Pháp luật

Bố vợ chém chết con rể: Luật sư nói gì?

(DNVN) - Liên quan đến vụ án bố vợ chém chết con rể dã man rồi đến công an đầu thú, luật sư Nguyễn Trung Tín đã luận tội đưa ra mức án người cha có thể bị xử phạt.

Tin tức trên báo Infonet, ngày 16/5, công an quận Gò Vấp (TP. HCM) đang làm thủ tục chuyển giao nghi can Nguyễn Văn Nam (SN 1958, ngụ quận Gò Vấp) cùng tang vật cho phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM để điều tra, xử lý hành vi giết chết anh Tôn Thanh V. (SN 1982, ngụ quận Gò Vấp) - là con rể ông Nam.

Theo lời khai ban đầu, 16h45 chiều 14/5 anh V. đi nhậu về, đứng trước nhà vợ và chửi bới gia đình vợ ở đường số 3, P.13, quận Gò Vấp Lúc đó, chị N.T.N.D - là em vợ, vừa đi làm về cũng bị V. gây hấn, xô ngã.

Người cha chém chết con rể rồi đưa xác đến công an đầu thú. Ảnh Ảnh: FB Đội Hiệp Sĩ TP. HCM.

Bố vợ của V. là ông Nam lúc này đứng trong nhà, do tức giận thấy hành động của con rể nên không kiềm chế được nên lấy 1 con dao phay từ trong nhà chạy ra chém liên tiếp vào đầu và vai làm anh V. gục xuống, tử vong tại chỗ. Gây án xong, ông Nam dùng xe gắn máy chở thi thể của anh V. chạy thẳng đến công an P.13 để đầu thú, khai báo toàn bộ hành vi phạm tội.

Nhận định về hành vi giết người của ông Nam, trao đổi trên Trí thức trẻ, luật sư Nguyễn Trung Tín (Công ty Luật Thiên An, TP. HCM) cho biết người cha này thực hiện hành vi chém người trong hoàn cảnh nạn nhân V. liên tục thách đố, chửi bới thậm chí xô ngã cả con gái ông, như vậy không loại trừ khả năng vì nhất thời nóng giận và không kiềm chế được bản thân, nên ông Nam mới ra tay tàn nhẫn như vậy.

"Hành vi giết người thông thường được phân thành hai loại cố ý và vô ý. Trong trường hợp cố ý, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị truy cứu về Tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự 1999) với mức án từ bảy năm đến tử hình hoặc Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 95 Bộ luật hình sự 1999) với mức án từ 6 tháng đến 7 năm. 

Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể được hiểu là đối tượng phạm tội là do bức xúc trước hành vi trái pháp luật của nạn nhân", ông Trung Tín cho biết.

Thông qua các tình tiết của vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra, vị Luật gia cũng cho rằng ông Nam có thể sẽ nhận được nhiều tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng từ pháp luật. Ví dụ như sau khi thực hiện xong hành vi sai trái, đã tự giác ra đầu thú thì đây là một tình tiết giảm nhẹ căn cứ vào khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 hoặc người phạm tội có nhân thân tốt. Bên cạnh đó, pháp luật sẽ xem xét đến động cơ và mục đích phạm tội của đối tượng để kết luận liệu rằng tội trạng như thế nào là hợp lý.

 

"Không ít các trường hợp, hành vi tội phạm thực hiện là do sự bức xúc trước hành vi trái pháp luật, trái đạo đức của nạn nhân. Điều này khiến cho người thực hiện hành vi phạm tội không còn giữ được bình tĩnh, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân, gia đình và xã hội. 

Để tránh rơi vào vòng lao lý, "vô phúc đáo tụng đình", trong đời sống hàng ngày con người cần cư xử đúng mực, tránh nảy sinh xích mích, hiềm khích. Nếu đôi bên không tự giải quyết được những vấn đề bất đồng, cần nhờ đến pháp luật can thiệp và bảo vệ", Luật gia chia sẻ trên báo Trí thức trẻ.

Nên đọc

Ảnh: FB Đội Hiệp Sĩ TP. HCM

Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo