Bộ Nông nghiệp đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh
Hôm nay 25/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng sẽ có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Một trong những vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng là việc bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng đầu năm 2017, mặc dù ngành NN&PTNT phải dành nhiều thời gian, công sức để chỉ đạo việc ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn, bão lũ liên tiếp xảy ra, nhưng Bộ vẫn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2026/QĐ –TTg. Đến nay, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; 8 văn bản còn lại, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành (KTCN).
Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định, sẽ hoàn thành vào Quý II/2018. Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.
Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC. Để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 VBQPPL do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 Thông tư trong Quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Đối với hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành gồm 32 TTHC liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 TTHC liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng văn bản QPPL phải quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các TTHC liên quan KTCN từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.
Thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí. Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.
Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo mạnh mẽ việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, giảm phương thức kiểm tra trước và giảm hợp lý dung lượng lấy mẫu kiểm định, kiểm nghiệm, trước hết là đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, thuốc thú y nhập khẩu, giống thủy sản nhập khẩu. Các mặt hàng này được kiểm tra theo tần suất dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hoặc thừa nhận kết quả kiểm tra của quốc gia đối tác theo thông lệ quốc tế. Hầu hết các mặt hàng được phép đưa về kho của doanh nghiệp để chờ kết quả kiểm tra, giảm chi phí lưu kho bãi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải KTCN, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền. Bộ đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Về cơ bản, hiện nay, các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động KTCN đã được rà soát, cắt giảm. Thực hiện Luật Phí, lệ phí 2015, phí, lệ phí KTCN nông nghiệp hiện chỉ còn 06 loại phí và lệ phí.
Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN theo nguyên tắc: Cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp; Quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Bên cạnh việc giảm thiểu thủ tục, thời gian, chi phí, vẫn cần duy trì KTCN đối với nông sản hàng hóa nhập.
Theo đó, đề xuất cắt giảm 05 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải KTCN khi nhập khẩu, Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, cắt giảm 04 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn; cắt giảm 09 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản.
Để tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, giảm thiểu KTCN, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm; nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch đối với đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch có nguồn gốc động vật và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, quy định tần suất kiểm tra đối với các mặt hàng đang thực hiện kiểm tra 100% lô hàng.
Phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến KTCN nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ kiên quyết bố trí hợp lý trong Quý IV/2017.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ 1 lệ phí: lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng/năm).
End of content
Không có tin nào tiếp theo