Bí thư Thanh Hóa đối thoại, nhận khuyết điểm với ngư dân Sầm Sơn
Tin tức trên báo Tuổi trẻ, sáng 7/3, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp đối thoại với bà con ngư dân neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Sầm Sơn. Buổi đối thoại bắt đầu từ 8h30 nhưng từ 7h sáng hàng trăm ngư dân đã đổ về hội trường Trung tâm bồi dưỡng thanh thiếu niên thị xã Sầm Sơn.
Nhiều ngư dân cho biết đây là cơ hội để họ nói lên những bất cập trong việc triển khai của các cấp chính quyền liên quan đến dự án quy hoạch "không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương" mà người dân không có lộ trình thích ứng chuyển đổi nghề.
Trước và trong buổi đối thoại, các lực lượng giữ gìn trật tự cũng được tăng cường. Đúng 8h sáng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, đã có mặt.
Đúng 8h30 buổi đối thoại bắt đầu. Ông Đỗ Trọng Hưng, phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết buổi đối thoại nhằm lắng nghe ý kiến bà con, chia sẻ và tìm cách giải quyết liên quan đến việc thực hiện dự án quy hoạch "không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương".
“Buổi gặp mặt là để đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo tiếp tục lắng nghe ý kiến, bàn biện pháp tháo gỡ nhằm đưa thị xã Sầm Sơn tiếp tục phát triển” - ông Hưng nói.
Nêu kiến nghị tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Toàn - ngụ phường Trung Sơn bộc bạch: “Cha ông chúng tôi bao đời đi biển, sống nhờ vào biển. Chúng tôi sản xuất nhỏ thì mưu sinh nhỏ, ai có trí tuệ lớn làm lớn.
Đề nghị trong 3,5km dự án thì để lại 1km cho chúng tôi. Đề nghị các các cấp các ngành thương dân như con. Tạo điều kiện cho dân sống, lãnh đạo làm việc phải vì dân” - bà Toàn nói.
Ông Vũ Đình Chiến, ngư dân phường Trường Sơn nói: “Ngư dân chúng tôi từ xưa tới nay, bãi Sầm Sơn trải dài hơn 7km, trước chưa phát triển du lịch cứ 200m có một tàu neo đậu.
"Chúng tôi đồng tình làm du lịch, nhưng chúng tôi cũng phục vụ du lịch. Đánh con cá vào bán cũng là làm du lịch. Chúng tôi tha thiết đề nghị tỉnh xem xét để lại 1km ven biển, tiếp tục hỗ trợ chăm lo cho ngư dân đi biển” - ông Chiến kiến nghị.
Nhiều ngư dân tiếp tục cho ý kiến. Vào 10h20 phút, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa nhận được 13 ý kiến chất vấn. Bí thư Trịnh Văn Chiến cho rằng, các câu hỏi cơ bản trùng nhau nên gom lại các nguyện vọng người dân. Tôi biết miền biển bà con rất hăng hái, nên đóng góp cho tỉnh rất tốt. Báo Zing news thông tin.
Thứ nhất: Về quy hoạch cho bãi biển Sầm Sơn đẹp, phải chú ý đời sống người dân, thương dân. Thứ hai, để lại bãi biển Sầm Sơn từ 300-1.500 m. Thứ ba, bà con đề nghị trong thời gian qua, một số ngư dân con nhận thức chưa đúng, có vi phạm về pháp luật khi tham gia biểu tình nên đề nghị các cấp chính quyền giơ cao đánh khẽ", ông Chiến tổng hợp lại. Với 3 nội dung này, ông Chiến yêu cầu bà con vỗ tay để biểu quyết chủ đề trả lời.
"Tôi người là lãnh đạo cao nhất của tỉnh, khi nghe bà con vỗ tay, giơ tay biểu quyết, tôi sẽ tập trung những cái đó. Những cái khác không đại diện cho tập thể, nên tôi sẽ tiếp tục lắng nghe", ông nói và đề nghị người dân tập trung nghe, ngồi nghe đến cuối buổi mới về, nếu nghe xong chưa thỏa mãn thì cứ kiến nghị tiếp.
Người đứng đầu đảng bộ Thanh Hóa nhìn nhận, việc xảy ra như mấy ngày qua ở Sầm Sơn là đáng tiếc. "Tôi với tư cách người đứng đầu tỉnh nhận thấy mình có khuyết điểm, trách nhiệm với ngư dân Sầm Sơn", ông Chiến nói.
Theo ông, những ngày qua ông nghe nhiều thông tin hoàn tài sai sự thật để kích động người dân. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền đã kéo lên cơ quan của tỉnh và thị xã Sầm Sơn. "Đây là điều vi phạm pháp luật. Tôi với tư cách người đứng đầu chính quyền khẳng định bờ biển của đất nước ta, người dân ta, trong đó có Sầm Sơn."
"Nhưng biển, bờ biển phải được bờ biển quản lý bằng các quy định hiện hành, bằng quy hoạch, chú ý đến sự phát triển đi lên của Sầm Sơn và lợi ích của người dân", ông Chiến chia sẻ.
"Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển để giao cho bất cứ một doanh nghiệp nào – không có chuyện đó. Vì làm như vậy là trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước", Bí thư Trịnh Văn Chiến nói.
Ngư dân Sầm Sơn cho rằng 2 địa điểm neo đậu tàu thuyền mà UBND tỉnh Thanh Hóa dự tính di dời ngư dân tới nhằm phục vụ dự án cải tạo bãi biển thì một nơi có thể “gây nguy hiểm cho bà con”, một nơi quá xa. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm người suốt hơn 10 ngày qua đã kéo tới trụ sở UBND tỉnh và khu trung tâm TP Thanh Hóa tập trung phản đối. Trong khi đó, tập đoàn FLC, đơn vị được giao triển khai dự án có thông cáo nêu rõ quan điểm của mình: "Chúng tôi khẳng định, FLC không liên quan gì đến các khiếu kiện khiếu nại của người dân cũng như việc người dân tập trung đông người tại UBND tỉnh Thanh Hóa. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương liên quan đến các chính sách đền bù, hỗ trợ người dân... Tập đoàn FLC nhận mặt bằng sạch từ chủ đầu tư và đang tích cực triển khai dự án". Dự án quy hoạch không gian du lịch phía Đông đường Hồ Xuân Hương kéo dài 3,5 km, có tổng vốn 315 tỷ, được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tháng 10/2015. Nhà đầu tư được lựa chọn Tập đoàn FLC. Theo tiến độ, dự án này phải hoàn thành trước 30/4/2016, để kịp khai thác du lịch mùa hè Sầm Sơn. Ước tính, vùng dự án ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 4.000 ngư dân. Nguồn: Zing news |
End of content
Không có tin nào tiếp theo