Bộ Tài chính lý giải việc giá sữa Việt Nam đắt hơn các nước ĐNÁ
Thông tin này được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá thuộc Bộ Tài chính, nêu ra tại buổi giao lưu trực tuyến có chủ đề "Bình ổn giá sữa - từ chính sách đến thực tế" do Báo Hải quan tổ chức hôm 2/6.
Trước câu hỏi của dư luận về vấn đề giá sữa ở các nước Indonesia và Malaysia đều rẻ hơn ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã thừa nhận và cho biết, theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao) cung cấp, giá bán trung bình của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 - bước 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
"Giá bán trung bình của mặt hàng nói trên tại Việt Nam hiện là 16 USD. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá trung bình chỉ 14 USD, Philippines là 12,9 USD, Malaysia là 10,9 USD và Indonesia chỉ có 9,5 USD. Giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực từ 2 - 6,5 USD/kg. Nếu làm tròn tỷ giá 1 USD = 21.500 đồng thì mỗi kg sản phẩm sữa, giá sữa tại Việt Nam chênh lệch từ 43.000 - 139.700 đồng/kg. Với cách đóng hộp 900 gam thông thường, người tiêu dùng Việt Nam phải chi trả cao hơn đến 125.800 đồng/hộp sữa so với người tiêu dùng ở một số nước cùng khu vực", ông Tuấn tiết lộ.
Lý giải về sự chênh lệch đó, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, do có nhiều yếu tố khác nhau như: môi trường kinh doanh, chính sách ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia. Cơ quan quản lý đã khảo sát và thấy rằng, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định nhập khẩu. “Có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Liên quan đến băn khoăn của người tiêu dùng về việc giá sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi chỉ giảm 0,4-4% sau khi đã loại trừ chi phí quảng cáo, ông Tuấn cho biết, theo kết quả thanh tra năm 2014 tại 5 DN sản xuất và kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị... đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 3,93%-21% so với giá thành tùy từng dòng sản phẩm.
Tuy nhiên, khi thực hiện áp dụng biện pháp giá tối đa (từ tháng 6/2014) đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các mức giá tối đa của các sản phẩm sữa đã công bố là mức giá đã được rà soát, loại trừ khoản chi phí quảng cáo vượt mức cho phép. Do đó đã làm giá bán lẻ sản phẩm sữa đã giảm 0,1%- 34% so với trước khi áp dụng bình ổn giá.
Tiếp theo đó, tháng 3/2015, thực hiện theo quy định về các dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi bị cấm quảng cáo tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN tiếp tục rà soát và loại trừ hết khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại không được tính vào giá đối với các sản phẩm dưới 24 tháng tuổi.
“Vì thế, mức giá giảm 0,4 - 4% của sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là mức giảm tiếp theo (lần thứ 2) từ mức giá sản phẩm đã được rà soát, tiết giảm khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại còn lại so với thời điểm tháng 6/2014”, ông Tuấn cho biết.
Không chấp nhận kê khai giá mới đối với sản phẩm chỉ thay đổi bao bì
Theo phản ánh của một độc giả, vừa qua, dư luận khá bức xúc trước tình trạng cơ quan quản lý ra quy định, DN liền thay đổi mẫu mã, thành phần để "lách". Giải đáp băn khoăn này, ông Tuấn cho biết, về danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc diện bình ổn giá đã được quy định tại Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 4/10/2013 của Bộ Y tế. Cơ quan quản lý giá thực hiện điều hành, quản lý giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trên cơ sở danh mục đã được quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) định kỳ gửi danh mục các sản phẩm sữa điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu công bố, nhãn mác, bao bì, quy cách đóng gói về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Khi rà soát hồ sơ xác định giá tối đa, đăng ký giá, kê khai giá của các sản phẩm mới; cơ quan quản lý giá đều yêu cầu các DN phải gửi kèm theo hồ sơ xác nhận, công bố hợp quy do Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp để so sánh đối chiếu.
Cho biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để rà soát, kiểm tra các sản phẩm mới, ông Tuấn cũng khẳng định: “Trường hợp các sản phẩm mới của các tổ chức, cá nhân chỉ thay đổi bao bì, mẫu mã mà các thành phần không thay đổi, cơ quan quản lý giá sẽ kiên quyết không chấp nhận việc xác định, kê khai giá mới đối với các sản phẩm này”.
Liên quan đến việc cùng một sản phẩm sữa, những giá bán tại các đại lý khác nhau lại chênh nhau tới 10.000-20.000 đồng/hộp, ông Tuấn cho biết, mỗi DN sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tùy vào chiến lược kinh doanh của mình sẽ có chính sách bán hàng khác nhau đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau. Từ đó, có thể sẽ có những mức giá bán khác nhau ở các đại lý khác nhau.
Tuy nhiên, mức giá bán lẻ đến người tiêu dùng không được vượt quá mức tối đa đã được quy định là 15% so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa. “Trường hợp đại lý nào bán sản phẩm sữa vượt mức tối đa 15% so với giá bán buôn của doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu trực tiếp sản phẩm sữa sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật về giá”, ông Tuấn nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm