Thị trường

Buôn lậu, hàng cấm khiến các tuyến biên giới “nóng lên” vào dịp giáp Tết

Hoạt động buôn lậu diễn ra phức tạp trên các tuyến biên giới, kéo theo tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng giả, hàng cấm.

Buôn lậu diễn biến phức tạp trên các tuyến

Tại cuộc họp báo Thông tin kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, phương hướng nhiệm vụ 2018 do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp cùng Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 31/1, tại Hà Nội, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trên tuyến biên giới đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra chủ yếu tại khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

>> Xem thêm: TIN HOT NGÀY 3/2: Ông Đinh La Thăng kháng cáo, giá xăng dầu sẽ không tăng trong dịp Tết Nguyên đán

Đáng lưu ý, ở các tỉnh biên giới Tây Nam bộ, tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu bằng xe ô tô khách, xe tải với số lượng từ 10.000 đến 40.000 bao thường xuyên xảy ra.

Hoạt động buôn lậu diễn ra phức tạp trên các tuyến biên giới. Ảnh minh họa.

Đối với mặt hàng đường cát, các đối tượng dùng bao bì của các doanh nghiệp (DN) trong nước, đưa sang biên giới Campuchia đóng gói, chờ đêm tối vận chuyển qua biên giới vào nội địa.

Tuyến đường biển, cảng biển, cảng sông quốc tế có lưu lượng hànghóa lớn như khu vực cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu là xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động, thực vật hoang dã; rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng; hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, gia súc, gia cầm, đường cát, thuốc lá...

Trên tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, các đối tượng chủ yếu buôn lậu vũ khí; ma túy; vàng; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES (như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê); điện thoại; rượu; mỹ phẩm... Địa bàn trọng điểm vẫn là các sân bay quốc tế lớn như Nội Bài; Tân Sơn Nhất và Bưu điện Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex.

Ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… thường xảy ra ở nhóm mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như: Rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Không những thế, việc mua bán, trao đổi bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua các trang mạng xã hội gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm soát.

“Nóng” về pháo và hàng giả những ngày giáp Tết

 

Trong năm 2017, các đơn vị bộ đội biên phòng (BĐBP) độc lập và chủ trì phát hiện bắt giữ 3.171 vụ với 3.255 đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại; trị giá tang vật tạm giữ khoảng 569.000.000.000 đồng. Trong đó, khởi tố hình sự 1.117 vụ với 1.392 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính và tịch thu sung công quỹ nhà nước 152.857.000.000 đồng. Bàn giao cơ quan chức năng xử lý 387 vụ và 355 đối tượng.

Theo Đại tá Từ Quốc Lệ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), tháng giáp Tết Nguyên đán nóng nhất trên các tuyến biên giới vẫn là pháo và ma tuý, hàng giả, hàng lậu có giá trị cao đi qua các tuyến biên giới thẩm lậu vào nội địa. Nguồn hàng chủ yếu được vận chuyển từ Trung Quốc, Lào về Việt Nam.

“Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm vẫn là nguy cơ thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn lậu ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trên phạm vi cả nước, đặc biệt trên các tuyến, địa bàn trọng điểm nhất là tuyến biên giới, tuyến hàng không, tuyến biển, tuyến đường bộ và trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất…”, Trung tá Trần Viết Phương, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu cho biết.

Đặc biệt, hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm là pháo nổ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số lượng. Pháo nổ tuồn vào nội địa từ mọi hướng.

Vẫn có cán bộ tiếp tay cho đối tượng gian lận thương mại

 

Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cũng thẳng thắn thừa nhận: “Ý thức trách nhiệm của công chức thực thi nhiệm vụ ở một số nơi còn bị buông lỏng, thậm chí tiếp tay cho đối tượng gian lận thương mại và hàng giả; cơ chế chính sách còn tạo kẽ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm. Công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến đường dây ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chậm, không truy cứu được đối tượng cầm đầu, thậm chí nhiều vụ không tìm ra thủ phạm như buôn lậu động vật và các sản phẩm động vật quý hiếm…”

Năm 2018, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các bộ, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, nhất là các sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng các cấp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nên đọc
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo