Thị trường

Bộ Tài chính chính thức giảm thuế nhập khẩu dầu

(DNVN) - Sau khi thừa nhận có sự chênh lệch giữa các mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu khiến doanh nghiệp đút túi ngàn tỷ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, kể từ ngày 18/3, Bộ Tài chính quyết định thay đổi  mức thuế nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng, dầu được như sau: Xăng khoáng và xăng sinh học là 20%; dầu diezel và dầu diezel sinh học là 7%; dầu madút là 7%; dầu hỏa là 7% và mặt hàng xăng máy bay và nhiêu liệu động cơ máy bay là 7%.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với 1 số mặt hàng xăng, dầu tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC nhằm góp phần hài hòa về mức thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (Biểu thuế MFN) và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định thương mại song phương và khu vực.

Người dân sẽ được hưởng lợi khi Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu dầu?

Như vậy, với sự thay đổi này, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu đã được giảm xuống so với quy định trước đó theo Thông tư 78/2015 của Bộ Tài chính. Thông tư 78/2015 quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi để tính toán giá cơ sở xăng dầu trong nước là 20% đối với xăng, 10% với dầu diesel và madut, 13% với dầu hỏa.

Nhiều ngày qua, dư luận phản ánh mức thuế được liên Bộ Tài chính - Công Thương áp dụng hiện nay để tính giá cơ sở xăng dầu đang có độ "vênh" nhất định với mức thuế áp dụng trên thực tế. Cụ thể, từ tháng 5/2015, với các sản phẩm xăng dầu nhập về từ ASEAN, Hàn Quốc, thuế áp chỉ có 5%, 10%, thậm chí là 0% từ ngày 1/1/2016. Thế nhưng theo Thông tư 78 của Liên bộ Công Thương, Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu vẫn được tính dựa trên mức thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madut.

Nghĩa là việc này đã tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (khoản doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (khoản người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các doanh nghiệp xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 sau khi Thông tư 78 ra đời đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Việc phát sinh chênh lệch thuế trong cách tính giá bán lẻ xăng dầu khiến người dân phải mua xăng giá đắt, lợi nhuận lại chảy vào túi doanh nghiệp. Đơn cử, số liệu từ thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy hai tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu xăng, dầu của cả nước khoảng 535 triệu USD, với mức thuế nhập khẩu chênh lệnh (5%-10%) như hiện nay thì con số người tiêu dùng trong nước tiếp tục phải trả là không hề nhỏ.

Theo ước tính, trung bình một tháng, các doanh nghiệp nhập khoảng 400 triệu lít xăng dầu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, chênh lệch thuế 5 – 10%, 22 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể thu lợi 425 tỷ đồng/tháng. Cũng theo thống kê sơ bộ, tổng nguồn thu thuế nhập khẩu xăng dầu vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.

 

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã phát đi thông thừa nhận có sự chênh lệch giữa các mức thuế nhập khẩu đối với xăng. Chính vì thế, để tránh gian lận thương mại trong khâu nhập khẩu với các mức thuế khác nhau, Bộ này đã giao cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra khâu nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt là đối với các lô hàng có C/O từ các nước ASEAN, Hàn Quốc,...tránh gian lận thương mại, gây thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Theo đánh giá, với cách tính thuế theo Thông tư số 48/2016/TT-BTC, dự kiến người dân sẽ được hưởng giá dầu rẻ hơn trước. Ngày mai, theo chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố biểu giá bán lẻ xăng dầu mới. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và chuyên gia nhận định nhiều khả năng giá xăng sẽ tăng mạnh hoặc nhà điều hành có khả năng tiếp tục xả quỹ bình ổn, thậm chí giảm thuế để giữ giá xăng dầu.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo