhiên, hiện tại, Starbucks mới có 1 năm hoạt động tại Việt Nam. Một năm vẫn nằm trong thời gian chờ hoàn vốn nên nếu Starbucks có công bố các khoản thua lỗ thì cũng chưa thể khẳng định Starbucks có trốn thuế hay không. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải chờ lâu hơn để có được câu trả lời cho câu hỏi này.
 
VTC News
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo