Bộ trưởng Bộ Công Thương: Không loại bỏ bán hàng đa cấp dù biến tướng
Ngày 19/9, Bộ Công Thương tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) là loại hình kinh doanh vốn được đánh giá cao ở nhiều quốc gia trên thế giới. BHĐC du nhập vào Việt Nam năm 1998, được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động BHĐC tại Việt Nam có nhiều biểu hiện biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại về tài sản và tinh thần cho nhiều người dân.
Chính vì thế, ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT (gọi tắt là Chỉ thị 02) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC. Qua đó, chỉ đạo, phân công trách nhiệm của các đơn vị liên quan tăng cường, siết chặt hơn nữa đối với loại hình kinh doanh này.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 02 trong 06 tháng vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định. Thông báo tại Hội nghị kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương Trịnh Anh Tuấn cho biết, 06 tháng vừa qua, Cục đã điều tra, xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền xử phạt gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC đối với 09 doanh nghiệp. Cục cũng tiếp nhận và xử lý 123 khiếu nại của người tham gia BHĐC.
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, sự ra đời của Chỉ thị 02 tạo bước ngoặt trong công tác quản lý hoạt động BHĐC tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp BHĐC tính đến tháng 9/2016 đã giảm từ 67 xuống còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng người tham gia BHĐC hiện có 500.000 người, giảm 57% so với gần 1,2 triệu người của cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty BHĐC đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, BHĐC hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng như nước ta.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh không nên tập trung tổng kết những con số mà cần có những đánh giá toàn diện về tình hình thực tiễn của BHĐC, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến địa phương, đến đời sống của người dân. Theo Bộ trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh cần tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp BHĐC trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng như khung khổ pháp lý quản lý BHĐC.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đang lấy ý kiến xây dựng sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC để trình Chính phủ thông qua vào cuối năm. Bộ trưởng nhấn mạnh, đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, yêu cầu hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý hiệu quả loại hình kinh doanh hiện đại như BHĐC là một yêu cầu cấp thiết.
Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cùng Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP để ngày càng kiểm soát tốt hoạt động BHĐC, bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, phục vụ nhu cầu phát triển chính đáng của doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh cần tăng mức xử lý vi phạm để bảo đảm đủ sức răn đe, đồng thời phân quyền cho Sở Công Thương các địa phương trong quản lý BHĐC. Đặc biệt siết chặt, hạn chế cấp phép mới BHĐC. "Kiên quyết xử lý, rút giấy phép đơn vị hoạt động BHĐC biến tướng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo