Các nước Baltic tăng cường sắm vũ khí đề phòng Nga
Các quốc gia vùng Baltic tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, mua sắm thêm vũ khí giữa lúc Nga tăng cường các hoạt động quân sự ở vùng biển Baltic.
Các nước Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - tách khỏi Liên Xô cũ và trở thành những quốc gia độc lập vào năm 1991, sau đó gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 2004.
Thời gian gần đây Nga tăng cường hoạt động quân sự bất thường với các máy bay quân sự và tàu chiến thường đến gần không phận và biên giới trên biển của ba nước này hằng ngày, theo Reuters.
Mới nhất, các chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan đã chặn hai máy bay ném bom của Nga bay trên biển Baltic khi tham gia một cuộc tập trận của NATO vào hôm 8.12. NATO cho hay trên 30 máy bay Nga bị chặn trong không phận quốc tế ở biển Baltic và ngoài khơi bờ biển của Na Uy chỉ trong ngày 8.12.
Trước tình hình trên, Lithuania đã đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao hơn hồi đầu tuần này sau khi 22 tàu chiến Nga được phát hiện tại biển Baltic.
NATO triển khai thêm tàu chiến, máy bay và binh sĩ đến Ba Lan và 3 nước Baltic để trấn an những quốc gia này, kể từ khi bán đảo Crimea ly khai Ukraine, sáp nhập Nga vào tháng 3.2014, cùng với việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga với cáo buộc Moscow can dự vào Ukraine,
Cả ba quốc gia này đều hoan nghênh sự đảm bảo từ những nước đồng minh NATO rằng nếu có bất kỳ sự hung hăng nào chống lại họ đều được xem là một cuộc tấn công nhắm vào NATO, theo AFP.
“Sự hiện diện của NATO ở Baltic phải tiếp tục và tăng cường”, AFP dẫn lời Thủ tướng Estonia Taavi Roivas tuyên bố trong tuần này. Các chuyên gia cảnh báo lực lượng quân sự của những nước Baltic sẽ không thể đương đầu với một cuộc tấn công toàn diện từ Nga.
“Nếu các nước Baltic bị tấn công, những nước đồng minh NATO cũng cần phải có thời gian để phản ứng. Điều này đồng nghĩa với việc những nước Baltic phải sử dụng năng lực phòng vệ của chính mình trước khi được NATO hỗ trợ”, ông Aleksandras Matonis, một chuyên gia quốc phòng Lithuania, cho AFP biết.
Chính vì lẽ đó mà các nước Baltic đã tăng cường chi tiêu ngân sách quốc phòng và mua sắm thêm nhiều loại vũ khí. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Sven Mikser hồi đầu tuần này đã ký kết một thỏa thuận mua sắm vũ khí lớn nhất lịch sử nước này, trị giá lên đến 138 triệu euro (171 triệu USD).
Thỏa thuận này bao gồm mua 44 xe chiến đấu bộ binh CV90 và 6 xe tăng Leopard từ Hà Lan. Một tháng trước đó, ông Mikser đã ký kết hợp đồng 40 triệu euro với Mỹ để mua 40 hệ thống tên lửa Stinger.
Trong khi đó, Latvia sắm 123 xe chiến đấu bộ binh với giá 48 triệu euro từ Anh hồi tháng 8 và vào tháng 11 ký thỏa thuận 4 triệu euro với Na Uy để mua 800 vũ khí chống tăng Carl Gustav, cùng 100 xe tải quân sự.
Còn Lithuania ký thỏa thuận mua hệ thống phòng không GROM trị giá 34 triệu euro từ Ba Lan hồi tháng 9.2014 và một tháng sau đó chi 16 triệu euro mua tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ.
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng qua, cả ba nước Baltic chi tổng cộng 300 triệu euro (373 triệu USD) để mua sắm vũ khí đề phòng Nga, theo AFP.
Chuyên gia quốc phòng Latvia, bà Kristine Rudzite-Stejskala nhận định: “Quan chức các nước Baltic đã thay đổi quan điểm về chi tiêu quốc phòng bởi vì những hành động của Nga ở Ukraine”.
Theo AFP, Estonia lên kế hoạch tăng 2,05% ngân sách quốc phòng vào năm 2015, Lithuania tăng 1,1% và Latvia dự định tăng không quá 1%.
“Trong nhiều năm qua, ngân sách quốc phòng bị thiếu hụt. Những hành động của Nga ở Ukraine đã giúp tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với việc tăng cường chi tiêu ngân sách quốc phòng”, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Juozas Olekas cho biết.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
Cột tin quảng cáo