Theo Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (OTT) của Cục Viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ OTT có thu cước và nhà cung cấp OTT không thu cước nhưng có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng phải có ít nhất 1 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam.
Quy định này nhằm để đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Điều này đồng nghĩa với việc gần như tất cả các dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (OTT) phổ biến tại Việt Nam hiện nay như Viber, Line, Kakao Talk, Zalo... đều sẽ nằm trong diện bị tác động.
Một điểm đáng chú ý nữa của dự thảo là việc phân biệt các nhà cung cấp dịch vụ OTT hiện nay thành 2 nhóm: Có thu cước và không thu cước (miễn phí), với các hình thức quản lý tương đối khác nhau.
Cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước có thu cước chỉ được cung cấp dịch vụ khi là doanh nghiệp và có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ OTT. Những nhà cung cấp trong nước, miễn phí thì không cần phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông.
Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thu cước và không đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình OTT nếu muốn hoạt động. Trong trường hợp muốn đặt máy chủ tại Việt Nam, nhà cung cấp nước ngoài sẽ phải hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ OTT phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật viễn thông.
Trước khi cung cấp dịch vụ, các nhà cung cấp OTT cả trong và ngoài nước không thu cước và có trên 1 triệu người đăng ký sử dụng sẽ phải thông báo với Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) trong vòng 10 ngày làm việc.
Nhà cung cấp dịch vụ được đàm phán, kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất để cung cấp dịch vụ tin nhắn trên nền Internet đến các thuê bao điện thoại trong nước. Tuy nhiên, nhà cung cấp dịch vụ OTT miễn cước không được kết nối mạng tại Việt Nam để trực tiếp cung cấp cuộc gọi thoại từ người sử dụng dịch vụ OTT đến thuê bao điện thoại trong nước.
Nhà mạng không được cản trở dịch vụ OTT
Dự thảo nêu rõ, nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp thông tin công khai, đến người dùng về Giá cước, chất lượng dịch vụ đối với dịch vụ có thu cước; Các loại thông tin cá nhân được thu thập, lưu trữ và sử dụng; Mục đích, quyền và trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng đối với các thông tin cá nhân được thu thập, lưu trữ. Các điều kiện, quyền và trách nhiệm của người dùng; Địa chỉ và hướng dẫn tiếp nhận, xử lý các khiếu nại...
Đồng thời, họ phải triển khai các hệ thống nghiệp vụ bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin theo quy định của Bộ TT&TT và Bộ Công an. Nhà cung cấp OTT nước ngoài có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để phục vụ cho mục đích đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội khi được yêu cầu.
Đặc biệt, nhà mạng có nghĩa vụ không được cản trở nhà cung cấp OTT và người sử dụng dịch vụ OTT, nếu như dịch vụ đó tuân thủ đúng các quy định của Thông tư. Tuy nhiên, nhà mạng được quyền ưu tiên chất lượng dịch vụ hơn đối với các dịch vụ của các nhà cung cấp OTT có thỏa thuận thương mại với mình. Đồng thời, nhà mạng được quyền cung cấp các gói dịch vụ truy nhập Internet có sử dụng OTT với chất lượng và giá cước khác nhau.
Trong một số trường hợp cá biệt, nhà mạng được phép ngăn chặn các dịch vụ OTT, như: Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến an ninh quốc gia hoặc khi nhà cung cấp dịch vụ không có thỏa thuận thương mại để cung cấp dịch vụ có thu cước trên mạng của nhà mạng.
Về phía người dùng, dự thảo nêu rõ không được sử dụng thông tin cá nhân và số thuê bao viễn thông của người khác để đăng ký sử dụng dịch vụ dưới danh nghĩa người đó. Đồng thời nghiêm cấm hành vi gửi thông tin, nội dung quảng cáo trái pháp luật và tin nhắn rác.
Theo Vietnamnet